Xây dựng Nông thôn mới từ tinh thần đoàn kết, dân chủ

14/01/2020 14:58 Số lượt xem: 1454
Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là chương trình tổng thể phát triển toàn diện nông thôn, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình gắn với Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nay là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, diện mạo nông thôn Bắc Ninh có nhiều khởi sắc.

Điểm sáng Nhân Hữu

Trong cái rét ngọt của những ngày cuối đông, sương giăng bàng bạc, chúng tôi về thôn Nhân Hữu, xã Nhân Thắng (Gia Bình), không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng quê này. Con đường về thôn Nhân Hữu hôm nay nằm giữa dãy nhà cao tầng san sát, người, xe tấp nập vận chuyển hàng hóa nông sản của thôn đến nơi tiêu thụ. Nhân Hữu là thôn thuần nông, xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn, thôn đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và tái cơ cấu nông nghiệp. 
Với 83 ha canh tác, thôn thực hiện dồn điền đổi thửa, từ hơn 10 thửa/hộ đến nay còn 2 đến 3 thửa/hộ, hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng được quy hoạch lại tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện năng suất lúa bình quân cả năm đạt hơn 67 tạ/ha. Ngoài 2 vụ lúa, bà con trồng thêm vụ đông với các loại cây chủ lực là bí xanh, bí đỏ cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/sào/vụ. Với khối óc nhanh nhạy, ngoài phát triển nông nghiệp người dân đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thương mại dịch vụ và xây dựng, từng bước nâng cao đời sống. Thôn có hơn 60 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm. Để giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, năm 2019, các Chi hội đoàn thể tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 547 hộ vay 7,4 tỷ đồng.

 

Thôn Nhân Hữu, xã Nhân Thắng (Gia Bình) vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” năm 2019.


Đưa chúng tôi đi thăm các công trình phúc lợi của thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Trần Văn Tường cho biết: Phát huy được sức mạnh toàn dân chung sức xây dựng NTM, trong hai năm 2018 và 2019 thôn xây dựng Nhà văn hóa và nâng cấp tuyến đường trục chính, nhân dân đóng góp hơn 620 triệu đồng. Thôn đạt các tiêu chí NTM, hiện đang nâng cao theo hướng bền vững. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm 0,9%. Thôn duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB: Thơ, Dưỡng sinh, Bóng chuyền hơi, Quan họ, Cầu lông,... góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Năm 2019, thôn có 495/508 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm 97%; 15 năm liền (2004 - 2019) thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa. Tháng 11-2019, thôn vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Lan tỏa rộng khắp
Nhân Hữu chỉ là một trong 733 khu dân cư được “thay da đổi thịt” nhờ thực hiện hiệu quả CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành những vùng chuyên canh lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Các làng nghề truyền thống như: Đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc (thị xã Từ Sơn); đúc đồng ở Đại Bái (Gia Bình), Quảng Phú (Lương Tài); mì ở Tân Lãng (Lương Tài), Yên Phụ (Yên Phong);... phát triển mạnh đời sống người dân ngày một nâng cao, hiện thu nhập người dân khu vực nông thôn đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27%. Nhân dân tích cực giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu. Hằng năm, tỉnh có hơn 90% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá và 87% khu dân cư đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá, Khu phố văn hoá. 
Đời sống ổn định và phát triển, nhân dân tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng hạ tầng NTM. Thôn Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu (Thuận Thành) là một trong những địa phương điển hình trong tỉnh phát huy được sức dân trong xây dựng Nông thôn mới. Để hoàn thành tiêu chí giao thông nội đồng, đầu năm 2019, thôn chủ trương mở rộng và bê tông hóa hơn 1,8 km đường nội đồng. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình chưa đồng thuận. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gia đình Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc La hiến hơn 40 m2 đất cho tập thể. Gia đình ông Nguyễn Văn Vang hiến 50 m2 đất để làm đường. Thấy gia đình ông La, ông Vang gương mẫu đi đầu, nhân dân trong thôn hưởng ứng làm theo, tự nguyện hiến hơn 300 m2 đất để mở rộng đường nội đồng từ 1,5 lên 5 m. Hiện tuyến đường đã hoàn thành và đi vào sử dụng. 
Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc La phấn khởi: “Trước đây, đường nội đồng nhỏ hẹp, nên rất khó khăn trong việc vận chuyển nông sản khi thu hoạch và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ nay trở đi người dân trong thôn sẽ không phải gánh lúa đi xa hàng trăm mét như trước nữa, có đường bê tông rồi, xe ô tô tải, máy gặt, máy làm đất đến tận từng thửa ruộng. Đây cũng là tiền đề để thôn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao”.
Đi trên tuyến đường liên thôn từ Thái Trì đến Ngọc Khám, xã Lâm Thao (Lương Tài). được trải bê tông phẳng lì, ông Nguyễn Đăng Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã phấn khởi: “Tuyến đường này được xây dựng lên từ sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Trước đây, đường chỉ rộng khoảng 2 m nên rất khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Năm 2018, xã có chủ trương mở rộng tuyến đường với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm: Nhà nước đầu tư vốn xây dựng đường bê tông còn nhân dân hiến đất, góp công xây dựng. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình còn băn khoăn không đồng tình. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân lợi ích của việc mở rộng đường, MTTQ xã vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện”.
Gia đình ông Đỗ An là một trong những hộ đầu tiên hiến đất ở địa phương. Ông An chia sẻ: “Khi biết xã có chủ trương mở rộng đường giao thông liên thôn và vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường, gia đình tôi hưởng ứng ngay. Bởi đường được mở rộng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa của nhân dân. Gia đình tự nguyện phá dỡ 1 gian nhà, giải phóng mặt bằng, bàn giao 60 m2 đất cho địa phương”. Từ đó, phong trào hiến đất, mở rộng đường giao thông ở Lâm Thao lan tỏa rộng khắp các thôn. Hơn 20 hộ dân hiến hơn 2.000 m2 đất cho địa phương mở rộng đường liên thôn từ 2 lên 5 m.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, 10 năm qua, nhân dân trong tỉnh tự nguyện hiến gần 20.000 m2 đất, đóng góp gần 337.000 ngày công lao động và 125,3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn. Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có 96/97 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 7/8 đơn vị cấp huyện (Tiên Du, thị xã Từ Sơn, Quế Võ, Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, hơi thở mùa xuân đang hiện hữu trên từng chồi non, lộc biếc. Với truyền thống đoàn kết, tinh thần sáng tạo cùng bản tính cần cù, chịu khó trong mỗi người dân sẽ góp phần làm cho bức tranh Nông thôn mới trong tỉnh ngày thêm khởi sắc.

Mai Phương