Trên đường Lê Anh Xuân, nhớ tác giả “Dáng đứng Việt Nam”

28/04/2020 21:46 Số lượt xem: 3111
Đầu năm 2020, chúng tôi có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh. Đang tha thẩn trên con lộ mang tên Lê Anh Xuân ở Quận 1, tôi bất chợt nhớ về người thi sĩ tài hoa, tác giả của bài thơ bất hủ tựa đề “Dáng đứng Việt Nam” qua câu chuyện với bà Ca Lê Du, chị gái thi sĩ. Bà Ca Lê Du kể, sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, khi cả gia đình tập kết ra Bắc thì bà tình nguyện ở lại quê hương Bến Tre để chiến đấu rồi trở thành chỉ huy đội quân tóc dài ở huyện Mỏ Cày những năm 1960...

 

Chuyện một gia đình trí thức lừng danh
Đầu tháng 10-2019, nhân chuẩn bị cho sự kiện giao lưu giữa Đội thiếu niên du kích Đình Bảng (Bắc Ninh) với Đội quân tóc dài Bến Tre, nghề báo lại đưa tôi đến xứ Dừa, quê hương của phong trào Đồng Khởi cách đây tròn 60 năm. Ở Bến Tre, tôi được chị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh dẫn đến thăm một ngôi nhà cổ đặc sệt chất Nam bộ ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, chủ nhà là bà Ca Lê Du, 86 tuổi, cựu chỉ huy đội quân tóc dài ở huyện Mỏ Cày. Tôi vô cùng ngạc nhiên lẫn bất ngờ khi biết bà Ca Lê Du chính là con gái của vị trí thức lừng danh, GS Ca Văn Thỉnh và là chị gái của nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả bài thơ bất hủ được phổ nhạc tựa đề “Dáng đứng Việt Nam” với những dòng đầy bi tráng:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng lên xác trực thăng/Và anh chết khi anh đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng…
Ngôi nhà bà Ca Lê Du đang ở là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bến Tre, nơi GS Ca Văn Thỉnh cất tiếng khóc chào đời.
Giới trí thức cách mạng Việt Nam đã khá quen thuộc tên tuổi GS Ca Văn Thỉnh (1902-1987). Từ năm 1925 đến 1927, ông đã cùng các bạn đồng môn ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương như Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều… tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1928, Ca Văn Thỉnh về quê, được bổ làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ông lên Sài Gòn cùng thủ lĩnh thanh niên nhiều tỉnh dự lễ tuyên thệ ở Vườn hoa Ông Thượng, nay là Công viên Tao Đàn (Thành phố HCM) do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chủ trì, sau đó Ca Văn Thỉnh về quê và trở thành thủ lĩnh thanh niên Mặt trận Việt Minh tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Bến Tre.
Ngày 20-3-1946, Ca Văn Thỉnh được lãnh đạo khu Tám cử ra Bắc báo cáo với Bác Hồ tình hình miền Nam sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Phái đoàn đi bằng đường biển, ngụy trang trên một con tàu đánh cá. Thuyền trưởng là một phụ nữ mới 26 tuổi nhưng với lòng quả cảm, trí thông minh đã cùng các đồng chí, đồng đội vận chuyển thành công 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển, mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này. Người phụ nữ ấy sau trở thành chỉ huy, linh hồn của đội quân tóc dài, của phong trào Đồng Khởi - nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Về phần Ca Văn Thỉnh, sau khi ra Hà Nội, ông được đích thân Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai giới thiệu kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ ít lâu sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và được phong hàm Giáo sư cùng nhiều trí thức cách mạng lừng danh khác như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo…
GS Ca Văn Thỉnh có 6 người con là Ca Lê Dân, Ca Lê Du, Ca Lê Thuần, Ca Lê Hồng, Ca Lê Hiến, Ca Lê Thắng. Các con GS Thỉnh sau này nhiều người thành danh thành đạt, đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà như: GS, Nhạc sỹ Ca Lê Thuần, Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng, Họa sỹ Ca Lê Thắng, nổi bật là Nhà thơ chiến sỹ, Anh hùng LLVTND Ca Lê Hiến, tức Lê Anh Xuân.

Vì sao có bút danh Lê Anh Xuân?
Trong câu chuyện với bà Ca Lê Du, khi nhắc đến người em áp út là Ca Lê Hiến, tôi thấy trên khuôn mặt người cựu chỉ huy đội quân tóc dài năm xưa thoáng chút rưng rưng: “Ca Lê Hiến là đứa em tôi thương nhiều nhất, vì nó là đứa thiệt thòi nhất gia đình tôi…”.
Bà bồi hồi kể lại, năm 1954, khi cùng gia đình tập kết ra Bắc, Hiến học ở trường học sinh miền Nam, lên cấp III thì học trường Nguyễn Trãi (Hà Nội) rồi vào Đại học Tổng hợp học Khoa Lịch sử. Hiến học rất giỏi nên sau khi tốt nghiệp được nhà trường giữ lại làm trợ giảng và được giới thiệu đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Hiến có mối tình tuyệt đẹp với cô Bùi Xuân Lan, em gái Bùi Đức Ái, tức nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Hòn Đất”. Chúng yêu thương nhau và được hai bên gia đình rất ủng hộ… Cũng như Ca Lê Hiến, Xuân Lan học rất giỏi nên được cử sang Trung Quốc học  chuyên ngành kinh tế tài chính. Những ngày về nước ngắn ngủi, chúng đã kịp hứa hôn, rồi Ca Lê Hiến từ chối cơ hội đi nước ngoài và xung phong trở về quê hương chiến đấu. Trong lý lịch cán bộ, phần khai về gia đình, Hiến ghi rõ: Tôi có vợ chưa cưới là Bùi Xuân Lan, hiện đang học năm thứ 3 Học viện Kinh tế Tài chính Thượng Hải (Trung Quốc) đó là thời điểm cuối năm 1964.

 

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Nhân Chinh (phải) trò chuyện thân mật với bà Ca Lê Du tại ngôi nhà GS Ca Văn Thỉnh cất tiếng khóc chào đời.


Bà Ca Lê Du chậm rãi kể tiếp, Hiến từ nhỏ đã được giáo dục trong môi trường văn hóa và cách mạng nên sống có lý tưởng, sẵn sàng từ chối cơ hội tiến thân, chấp nhận lao vào mũi tên hòn đạn, cống hiến và hy sinh khi Tổ quốc cần.
Vượt Trường Sơn vào miền Nam, Ca Lê Hiến được phân công làm việc ở Ban tuyên huấn TW Cục, sau đó là Hội văn nghệ giải phóng miền Nam, sống, chiến đấu với tư cách của người chiến sỹ - nghệ sỹ. Bà Ca Lê Du nhớ lại, sau hơn 10 năm xa quê, năm 1965, Ca Lê Hiến đã tìm về quê nội ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày) để thăm nhà và thăm chị. Hồi ấy, bà Du đang là cán bộ hội phụ nữ, một hôm đang đi làm thì có một người gọi giật lại: Chị về nhà ngay, có khách… Vừa về đến nhà, thấy Hiến đứng trước cửa, dáng người còm nhom, nhưng gương mặt, nhất là đôi mắt rất sáng, bà Du sững lại hồi lâu, rồi mới bật thành lời: Hiến! Rồi hai chị em ôm nhau khóc vì sung sướng. Tôi thương Hiến vất vả gầy gò, nhưng Hiến bảo em còn thương chị Ba hơn, vì chị vừa chiến đấu, vừa phải nuôi con nhỏ, lại vừa phải nuôi chồng làm cách mạng…
Khi được hỏi vì sao Ca Lê Hiến lấy bút danh là Lê Anh Xuân, bà Ca Lê Du cho hay, khi vào Nam, do yêu cầu phải đổi tên để giữ bí mật, lúc đầu Hiến lấy bút danh là Lê Lan Xuân, đặt theo tên người bạn gái Xuân Lan. Sau này, vào đến chiến trường, Lê Lan Xuân được đổi thành Lê Anh Xuân. Bút danh Lê Anh Xuân là tên đệm của 3 người: Ca (Lê Hiến), Bùi Đức Ái (nhà văn Anh Đức) và Bùi (Xuân Lan), một cái tên ý nghĩa chứa đựng mối tình son sắt thủy chung.
Lê Anh Xuân đã sống và viết bằng những trải nghiệm của đời mình trước những mất mát, đau thương nhưng đầy chất bi tráng của quân dân Nam bộ. Tác giả các tập thơ Tiếng gà gáy, Hoa dừa, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi… nổi bật là bài thơ bất hủ đã được phổ nhạc tựa đề Dáng đứng Việt Nam ấy, đã hy sinh vào ngày 24-5-1968 tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước (Long An), trong cuộc tổng công kích đợt 2 tết Mậu Thân, khi mới 28 tuổi. Nhà văn Lê Văn Thảo là người chôn cất Lê Anh Xuân. Năm 2001 thi sỹ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2011 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bà Ca Lê Du còn xúc động kể, khi hài cốt Ca Lê Hiến được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, rất nhiều năm sau, cứ vào các dịp lễ, tết, người bạn gái mà nhà thơ ghi trong lý lịch là vợ chưa cưới vẫn đến viếng mộ Hiến. Bùi Xuân Lan còn trồng cả một cây thông bên mộ Hiến để lưu dấu những kỷ niệm đẹp đẽ của hai người…
Nhà thơ, chiến sỹ Lê Anh Xuân tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi 28 năm nhưng vô cùng ý nghĩa, xứng đáng là biểu tượng về một nhân cách sống và cống hiến, luôn ý thức đặt quyền lợi chung lên trên lợi ích cá nhân… GS Ca Văn Thỉnh từng tự thuật, trong gia đình ông, Ca Lê Hiến và Ca Lê Du là hai người con vất vả nhất, thiệt thòi nhất, nhưng cũng tự hào nhất bởi thế, GS luôn nhắc đến hai chị em như những tấm gương sáng để cho các con ông cùng học tập:


Sống như em Hiến, chị Ba
Học như ong mật tìm hoa ngày ngày…

Ghi chép của Thanh Tú