Yên Phong xây dựng Đảng vững mạnh để phát triển kinh tế

24/03/2020 20:31 Số lượt xem: 1448
Thời gian qua, Yên Phong đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị bảo đảm tính thống nhất, vững mạnh gắn với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là nền tảng để huyện bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Nông dân xã Tam Giang chăm sóc cây màu vụ xuân.

Với mục tiêu tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Huyện ủy Yên Phong  thường xuyên chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp kịp thời các tổ chức đảng đồng bộ, thống nhất với hệ thống chính trị và địa bàn dân cư. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Yên Phong chia sẻ: “Muốn thực hiện thắng lợi nghị quyết thì trước tiên phải xây dựng con người ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở để củng cố, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, đảng viên”. Theo đó, huyện tập trung đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả  lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trên cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Huyện cũng chủ động bám sát các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực tinh thần, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập và công tác.

Cùng với đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được quan tâm, nhất là nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm hoàn thành công việc được giao, năng lực quản lý điều hành. Đến nay, cán bộ, công chức, viên chức của huyện đã  đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí chức danh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 100% cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức theo quy định. Một trong những giải pháp được huyện hết sức quan tâm đó là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Trong đó, việc giám sát, phản biện xã hội được coi trọng, gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Nguyễn Văn Sự cho biết: “Để xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, cùng với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, Đảng ủy thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nắm bắt tư tưởng, dư luận nhân dân, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh. Các vấn đề được Đảng ủy đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, cởi mở trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Đối với những vấn đề quan trọng hoặc khó giải quyết, Đảng bộ xã luôn lắng nghe đóng góp của đảng viên, nhân dân, từ đó thảo luận, thống nhất đưa ra quyết sách đúng đắn nhất. Cách làm này đã tạo sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng và trong các hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương”.
Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh là tiền đề quan trọng để Đảng bộ huyện Yên Phong lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Nét nổi bật là địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế khai thác tốt nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt về giao thông, phát triển các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Huyện thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giải phóng mặt bằng, triển khai công tác xây dựng nông thôn mới và thực hiện thí điểm dồn thửa, đổi ruộng, hình thành những cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào ứng dụng đại trà, đồng thời thực hiện tốt chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế. Tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi gia cầm và sản xuất giống gia cầm ở Hòa Tiến, Đông Thọ; mô hình trồng rau an toàn ở Tam Giang; mô hình trồng cây ăn quả ở Tam Đa, Dũng Liệt; đồ gỗ mỹ nghệ ở Trung Nghĩa, Đông Thọ, Văn Môn… Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện Yên Phong chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 1.814,385 tỷ đồng, đạt 220% so với dự toán và tăng 107% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn huyện còn 1,39% số hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 68,7 triệu đồng. Đến nay, huyện Yên Phong đã có 13/13 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Những ngày này, cùng với việc tập trung các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Phong đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để hoàn thành về đích nông thôn mới trong năm 2020. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là nền tảng vững chắc, là động lực, đòn bẩy để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện bước vào nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 với quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội... Từ những kết quả ấn tượng của Yên Phong, Đảng bộ huyện được chọn tổ chức đại hội trước để rút kinh nghiệm của tỉnh.

Xuân Bình