Thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

18/03/2020 18:24 Số lượt xem: 2533
Ngay khi cuộc chiến chống COVID-19 mới bắt đầu, ngành Y tế Bắc Ninh với vai trò đơn vị thường trực đã vào cuộc với tinh thần sẵn sàng, chủ động toàn diện các phương án ứng phó. Trong cuộc chiến chưa rõ hồi kết, không thể không nhắc đến những y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Kinh nghiệm, kiến thức cùng lòng nhiệt huyết và lương tâm nghề nghiệp đã cùng họ lăn xả trong trận chiến cam go này.

Công việc hằng ngày của nhân viên y tế tại khu cách ly tập trung là theo dõi sức khỏe người được cách ly.

 

Cán bộ y tế kiêm phiên dịch viên
Hơn 1 tháng kể từ ngày được trưng tập tham gia đội thu dung đối tượng thuộc diện cách ly tập trung, thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, điều tra dịch tễ tại khu cách ly tập trung của tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh mới được về nhà. Sau nhiều ngày xa cách, bố con anh Nam gặp nhau trong niềm vui khôn tả, hai chị em cứ líu lô kể cho bố nghe đủ thứ chuyện mặc dù mỗi tuần vài lần, anh và gia đình có gọi điện thoại video hỏi han tình hình sức khỏe, sinh hoạt của nhau.
Khi dịch COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, bác sĩ Nguyễn Hữu Nam đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch chống dịch, đồng thời tham gia đội phản ứng nhanh, đội chống dịch lưu động tại đơn vị. Bản thân anh cùng với tuyến dưới điều tra dịch tễ, xác minh các đối tượng tới từ vùng dịch và các đối tượng tiếp xúc gần để tổ chức cách ly theo quy định; thực hiện việc lập danh sách người nước ngoài đến từ vùng dịch trên địa bàn thành phố Bắc Ninh tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cách ly theo quy định.
Chia sẻ về công việc trong hơn một tháng qua tại khu cách ly tập trung của tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hữu Nam cho biết, anh có nhiệm vụ tiếp đón người đến, thực hiện khám sàng lọc, phân loại đối tượng cách ly dựa trên các nguyên tắc: Từ vùng dịch nào trở về, thời gian nhập cảnh vào Việt Nam... Tại khu cách ly, sức khỏe của các đối tượng đều ổn định, nhưng anh Nam và đồng nghiệp mỗi ngày vẫn khám sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt cho họ. Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện bệnh kịp thời làm thủ tục để chuyển đến cách ly y tế tại cơ sở y tế.
Bác sĩ Nam từng học bác sĩ đa khoa tại Trung Quốc 6 năm nên được ngành Y tế trưng tập làm phiên dịch kiêm nhân viên y tế thường trực tại khu cách ly tập trung. Tại đây, anh đã và đang tiếp cận 9 đối tượng là người Trung Quốc. Trong quá trình tham gia đoàn điều tra, thu dung đối tượng thuộc diện cách ly tập trung, bác sĩ Nam kiên trì giải thích, động viên người thuộc diện cách ly tập chung hợp tác với đoàn. Anh cho biết: Tâm lý chung của người được cách ly tập trung đều ít nhiều hoang mang, lo lắng và không muốn cách ly. Vì thế, ngoài nhiệm vụ thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly với người tới cách ly, trong công tác giải thích, động viên nhằm tạo sự yên tâm và đồng thuận với đối tượng cách ly người Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Họ thường đưa ra nhiều lý lẽ như: Muốn được tự cách ly tại khách sạn lưu trú, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt không bằng khách sạn, phải giải quyết việc công ty, thậm chí có người còn khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh, không cần phải cách ly... Công tác thuyết phục những đối tượng này gặp khó khăn gấp nhiều lần do phải chuyển đổi qua một ngôn ngữ khác. Mặc dù vậy, trong suốt quá trình làm việc tại khu cách ly tập trung, bác sĩ Nam  luôn giữ thái độ ứng xử tận tình, chia sẻ, động viên và giúp đỡ người được cách ly, từ đó tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng và hợp tác.

 

Điều dưỡng Ngô Thị Tuyến kiên trì giải thích cho bệnh nhân người Trung Quốc khi anh này nằng nặc đòi làm xét nghiệm PCR dù không đủ căn cứ chỉ định.


Tôi từng chứng kiến điều dưỡng Ngô Thị Tuyến, nhân viên y tế khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiên trì giải thích cho một nam bệnh nhân trẻ tuổi người Trung Quốc về tình trạng sức khỏe của anh. Do thông tin ồ ạt về dịch COVID-19 từ quê nhà chuyển sang, anh này hoang mang và nhất nhất đòi làm xét nghiệm PCR dù sức khỏe tốt, không có đủ căn cứ để chỉ định. Sau khi được cán bộ y tế giải thích cặn kẽ, bệnh nhân không yêu cầu làm xét nghiệm nữa nhưng xin được kê cho loại thuốc an thần vì quá lo lắng, căng thẳng mà không ngủ được, nhiều khi bỗng dưng toát mồ hôi. Phải trấn an, bệnh nhân tuân thủ đeo khẩu trang, song vấn đề tuân thủ trật tự nội vụ buồng bệnh phải nhắc nhở do thói quen sinh hoạt.
Được biết, trước khi vào công tác tại ngành Y tế Bắc Ninh, điều dưỡng Ngô Thị Tuyến có 2 năm làm điều dưỡng theo diện xuất khẩu lao động tại một bệnh viện ở Đài Loan. Vốn tiếng Trung chuyên ngành Y nhiều năm không sử dụng của chị được “kích hoạt” khi có một số bệnh nhân người Trung Quốc nghi nhiễm được nhập viện cách ly và theo dõi. Nói về kinh nghiệm tiếp xúc với các bệnh nhân Trung Quốc, điều dưỡng Tuyến cho biết: Mỗi bệnh nhân có tính cách khác nhau, nhưng hầu hết đều cởi mở do phải cách ly y tế mà vẫn có thể giao tiếp với cán bộ y tế. Mình chẳng có kỹ năng gì đặc biệt, chỉ là vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa hỏi han, lắng nghe tâm sự của bệnh nhân, vừa trấn an, động viên họ yên tâm điều trị. Chỉ khi cảm thấy tin tưởng và yên tâm, họ mới chia sẻ với mình về việc ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào, có những dấu hiệu lâm sàng ra sao, từ những thông tin đó, mình trao đổi lại với bác sĩ điều trị để có chỉ định phù hợp.
Tuyệt đối không chủ quan
Cách đây gần 20 năm, khi dịch SARS lan rộng khắp các quốc gia và trở thành mối đe dọa toàn cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận và điều trị một ca nghi nhiễm. Khi đó, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người trực tiếp điều trị cho ca nghi nhiễm ngày đó chia sẻ: Bệnh nhân là người Việt Nam sang làm ăn tại Trung Quốc nhập viện do ho, sốt, viêm phổi nặng trên nền xơ gan do sử dung nhiều rượu. Khi đó, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại khu cách ly đặc biệt, sau phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư do diễn biến nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với SARS. Mặc dù không có ca dương tính song công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực để ứng phó với dịch SARS là những kinh nghiệm quý báu đối với cơ quan chuyên môn trong đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao như COVID-19.
Là đơn vị chịu trách nhiệm thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có thể coi khoa Truyền nhiễm là tuyến cao nhất chống dịch trên địa bàn bởi các ca bệnh nặng, phức tạp đều được theo dõi, điều trị tại đây. Nói về kinh nghiệm ứng phó các đợt dịch những năm trước, bác sĩ Dũng không thể quên dịch Tả năm 2009 và dịch Sởi năm 2014. Nếu như trong dịch Tả, khoa Truyền nhiễm từng thực hiện bù đến 20 lít dịch/ngày qua đường truyền cho bệnh nhân nặng thì ở dịch Sởi năm 2014, cả khoa căng mình chống dịch do sự bùng phát mạnh. Bác sĩ Dũng kể: Dịch Sởi xuất hiện một số ca từ đầu năm 2014 và bùng phát mạnh ngay sau đó. Từ khoảng tháng 2 đến tháng 9 năm đó, khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 ca Sởi. Trong đợt cao điểm, ngày nào cũng có 20-30 ca nhập viện, hầu hết đều là những ca nặng. Có những kinh nghiệm xương máu trong chống dịch bệnh, song không vì thế mà chủ quan, ngược lại, chúng tôi rất thận trọng. Công tác phòng hộ cho nhân viên trong khoa được thực hiện khắt khe, đúng quy định nhằm phòng tránh lây nhiễm trong cơ sở y tế và cho nhân viên y tế. Một kíp y bác sĩ được bố trí riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Kíp nhân viên y tế này cũng không tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh khác để phòng ngừa lây nhiễm.
Còn Điều dưỡng Trưởng - chị Nguyễn Thị Hiển nhớ như in áp lực làm việc của khoa Truyền nhiễm ngày đó: Từ đang làm việc 8 tiếng/ ngày, khoa chuyển sang 2 ca 3 kíp, nhân lực của khoa lúc đó chỉ có 18 người, riêng phụ nữ nuôi con nhỏ và đang mang thai đã chiếm đến 40% song cán bộ, nhân viên khoa không được nghỉ phép, không được nghỉ bù. Khi đó, khoa vẫn ở tòa nhà cũ, cơ sở vật chất nhiều hạn chế trong khi lúc nào cũng duy trì từ 100 đến 110 bệnh nhân điều trị nội trú, phòng trực của y bác sĩ cũng trở thành buồng bệnh do quá tải. Bệnh viện buộc phải tăng cường thêm nhân lực của các khoa khác hỗ trợ chống dịch.
Có thể thấy, trải qua những vụ dịch nhiều áp lực như vậy, các y bác sĩ khoa Truyền nhiễm tích lũy kinh nghiệm ứng phó và có tâm lý, tâm thế chủ động trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, góp phần quan trọng để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này.
Mặc dù đến nay, chưa ghi nhận ca dương tính với SARS-COV-2 trên địa bàn tỉnh, song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hơn ai hết, những cán bộ y tế trên tuyến đầu đang ngày đêm lăn xả. Khó có ngôn từ nào truyền tải hết sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của họ, bài viết này cũng chỉ khơi gợi phần rất nhỏ về nhiệm vụ nhiều hy sinh của cán bộ, nhân viên y tế. Hy vọng, trong “cuộc chiến” đầy gian nan chống COVID-19 còn dài phía trước, họ luôn giữ được tinh thần quả cảm của những chiến binh, luôn tận tâm, tận tụy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phóng sự của Việt Hoa