Thảo luận về kinh tế - xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19

25/07/2021 18:22 Số lượt xem: 2459
Ngày 25-7, Quốc hội dành gần một ngày để thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

Quốc hội dành gần một ngày để thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch COVID-19 nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không áp dụng các "biện pháp thái quá, cực đoan" để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế. Cho rằng tình hình dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các đại biểu nhấn mạnh cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước có hạn.
Về các biện pháp hỗ trợ với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều đại biểu đánh giá quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới của Đảng và Nhà nước là một quyết sách kịp thời và hợp lòng dân. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26.000 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật; sớm giao các bộ, ngành liên quan, có phần mềm thống kê liên thông các đối tượng được hỗ trợ để chính sách thực hiện đúng đối tượng; rà soát để đánh giá sức chống chịu của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp căn cơ thời gian tới; kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng, chống dịch, tránh tình trạng bị trục lợi.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến khó lường, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” thời gian tới: Chính phủ cần quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững; tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc trung chuyển, cung ứng hàng hóa nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác để tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế…

 

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh làm việc tại Hội trường. Ảnh: TTXVN

 

Trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+vắc - xin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế; tổ chức các bệnh dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh.
Đóng góp cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, đại biểu đề nghị, với việc kiên định thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ cần dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước; tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ…
Trong việc lập và triển khai các dự án đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi tường, đề cao tính thực chất của báo cáo, tránh những báo cáo đánh giá một cách hời hợt, manh tính hình thức, thiếu thực chất. Trong huy động các nguồn lực đầu tư cần phải có các giải pháp mang tính cụ thể; có căn cứ, có tính thuyết phục, có mục tiêu rõ ràng trong huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án; tránh trình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí; quan tâm hơn nữa việc xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian; giảm chi thường xuyên, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có các chính sách thỏa đáng trong thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước; kiên quyết tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, năng lực làm việc kém;…quan tâm, xiết chặt hơn nữa hoạt động đầu tư công, tránh đầu tư sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát tiền của của nhà nước và nhân dân.
Trong phiên thảo luận chiều 25-7, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) tham gia thảo luận về một số giải pháp nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế; chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được khống chế.
Trong phiên thảo luận, một số bộ trưởng đã tham gia giải trình làm rõ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền. Cuối phiên làm việc chiều 25-7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Từ phiên khai mạc đến hết ngày 25-7, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có 10 lượt ý kiến thảo luận vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết.

Thanh Hương