Trảy hội xuân miền Kinh Bắc

26/01/2023 19:38 Số lượt xem: 3794
Mùa Xuân là sự khởi đầu tươi mới nên mỗi độ Tết đến, Xuân về du khách thập phương lại nô nức trảy hội đền, chùa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, an lành, hạnh phúc…

Náo nức trảy hội Phật Tích

Trong tiết trời xuân ấm áp với ánh nắng nhẹ chan hòa, chùa Phật Tích trở nên đông đúc khi từng dòng người ùn ùn đổ về chiêm bái, lễ Phật.
Ông Phạm Tiến Tập, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội, Phó Chủ tịch UBND xã Phật Tích, Tiên Du cho biết: Lễ hội xuân năm nay, thời tiết thuận lợi nên từ mồng 3 Tết, lượng du khách ngày càng đông đổ về chùa Phật Tích du xuân, trảy hội và chiêm bái lễ Phật. Để bảo đảm an toàn cho du khách du xuân, ngoài lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn hành lễ khu nội tự, còn có hơn 30 chiến sĩ công an huyện, công an xã và dân quân tự vệ túc trực tại các chốt để giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng xe, tránh ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp tài sản của du khách khi về trảy hội. Ban tổ chức yêu cầu 100% các điểm ăn uống, bán hàng ký cam kết về ATTP và được tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong vấn đề VSATTP. Hệ thống loa truyền thanh của chùa tuyên truyền liên tục về giá trị của di tích, nội quy, quy chế của lễ hội…

 

Đông đảo du khách lên núi Phật Tích ngắm cảnh lễ Phật.


Tồn tại, phát triển hàng nghìn năm cùng với ngôi chùa Phật Tích và câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp Tiên, lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích diễn ra từ ngày mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng, trong đó mồng 4 là chính hội, là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn và sớm trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, chùa Phật Tích được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia gồm hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá. Lễ hội Phật Tích có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mùng 5. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội như: Hát Quan họ trên thuyền, hội thi tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi...

Háo hức du xuân

Đầu xuân, không kể già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo… ai nấy đều háo hức hành hương tham gia các lễ hội để xua đi những muộn phiền, lo âu của một năm cũ. Tất cả, đều cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe, cầu lộc, cầu tài... Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng du khách về lễ đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh) năm nay đã đông nhưng so với các năm trước khi có dịch COVID-19 thì vẫn giảm hơn. Để bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn lễ hội, Ban tổ chức đền Bà Chúa Kho bổ sung thêm camera giám sát trong khuôn viên di tích, khu nội tự, khu bãi gửi xe... Hội Người Cao tuổi phân công hội viên thường xuyên túc trực, hướng dẫn du khách đặt lễ, nhắc nhở không thuê khấn thuê lễ mướn, đốt vàng mã đúng quy định... Ban tổ chức lễ hội phối hợp với các lực lượng an ninh làm tốt công tác giữ gìn trật tự, phân luồng giao thông tránh ùn tắc, phân công đội ngũ trực dọn vệ sinh bảo đảm môi trường sạch sẽ và quang cảnh cho lễ hội…
Ngày 12 tháng Giêng hàng năm, để tưởng niệm ngày giỗ Bà Chúa Kho, dân làng Cô Mễ cùng khách thập phương tổ chức lễ dâng hương, sắp lễ vật cúng Bà Chúa Kho, tiến lễ các ban thờ trong khu vực đền. Đền Bà Chúa Kho mở cửa đón du khách quanh năm nhưng thu hút du khách đông nhất vào tháng Giêng, người dân nô nức đến làm lễ cầu tài lộc, may mắn. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn với sự tri ân của nhân dân đối với nhân vật lịch sử đã có công lớn với dân với nước.
Chị Nguyễn Thị Loan, xã Trí Quả (Thuận Thành), chia sẻ: Hàng năm vào mồng 4 Tết là gia đình tôi lại tổ chức đi một vòng, bắt đầu từ đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Con cháu đều háo hức được du xuân, lễ Phật với mong muốn cầu một năm bình an, làm ăn phát đạt.

Du khách thăng hoa tại lễ hội rước pháo Đồng Kỵ

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016. Theo cụ Chử Văn Tý, 81 tuổi ở phường Đồng Kỵ: Truyền rằng, lễ hội pháo Đồng Kỵ có từ đời Hùng Vương thứ 6, Thành Hoàng làng là tướng Thiên Cương cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Xích Quỷ, thắng trận trở về được dân làng mở hội khao quân, trong hội có đốt pháo.

 

Đoàn rước pháo từ nhà truyền thống về đình tại lễ hội rước pháo Đồng Kỵ.


Năm nay, lễ rước pháo có sự tham gia của hơn 1000 người gồm các đội cờ lọng, chiêng trống, múa lân, đoàn nhạc, kiệu pháo tràng, pháo Nhất, pháo Nhị... tái hiện lại không khí hào hùng của ông cha khi thắng trận. Ngay sau lễ rước pháo là nghi thức Dô ông đám. Những chàng trai tuổi từ 18 trở lên, thuộc nhiều dòng họ khác nhau trong phường Đồng Kỵ tham gia đỡ 4 ông quan đám biểu diễn ở sân đình. Đây là nghi thức nhắc lại sự tích Thánh Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc. Ngoài những nghi lễ trang nghiêm, lễ hội Đồng Kỵ còn tổ chức phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT như: Hát Quan họ trên thuyền, hát Tuồng cổ, thi đấu vật, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền...
Ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Đồng Kỵ xuân Quý Mão cho biết: Sau 3 năm thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, năm nay lễ hội Đồng Kỵ được tổ chức trang nghiêm phần lễ, tưng bừng phần hội với phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bảo đảm thực hiện tốt nếp sống văn minh lễ hội. Để phục vụ hơn 20 nghìn người dân phường Đồng Kỵ và du khách thập phương về du xuân trảy hội, chính quyền địa phương đã giao Công an phường cùng với ban bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng bố trí cán bộ túc trực tại các vị trí nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm và vui tươi, lành mạnh.

Độc đáo kéo co Hữu Chấp

Theo thông lệ, mồng 4 tháng Giêng hàng năm, nhân dân khu Hữu Chấp, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) lại tưng bừng mở hội, tưởng nhớ công đức 5 vị Thành Hoàng làng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Cùng với nghi lễ tế thần được tiến hành nghiêm trang thể hiện sự biết ơn của nhân dân với tiền nhân, lễ hội Hữu Chấp còn có nghi lễ kéo co rất độc đáo. Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Trước Tết Nguyên Đán khoảng 20 ngày, Hữu Chấp cử người đi khắp nơi chọn 2 cây tre thẳng, không quá già cũng không quá non, ngọn nở, lá bông, thân cây không bị kiến đục. Sau đó dóc mấu, cành gọn gàng rồi dùng mảnh sành cạo sạch tinh tre để lộ phần cật trắng. Hai đầu của hai cây tre được cắt vuông vắn không được dập gãy, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ. Ngoài ra, còn có hai đòn tay ngang biểu trưng cho hai hướng Đông và Tây, làm điểm tỳ lực cho người chơi bám vào để kéo. Giữa điểm giao kết 2 gốc tre, có ba hình tròn xoắn chôn ốc tết bằng lạt, kích thước to nhỏ khác nhau, người dân địa phương gọi đó là hình con nhện. Khi làm xong, dây kéo tre được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành hoàng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất.

 

Đội bên Đông hiệp lực kéo tại lễ hội Kéo co Hữu Chấp.


Đội hình kéo co là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia làm hai bên Đông và Tây, mỗi bên 35 người, nam tuổi từ 30-37, không đau ốm, bệnh tật và gia đình không có tang bụi. Cùng với ban nhạc là các bô lão đánh chiêng trống, 4 ông Hóa cầm cờ lệnh và 4 ông Vè làm nhiệm vụ cầm trịch. Trò chơi diễn ra sôi động, đông vui, náo nhiệt. Hai đội kéo 3 keo, người dân đứng xung quanh hò reo, cổ vũ chờ đến keo thứ ba thì ùa vào kéo cho đội bên Đông giành phần thắng với niềm tin bên Đông thắng thì Thánh sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu. Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, trong đó có làng Hữu Chấp được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia.
Một mùa hội xuân mới đang bắt đầu, ngưỡng vọng tâm linh hoà mình vào không gian thiêng, giao cảm với đất trời, thiên nhiên là nhu cầu của đông đảo người dân và du khách thập phương. Với vẻ đẹp thanh lịch của người Quan họ, của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, tin rằng mùa lễ hội xuân này sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi du xuân, trảy hội trên vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Hường-Thanh