Xây dựng nông thôn mới - Hành trình hiện thực hóa khát vọng

23/10/2019 19:42 Số lượt xem: 2711
 Xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một hành trình liên tục nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân, xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM Bắc Ninh đạt nhiều thành tựu nổi bật, bảo đảm đúng hướng và hiệu quả, phát triển nông thôn gắn liền với đô thị. Kết quả này minh chứng cho sự đồng thuận, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương và là tiền đề quan trọng để tỉnh bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu nâng tầm xây dựng NTM, đưa Bắc Ninh thực sự trở thành một miền quê đáng sống. 

Bài 1: Diện mạo mới, tư duy mới từ xã điểm nông thôn

 

Quang cảnh trù phú của làng quê xã An Bình trong xây dựng NTM.

 

Trở lại các xã điểm sau gần 10 năm xây dựng NTM, diện mạo làng quê được tô điểm nhiều “gam màu” tươi sáng. Sự sung túc, đủ đầy hiển hiện trong mỗi nếp nhà, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đáng mừng hơn, nhiều người dân có những tư duy, cách làm mới trong phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng theo hướng bền vững, xứng đáng là “những cánh chim đầu đàn” trong hành trình xây dựng NTM của tỉnh.

Khởi sắc những vùng quê Nông thôn mới
Trên tuyến đường trung tâm xã nối với QL 38, bên hàng cây xanh ngát là những mái nhà cao tầng với nhiều kiểu dáng kiến trúc hiện đại minh chứng rõ nét cho bộ mặt nông thôn An Bình (xã điểm xây dựng NTM huyện Thuận Thành) ngày càng đổi mới. Khu trung tâm xã nhiều công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Ông Nguyễn Bá Thủy, thôn Chợ hồ hởi: “Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và sự chung tay, góp sức của người dân trong chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn trong xã đổi mới toàn diện. Nhiều tuyến đường được mở rộng, cứng hóa; hệ thống chiếu sáng nối liền thôn xóm và các xã lân cận, giúp người dân đi lại và sản xuất thuận tiện hơn. Trường lớp, nhà văn hóa cũng được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân”. 

 

Bác Lê Công Hùng (bên trái) giới thiệu giống gà Đông Tảo-loại gà bán được giá và có sức tiêu thụ lớn trên thị trường

 

Về Tương Giang (xã điểm của thị xã Từ Sơn), ấn tượng đầu tiên là mạng lưới giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại; Các trục đường chính và tuyến liên thôn, liên xóm được mở rộng, cứng hóa, lắp điện chiếu sáng… tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân. Nhiều công trình phúc lợi xã hội được xây mới khang trang, sạch đẹp là dẫn chứng sinh động cho sự khởi sắc của xã sau gần 10 năm xây dựng NTM. Trong phát triển kinh tế, xã khuyến khích người dân  kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Điển hình là nghề dệt may truyền thống các sản phẩm từ sợi bông, vải, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ đó, kinh tế Tương Giang ngày càng phát triển, 9 tháng năm 2019, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 50 tỷ đồng, tăng 34,2% so cùng kỳ năm 2018, giá trị CN-TTCN- thương mại dịch vụ đạt gần 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Tương Giang, để diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực giao thông nông thôn, giáo dục, cải thiện môi trường... 
Đến Bình Dương (xã điểm huyện Gia Bình) những ngày này, mọi người cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng của một xã điểm NTM. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng đã giúp bức tranh nông thôn của Bình Dương có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, người dân có thêm  điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tính đến tháng 6 năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,19%. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Dương đánh giá: “Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó người dân là chủ thể, trực tiếp tham gia và thụ hưởng chính các thành quả của chương trình xây dựng NTM. Qua quá trình thực hiện xây dựng NTM tại địa phương, từ Nghị quyết của Đảng bộ đến tinh thần tiên phong, gương mẫu và quyết tâm của cán bộ, đảng viên đã trở thành đường hướng, dẫn dắt người dân thay đổi về nhận thức, đồng thuận chung tay tham gia cùng chính quyền các cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững...”. 
Cũng như An Bình, Tương Giang, Bình Dương, các địa phương khác trên toàn tỉnh được chọn làm điểm xây dựng NTM đều tích cực huy động mọi nguồn lực, vận động người dân chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Tư duy mới trong phát triển kinh tế
Xây dựng NTM không chỉ đơn thuần là đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà sâu xa hơn là kiến tạo cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần cho người dân. Vì vậy, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, chính quyền các cấp còn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, thương mại - tiểu thủ công nghiệp hiệu quả cao theo hướng tư duy mới gắn sản xuất với thị trường, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Ông Đỗ Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Trong phát triển kinh tế, người dân được khuyến khích theo hướng chăn nuôi trang trại tập trung, khai thác triệt để diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nhiều gia đình được hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo hướng công nghiệp cho hiệu quả cao như: ông Nguyễn Văn Bồng (thôn Nghi Khúc), Đỗ Viết Tin (thôn Thường Vũ)…”. 

 

Các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn trong tỉnh từng bước được xây dựng và phát triển, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay, toàn tỉnh có 56 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động; 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap...

 

Đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng lớn. Nắm bắt xu hướng, nhiều gia đình trong xã mạnh dạn vay vốn đầu tư các phương tiện cơ giới để kinh doanh dịch vụ vận tải. Toàn xã hiện có khoảng 50 - 60 người làm dịch vụ xe taxi và gần 30 xe tải phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân địa phương… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Kinh tế phát triển tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 1,33% (33 hộ), cận nghèo 1,82% (46 hộ), thấp hơn bình quân chung của toàn huyện.
Tại thôn Gia Phú (Bình Dương), bác Lê Công Hùng là tấm gương sáng trong phát triển mô hình VAC cho hiệu quả cao. Khác với cách làm truyền thống, không chọn cây, con vật nuôi dễ làm, dễ chăm, bác Hùng thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường và hướng đến sản xuất cung cấp những sản phẩm thị trường cần. Qua việc sàng lọc, chọn hướng phát triển bền vững, chuyên nuôi cá chép, trắm; gà trống giống Đông Tảo và trồng mít, đu đủ… doanh thu trang trại gia đình bác Hùng bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, 6 người con của bác cũng theo gương bố, phát triển trang trại theo hướng chọn lọc, nâng cao hiệu quả của cây trồng, vật nuôi. Bác Lê Công Hùng cho biết: “Nhờ chương trình xây dựng NTM, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng được đầu tư. Bà con nông dân được chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, được khuyến khích, hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mô hình trang trại theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao”. 
Cũng phát triển trang trại nhưng anh Trần Văn Hiển, Giám đốc HTX Hoàng Gia, thôn Bùng (Bình Dương) lại áp dụng biện pháp trồng thủy canh, nhà lưới, nhà màng đối với các loại rau, quả để giảm thiểu về bệnh và bảo đảm nguồn rau sạch cho khách hàng. Với 9 ha diện tích cây trồng, sản phẩm thương hiệu HTX Hoàng Gia đã được đăng ký rau an toàn. Anh Hiển tâm sự: “Khi kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng rau sạch càng trở nên cấp thiết. Đặt địa vị là người tiêu dùng hàng ngày, chúng tôi kịp thời nắm bắt xu hướng của khách hàng và quyết tâm đầu tư mô hình trang trại cung cấp sản phẩm rau sạch ra thị trường. Khách hàng của HTX có thể lấy mẫu trực tiếp, bất kỳ loại rau nào để kiểm tra chất lượng, mức độ an toàn”. 
Với phương châm “Sức khỏe khách hàng là quan trọng nhất”, đơn vị từng bước chiếm lĩnh được thị trường rau sạch trong và ngoài tỉnh, doanh thu 500 triệu đồng/tháng. Gần đây, HTX ký hợp đồng cung cấp rau cho 2 công ty tại KCN Quế Võ với số lượng 2,3 tấn/ngày. Ngoài ra, còn nhiều khách hàng truyền thống, trong đó lớn nhất là công ty TNHH Hương Việt Sinh cung cấp suất ăn cho hơn 600 trường học tại Hà Nội. Để phát triển bền vững, HTX đang xúc tiến, liên kết các đơn vị sản xuất rau, củ, quả của Gia Bình thành lập sàn cung cấp rau bảo đảm an toàn. Hiện tại, HTX liên kết được 6 đơn vị trực tiếp sản xuất rau an toàn. Về lâu dài sẽ hướng tới sàn giao dịch điện tử, đơn vị đầu tư vốn, kỹ thuật để sản xuất tập trung, mở hướng đi mới - theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việc xây dựng, triển khai các mô hình xã điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết kinh nghiệm, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa phương khác, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM...
 

Bài 2: Mỗi xã một sản phẩm- Sức bật Nông thôn mới

Hà- Anh -Tuấn