Trận đánh sau gần 50 năm, bây giờ mới kể

22/04/2019 07:56 Số lượt xem: 2120
 Những mảnh đạn còn nằm bên trong cơ thể, nhưng trong sâu thẳm đôi mắt cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Trung Phụng, 72 tuổi (Phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) vẫn ánh lên tinh thần lạc quan. Lật khẽ từng trang nhật ký suốt 12 năm tham gia chiến đấu hàng trăm trận đánh khốc liệt, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông chính là khoảnh khắc bắn rơi chiếc máy bay F4 ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Giai đoạn 1965-1968, ông Nguyễn Trung Phụng đóng quân tại Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc (nay là Sư đoàn Phòng không 365), tham gia nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ trọng điểm sân bay Nội Bài, sân bay Kép, chống lại sự leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Sau thời gian dài tham gia chiến đấu và huấn luyện cách đánh máy bay bay thấp, trực thăng, quân dù trên các trận địa, nhất là địa hình rừng núi, năm 1969 ông Phụng về Tiểu đoàn 35 pháo cao xạ 12,7 hành quân vào Đoàn 559, tham gia chiến đấu và bảo vệ biên giới Việt-Lào tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khi ấy, khẩu đội 6 pháo 12,7 Đại đội 2, Tiểu đoàn 35 của ông gồm 23 cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 kíp trực chiến 24/24 giờ, được trang bị đầy đủ quân trang quân dụng, vũ khí, lương thực thực phẩm…

 

CCB Nguyễn Trung Phụng kể cho thế hệ trẻ nghe về những chiến công của khẩu đội 6 pháo 12,7 Đại đội 2 bắn rơi máy bay F4 của Mỹ trong cuốn nhật ký chiến tranh.
 
 

CCB Nguyễn Trung Phụng nhớ lại: “Ngày 8-2-1970, trời nắng cháy da, cháy thịt, tôi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tháo rời pháo thành từng bộ phận rồi vác lên đỉnh đồi mai phục. Đối diện với khu vực này là dãy núi A Trooc bên dòng sông Se-băng-hiêng (Lào). Đây là con sông nhiều thác ghềnh, là tọa độ lửa trên đường Hồ Chí Minh lịch sử. Những địa danh như: Cửa tử Cù Bai, các bản A Xóc, Sê Bu… là địa bàn bị bom, đạn của địch oanh tạc, cày xới suốt ngày đêm. Để giữ bí mật, từ nòng pháo đến bờ công sự, chúng tôi ngụy trang cây xanh, tránh tầm ngắm của địch. Tất cả đồng đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: Mọi phần tử bắn được lấy sẵn, cự ly 1km7, góc tà 30 độ, góc phương vị nhằm thẳng hướng núi A Trooc chỗ yên ngựa, nơi đường máy bay địch thường trinh sát. Bất ngờ một máy bay F4 của địch bay vào đường bay đã định. Một điểm xạ dài từ nơi mai phục nổ ra. Khói pháo chưa tan, máy bay địch đã bùng cháy, lao đầu xuống phía dưới chân núi, tại địa phận xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khi máy bay bốc cháy có một dù bật ra, phi công phơi mình trên ngọn cây, bộ đội ta bắn đứt dây dù cho xác phi công rơi xuống, anh em chôn cất tại khe suối cạn tại ngã ba sông Sê- băng-hiêng, gần bến mới Trà Lỳ. Mừng vui khôn tả trước chiến công, nhưng để bảo đảm an toàn trận địa, chúng tôi nhanh chóng di chuyển ngay sang trận địa dự phòng, tránh máy bay phản kích. Bản tin buổi tối hôm đó của đài Giải phóng đưa: Dân quân Hướng Hóa bắn rơi máy bay F4. Sau này về hậu cứ mới biết thông tin như thế là để giữ bí mật lực lượng phòng không chủ lực từ miền Bắc vào”. Từ đó, ông Nguyễn Trung Phụng cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trở về đời thường với biết bao ký ức chiến tranh và cuốn nhật ký ghi chép như người bạn gần gũi, gắn bó, thiêng liêng. Mỗi khi mở ra xem lại, ông lại nhớ đồng đội, nhớ những ngày tháng hành quân ra mặt trận. Cũng từ cuốn nhật ký ấy, mà nhiều người biết và kể cho nhau nghe câu chuyện về khẩu đội 6 pháo 12,7 Đại đội 2 bắn rơi máy bay F4. CCB Nguyễn Trung Phụng cho biết: “Năm 2014, ông được Bộ Quốc phòng mời tham gia vào Đoàn công tác MIA (Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam) đi tìm kiếm phi công lái chiếc máy bay F4 năm xưa. Qua máy tính xem bản đồ vệ tinh, tôi chỉ rõ trận địa phòng không và vị trí máy bay rơi trong trận đánh ngày 8-2-1970. Thấy vậy, họ vui ra mặt và sốt sắng bàn kế hoạch lên đường tìm kiếm ngay. Sau này tôi mới biết con trai của phi công lái máy bay F4 giữ chức Thống đốc một bang của Hoa Kỳ đang từng ngày chờ đợi. Chiến tranh có mất mát, đau thương, nhưng mỗi lần cùng đi với Đoàn công tác MIA, tôi mới thấy hết được sự khó khăn, phức tạp của việc tìm kiếm và hiểu thêm về hoạt động nhân đạo của dân tộc ta. Từ năm 2014 đến nay, Đoàn công tác tổ chức được 3 đợt cho các nhân chứng trở lại chiến trường xưa thị sát vị trí chiếc máy bay F4. Đoàn công tác nỗ lực tìm kiếm được các mảnh vỡ máy bay còn vương sót lại. Tôi hy vọng một ngày không xa, Đoàn MIA sẽ tìm thấy và đưa quân nhân Mỹ mất tích ấy trở về”.

Bài, ảnh: Phong Vân