Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cần giải pháp bền vững

17/01/2019 08:45 Số lượt xem: 1176
Toàn tỉnh có 62 làng nghề, tập trung ở các huyện Yên Phong, Gia Bình, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh. Ô nhiễm môi trường làng nghề là tất yếu của sự phát triển, tuy nhiên, để giải quyết được tình trạng này thì vẫn còn là vấn đề nan giải.

Những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu với tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể: Quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực nông thôn; Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường giữa các đơn vị liên quan... Những văn bản này từng bước được cụ thể hóa, bước đầu cải thiện môi trường các làng nghề trong tỉnh.
Nhiều Đề án, Dự án về bảo vệ môi trường làng nghề cũng được triển khai, thực hiện hiệu quả như: Đề án về đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường Sông Ngũ Huyện Khê; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm (Yên Phong) bằng công nghệ yếm khí; xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), công suất 400 m3/ngày, đêm; xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), công suất giai đoạn I 5.000 m3/ngày, đêm; xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt để cung cấp cho các cơ sở trong làng nghề; vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung thị xã Từ Sơn giai đoạn 1 với công suất 33.000 m3/ngày, đêm (trong đó có xử lý nước thải một số làng nghề); xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu tại làng nghề Văn Môn (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình), Châu Khê (thị xã Từ Sơn) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ...
Những nỗ lực trên góp phần khắc phục cơ bản nguồn nước thải, khí thải ở một số làng nghề, song theo ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì các làng nghề rất cần có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường mang tính bền vững. Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu, thường xuyên tổ chức truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân, doanh nghiệp trong làng nghề. Vận động các cơ sở sản xuất đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, di chuyển các công đoạn sản xuất ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Hàng tháng lựa chọn 1 ngày ra quân làm sạch môi trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề, hạn chế, không cho phép đầu tư đối với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sử dụng công nghệ lạc hậu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, buộc di dời, hoặc cấm hoạt động. UBND các xã, phường có làng nghề phải thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, có cán bộ chuyên môn về môi trường. Đối với các làng nghề chưa có quy hoạch cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề, phải lập quy hoạch dựa trên tính chất đặc thù của loại hình sản xuất.
Các làng nghề có Cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề phải rà soát, xây dựng cải tạo hạ tầng cơ sở đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước và trạm xử lý nước thải tập trung, bố trí diện tích đất lưu giữ chất thải công nghiệp tại các cơ sở. Kiểm soát chặt công nghệ cũ, lạc hậu, nếu thuộc loại tốn nhiên liệu thì phải chuyển đổi sang lắp đặt theo công nghệ mới hiện đại, tiết kiệm điện năng, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các làng nghề theo hướng kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật truyền thống, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Tiếp tục triển khai các Đề án, Dự án về xử lý chất thải làng nghề, tạo đà cho làng nghề phát triển ổn định, bền vững, sạch hơn và an toàn hơn.

Hoài Anh