Vượt lên thương tật

26/07/2021 21:34 Số lượt xem: 2712
Trở về sau chiến tranh khi một phần cơ thể đã “gửi lại” nơi chiến trường nhưng nhiều thương, bệnh binh trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên tự tạo lập cuộc sống gia đình ấm no đồng thời góp sức xây dựng quê hương bằng sức lao động và ý chí nghị lực, bản lĩnh “Bộ đội cụ Hồ”…

Dù tuổi đã cao nhưng thương binh Phạm Văn Sỹ (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) vẫn miệt mài với công việc làm gốm.

 

Doanh nhân tích cực với các hoạt động xã hội
Tại thôn Văn Trung (xã Tân Chi, huyện Tiên Du), bệnh binh Nguyễn Toàn Thịnh được nhiều người dân yêu mến, tin tưởng bởi ông không chỉ là doanh nhân sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là một đảng viên gương mẫu, cựu chiến binh nhiệt huyết với các hoạt động xã hội.
Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1981, vì sức khỏe giảm sút, ông Thịnh phục viên trở về quê nhà, tham gia công tác tại địa phương. Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông tiếp tục công tác tại Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) trực tiếp tham gia xây dựng các công trình khắp cả nước. Học theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông  khát khao vươn lên làm giàu cho bản thân, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Sau nhiều năm lăn lộn trên các công trường xây dựng, với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2004, ông mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Đông Đô do mình làm Giám đốc.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhiều khó khăn vất vả nhưng với bệnh binh Nguyễn Toàn Thịnh xác định đây là một “chiến trường” mới mà mình cần chinh phục bằng tinh thần của người lính. Mỗi công trình đều được ông ghi dấu ấn bằng tiến độ thi công và chất lượng đúng cam kết. Tâm huyết bỏ ra được đền đáp xứng đáng khi công ty dần tạo dựng được chỗ đứng vững chắc, đóng góp xây dựng nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, doanh thu đạt từ 30-80 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động với mức lương ổn định.
Vượt khó vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt, bệnh binh Nguyễn Toàn Thịnh có điều kiện đóng góp tích cực cho các phong trào, công tác xã hội tại địa phương như: Xây dựng nông thôn mới, ủng hộ xây dựng trường học, hỗ trợ học sinh nghèo…Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8) hàng năm, ông đều dành một khoản tiền giúp đỡ những người chịu nhiều mất mát trong chiến tranh như một cách tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.
Quyết tâm giữ nghề truyền thống
Trở về quê hương với thương tật trên chiến trường Campuchia, thương binh hạng 2/4 Phạm Văn Sỹ (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) luôn nỗ lực vươn lên tự tạo lập cuộc sống. Sẵn nghề làm gốm, hai vợ chồng khởi nghiệp từ việc sản xuất những sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên đó cũng là thời điểm gốm Phù Lãng lao đao bởi sản phẩm không phù hợp với thị hiếu thị trường, nhiều gia đình bỏ nghề.
Giữa bộn bề khó khăn, hàng làm ra không tiêu thụ được nhưng ông Sỹ vẫn bám trụ với quyết tâm giữ nghề truyền thống quê hương. Ông tìm đến những làng gốm phát triển khác để học tập kinh nghiệm, nghiên cứu nhu cầu thị trường. Càng đi nhiều ông càng nghiệm ra rằng gốm thủ công truyền thống luôn có chỗ đứng, giá trị riêng trong người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là người thợ gốm phải sáng tạo, cải tiến mẫu mã, công năng để tạo ra những sản phẩm bắt kịp nhịp sống hiện đại và nhu cầu tiêu dùng.
 Với động lực đó, ông ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tìm ra phương pháp cải tiến trong sản xuất, sáng tạo mẫu mã mới. Bên cạnh sản phẩm truyền thống, xưởng của gia đình ông cho ra đời những sản phẩm gốm trang trí có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao. Đồng thời, ông mạnh dạn vay vốn mở rộng diện tích nhà xưởng, mua sắm máy móc hiện đại, thuê thêm nhân công để nâng cao chất lượng và năng suất. Trung bình mỗi tháng xưởng gia đình ông cho ra lò khoảng 2 nghìn sản phẩm, thu nhập từ 100 đến 130 triệu đồng. Đầu ra  giữ vững ổn định với bạn hàng các tỉnh lân cận về đặt hàng, thu mua tại nhà.
Khi kinh tế gia đình phát triển, ông tìm cách giúp đỡ người dân trong thôn. Ông ưu tiên lao động là con em gia đình chính sách, khó khăn đến học nghề, làm việc với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Ai muốn học kỹ thuật làm gốm, ông nhiệt tình chỉ dạy mà không tính thiệt hơn nên được mọi người rất tin yêu. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới đến với Phù Lãng, ông luôn tích cực trong việc vận động người dân tham gia xây dựng đường làng ngõ xóm, đóng góp vào công tác đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo...
Người công dân kiểu mẫu
“Khâm phục” đó là suy nghĩ chung của người dân thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ (huyện Thuận Thành) khi nhắc về thương binh ¼ Dương Xuân Hiến bởi ý chí vượt lên hoàn cảnh. Dù là thương binh nặng, được hưởng chế độ chăm sóc của Nhà nước nhưng năm 1989 ông Hiến quyết định làm đơn tình nguyện được về tự chăm sóc tại quê nhà. Do điều kiện sức khỏe yếu không thể làm việc nặng, ông Hiến cùng vợ nghiên cứu học nghề làm men rượu truyền thống cung cấp cho các cơ sở nấu rượu trên địa bàn huyện Thuận Thành và vùng lân cận, đồng thời chăn nuôi thêm lợn, gà… để có thêm thu nhập.
Những tưởng cuộc sống đã ổn định thì năm 2013, vụ tai nạn giao thông bất ngờ làm ông Hiến mất đi cánh tay phải. Song, số phận nghiệt ngã không làm ông buông xuôi. Với mục tiêu tự mình chữa bệnh, bớt đi một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội, ông mày mò học thêm kiến thức đông y. Càng học càng say mê, ông nhận thấy nghề đông y phù hợp với năng lực bản thân nên đã nỗ lực trau dồi kiến thức, nghiên cứu các vị thuốc dân gian. Đến nay, bên cạnh cùng gia đình phát triển nghề chăn nuôi, nấu rượu, thương binh Dương Xuân Hiến còn được biết như một lương y “mát tay”, hay làm việc thiện với các bài thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh dạ dày, sỏi thận…
Với thương binh Dương Xuân Hiến, niềm tự hào lớn nhất chính là tổ ấm gia đình hạnh phúc với 4 người con đều được vợ chồng ông nuôi dạy trưởng thành, chăm lo học tập đầy đủ. Hiện 2 người là viên chức, 2 người là những công dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bằng ý chí, nghị lực cùng lối sống mẫu mực, ông từng được UBND huyện Thuận Thành trao danh hiệu “Người công dân mẫu mực” và nhiều lần được tuyên dương với những thành tích tiêu biểu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hoài Phương