Từ nơi ấy, chàng thiếu niên Đình Bảng đi theo con đường sáng

06/08/2021 20:58 Số lượt xem: 3925
Sinh thời, đồng chí Lê Quang Đạo từng tâm sự: “Gia đình bố mẹ tôi vừa làm thủ công vừa làm ruộng... Tôi chịu ảnh hưởng của thầy tôi tình yêu thơ văn, còn từ đẻ tôi những bài học đối nhân xử thế qua những bài ca dao, những câu tục ngữ, những truyện cổ tích. Tôi vừa đi học vừa làm gia sư, vừa viết báo. Có thể nói hoạt động cách mạng đầu tiên của tôi là hưởng ứng Hội truyền bá quốc ngữ kêu gọi dân làng đi học...” (Trích phỏng vấn đầu xuân Đinh Sửu năm 1997 trên Báo Đại đoàn kết cuối tuần)

 Phẩm cách dòng tộc nuôi dưỡng người con ưu tú
Ngày 8-8-1921, đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện) cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở thôn Tỉnh Cầu, làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn (nay là khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn). Cha là ông Thơ La-Nguyễn Đức Cung từng làm thư ký Hội đồng hương chính xã. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lạc-một phụ nữ Đình Bảng đẹp nết đẹp người, đảm đang, nhân hậu. Theo lời kể của AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn, đồng chí Lê Quang Đạo là con thứ bảy trong gia đình. Sáu chị trước qua đời sớm. Vợ chồng cụ Thơ La đi cầu tự rồi sinh được con trai đặt tên là Nguyễn Đức Nguyện với nghĩa “như ý nguyện”.
Những năm tháng tuổi thơ, đồng chí Lê Quang Đạo được nuôi dưỡng, giáo dục lối sống đạo đức, nhân cách ngời sáng từ những người thân yêu ruột thịt. AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn kể: “Tôi và Nguyễn Đức Nguyện là anh em con chú con bác, chung ông nội là cụ Nguyễn Đức Khôi (hiệu Tự Phúc Trung), thường gọi cụ Đám Khôi. Nội tôi từng làm Quan Đám, nhân cách đẹp, đức độ, gương mẫu, tiếng thơm lưu danh. Nội được dân làng tặng bức đại tự “Tuấn dương thanh tụng”, nghĩa là con người tài hoa có sức như tuấn mã vươn xa, tiếng thơm truyền tụng mãi nơi dương thế. Sinh thời nội tôi thường giảng giải cho con cháu, nhắc nhở toàn gia sống sáng trong, đạo đức để xứng đáng với sự quý trọng của dân làng”.
Gia đình còn có một số hoành phi, câu đối đề chữ Hán, tiêu biểu như các bức đại tự: “Tỉnh Thuật”, “Duy Tắc”, “Thư Hương”... Đó là di sản văn hóa cao quý, thấm đẫm tâm đức sâu dày của ông cha, có giá trị nhân văn sâu sắc luôn được cháu con trân trọng gìn giữ như báu vật. “Một lần nhân ngày Tết, họp mặt gia đình, họ hàng, tôi có hỏi đồng chí Lê Quang Đạo: “Chú có biết những chữ Hán trong những bức hoành phi, câu đối này không?”. Đồng chí nói: “Ông nội và Thầy tôi có giảng cho, tôi có biết! Đó là những câu chữ có ý nghĩa và có nội dung giáo dục sâu sắc, gọn và tinh túy lắm. Trong đó có khát vọng nhân cách...”- AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn nhớ lại.

 

Quê hương Bắc Ninh trên đường đổi mới, phát triển, ngày càng khang trang, hiện đại.


Thấm nhuần ý nghĩa, tinh thần từ những “lời vàng ý ngọc” ấy như gương soi hàng ngày để cậu bé Nguyễn Đức Nguyện trau rèn mình trưởng thành. Sống nền nếp, kỷ cương từ nhỏ, việc đã đề ra là Nguyện quyết làm đến nơi đến chốn. Chàng thiếu niên Đình Bảng còn chăm chỉ đọc sách, từ rất sớm đã đọc “Vấn đề dân cày” cùng những tác phẩm văn học kinh điển thế giới như “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, “Người Mẹ” của Maxim Gorki, “Không Gia đình” của Hector Malot... Kể rằng, thầy đẻ cho tiền tiêu vặt thì Nguyễn Đức Nguyện dùng mua, thuê sách báo ở cửa hàng sách Phạm Văn Hảo ở Phủ Từ Sơn mang về nhà đọc. Đọc và học nhiều, tri thức uyên bác, giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp nên Nguyễn Đức Nguyện nói chuyện có duyên, sâu sắc, có sức truyền cảm lớn.
Cũng theo lời kể của AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn: Cậu ruột của đồng chí Lê Quang Đạo là Nguyễn Duy Thân-người có ảnh hưởng lớn đối với đồng chí từ thời học sinh, trực tiếp giác ngộ dìu dắt Nguyễn Đức Nguyện vào Đoàn Thanh niên dân chủ, rồi Đoàn Thanh niên phản đế, vào Đảng Cộng sản và đề cử làm Bí thư Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng. Đồng chí Nguyễn Duy Thân từng tham gia giành chính quyền trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô Hà Nội, cũng là Đại biểu Quốc hội khoá I...
Truyền thống quê hương, phẩm cách gia đình với những tấm gương cách mạng ngời sáng của dòng tộc bên nội và bên ngoại đã hình thành, bồi đắp tâm hồn tuổi xanh Nguyễn Đức Nguyện. Đó là hành trang lớn để chàng thiếu niên Đình Bảng quyết chí, sớm đi theo con đường sáng cách mạng - Con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Lê Nin đã chọn. Và cái tên Lê Quang Đạo - Con đường sáng gắn với ông từ khi thoát ly đi hoạt động bí mật năm 1940.


Một gia đình trí thức cách mạng mẫu mực
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trên cương vị công tác nào, đồng chí Lê Quang Đạo đều hết lòng hết sức vì dân, vì Đảng với mong ước là “làm sao thực hiện được quyền dân chủ cao nhất của dân”. Ông và gia đình luôn sống giản dị, khiêm tốn, đức độ, gần dân và trọng dân.
Quá trình tìm hiểu thân thế, sự nghiệp đồng chí Lê Quang Đạo, chúng tôi không chỉ xúc động cảm phục trước một nhân cách lớn với lòng yêu nước thương dân vằng vặc sáng mà còn thầm ngưỡng mộ chuyện tình đẹp lý tưởng của ông với người bạn đời trăm năm.
Nhạc phụ của đồng chí Lê Quang Đạo là danh họa Nguyễn Phan Chánh, người khởi xướng cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Phu nhân là nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt Tú, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ. Bà vốn là nữ sinh xuất sắc của Trường Đồng Khánh Huế, một “hạt giống đỏ” của phong trào cách mạng; một đảng viên ưu tú, một phụ nữ tài năng, thông minh và là một người vợ hết lòng chăm lo gia đình để chồng yên tâm, vững bước đường công tác...
Năm 2020, chúng tôi đến thăm di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo ở khu phố Tỉnh Cầu, tình cờ có duyên gặp cô Nguyễn Nguyệt Tĩnh là con gái đầu lòng của ông bà Đạo-Tú. Trong vài chục phút gặp gỡ ngắn ngủi, cô Tĩnh kể nhiều về mẹ mình, về sự sắc sảo và trí nhớ mẫn tiệp của bà cùng mối tình lãng mạn, thủy chung son sắc của cha mẹ.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi cũng phỏng vấn con trai thứ của đồng chí Lê Quang Đạo là Thiếu tướng, TSKH Nguyễn Quang Bắc- người đã dành nhiều năm cất công tìm tung tích giống cây Báng thất truyền từ hơn 100 năm trước. Lần ấy, tướng Bắc tâm sự, chính sự thôi thúc của truyền thống văn hóa gia đình, tiếng gọi cội nguồn quê hương Kẻ Báng-Đình Bảng mà ông không quản gian nan, tâm huyết tìm lại được giống cây Báng, đưa về trồng lại trên đất Đình Bảng theo câu ca “Bao giờ rừng Báng hết cây/Tào Khê hết nước, Lý nay lại về...”
Tài năng, đạo đức của nhà cách mạng Lê Quang Đạo và phu nhân Nguyễn Thị Nguyệt Tú đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con cháu. Cả bốn người con là trưởng nữ Tiến sĩ Nguyễn Nguyệt Tĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thắng, Thiếu tướng, TSKH Nguyễn Quang Bắc và con trai út Nguyễn Đức Tuệ... đều noi gương cha mẹ đi theo con đường sáng, quý trọng tri thức, thành đạt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.   

Thuận Cẩm

Chính trị