Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên

09/11/2018 08:42 Số lượt xem: 1107
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt…Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân… đặc biệt lưu ý ngăn chặn tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” (*).

Những năm gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Tuy nhiên, tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị…” là thực trạng đáng lo ngại đã và đang xảy ra, nhất là ở cơ sở. Nhiều đảng viên ngại sinh hoạt Đảng, khi nghỉ hưu không nộp giấy chuyển sinh hoạt cho cấp ủy nơi cư trú; có đảng viên tuổi chưa cao, sức khỏe tốt cũng xin miễn sinh hoạt Đảng; có đảng viên sau khi được nghỉ sinh hoạt Đảng thì sinh con thứ ba (!). Một số đảng viên bỏ không sinh hoạt Đảng không có lí do chính đáng, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đạt thấp...

Vì sao có tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” ? Các thế hệ đã sống qua các chuộc chiến tranh vệ quốc, đều có ước vọng với những cung bậc khác nhau: Ở tuổi niên thiếu thì ước ao được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong, được quàng khăn đỏ, lớn lên thì ước ao được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động (nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), được đeo huy hiệu Đoàn, cao hơn nữa là được kết nạp vào Đảng, được mang danh hiệu đảng viên! Đó là khát vọng tha thiết và thiêng liêng nhất đối với nhiều người.
Thế hệ trẻ thời ấy, nhìn nhận người đảng viên đều là những tấm gương sáng về mọi mặt, họ là những người luôn vui vẻ nhận công việc khó về mình, quyền lợi thì nhường nhịn cho quần chúng, đặc biệt là luôn giữ gìn đạo đức, phẩm chất, lối sống, không tơ hào một đồng của Nhà nước, của tập thể, họ luôn nghĩ danh dự đảng viên là cao cả, thiêng liêng, nên không những gương mẫu trong công việc mà luôn giữ gìn không để xảy ra tỳ vết làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng. Vì vậy, đảng viên thời ấy đều được quần chúng nhân dân tôn trọng, mến yêu và “tâm phục, khẩu phục”. Những gia đình nền nếp khi dạy bảo con cháu thường lấy gương của người đảng viên ở nơi cư trú để nhắc nhở: “Anh ấy, chị ấy đã được kết nạp vào Đảng rồi đấy”, mong muốn con, cháu học tập, noi theo!
Từ khi đất nước đổi mới, mở cửa, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và cả lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức. Đảng viên, cán bộ, nhất là những người lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương đáng lẽ phải là những tấm gương trực tiếp và gần gũi nhất để quần chúng và lớp trẻ học tập, noi theo, nhưng một bộ phận không nhỏ bị các nhánh lợi ích cám dỗ, tạo ra những tỳ vết, làm hoen ố thanh danh của người đảng viên, nên không đủ sức lan tỏa và lôi cuốn quần chúng; thậm chí có người bị quần chúng khinh ghét, coi thường. Lối sống thực dụng, tham vọng quyền lực và những hành vi tiêu cực, tham nhũng đã và đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, làm tha hóa cả những đảng viên đảm nhiệm chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Những vị trí danh vọng nhất, tôn nghiêm nhất, những môi trường tưởng như tuyệt đối trong sạch, ngày nay cũng bị vẩn đục, có người một thời được coi như “thần tượng” của lớp trẻ lại bị gục ngã thảm hại, bị người đời khinh rẻ, thậm chí trở thành kẻ có tội với dân, với nước !
Không phải tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đều không xứng tầm, đều có tỳ vết… nhưng sự thiếu vắng những tấm gương thật sự trong sáng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”. Mặt khác, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay có một số người được đề bạt, bổ nhiệm nhờ lợi thế về gia đình, về các mối quan hệ…trong khi chưa đủ tầm về năng lực, về tín nhiệm, nên không được đảng viên, quần chúng tôn trọng, kính phục và làm nản lòng lớp trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Trong bối cảnh ấy, Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng (khóa XII)  thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Đó là một chủ trương đúng đắn và cần thiết.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (**) và “lấy gương người tốt việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Từ xa xưa, dân tộc ta là dân tộc có truyền thống coi trọng đạo đức, nêu cao lý tưởng “vua sáng, tôi hiền”, nghĩa là nêu cao tấm gương đạo đức của người lãnh đạo, do đó sự nêu gương ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở người lãnh đạo, giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi quần chúng đã mất niềm tin vào đạo đức của người lãnh đạo, quản lý thì niềm tin chính trị đối với họ cũng không còn. Vì vậy, BCH Trung ương nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương “trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng”. “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, từng đồng chí thực sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân” (***)
Bẩy mươi ba năm trước, đảng ta chỉ có năm nghìn đảng viên đã tập hợp được quần chúng làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám (1945) lịch sử! Ngày nay, toàn Đảng có 4,9 triệu đảng viên, đông gấp gần một nghìn lần, nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng giảm sút. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương Bốn, khóa XII gắn với cuộc vận động Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là biện pháp rất quan trọng để xây dựng chỉnh đốn Đảng. Mọi đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao nếu xét thấy không đủ tín nhiệm để làm gương cho quần chúng thì nên tự giác từ chức. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất, kể cả những đảng viên phai nhạt lý tưởng, không còn thiết tha với Đảng, không hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều kỳ không có lý do chính đáng…” giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nếu mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy viên các cấp đều thực sự là những tấm gương trong sáng như trong các cuộc chiến tranh vệ quốc thì sẽ tạo thành sức mạnh to lớn của Đảng, gắn kết bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, thúc đẩy nhanh công cuộc đổi mới, đưa đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
---------------------------
* Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với cán bộ lãnh đạo thành phố Hải Phòng ngày 15-11-2017 . (theo Báo Nhân Dân ngày 16-11-2017)
** Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 1, tr.263
*** Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bế mạc Hội nghị lần thứ Tám, BCH Trung ương Đảng, khóa XII.
Hồng Minh