Selfie, thả like, thả tim... trên giấy điệp

14/01/2020 14:19 Số lượt xem: 2782
Lần đầu tiên trên giấy điệp tranh Đông Hồ có những hình ảnh sống động của thời đại công nghiệp 4.0 như: Cậu bé ôm gà selfie(*), thả like(**), thả tim xe duyên rồi cảnh tập Gym, Yoga, Bóng đá, Đấu vật... Chưa kể còn muôn “khúc biến tấu” mới lạ, độc đáo khác được truyền cảm hứng sáng tạo từ miền nghệ thuật dân gian mộc mạc, bình dị làng Mái-Đông Hồ... Liệu rằng, đóng góp từ những hướng đi hiện đại mang “thần thái” dân gian này có tạo sức sống mới cho một di sản quý đang rất cần bảo vệ khẩn cấp...?!

Đương đại hóa tranh dân gian làng Mái
Mới đây, trong chuyến thăm làng tranh Đông Hồ (tên nôm làng Mái, nay là Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành), nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Đăng Chế hồ hởi giới thiệu với chúng tôi ba tác phẩm đặc sắc nhất nằm trong dự án “Đương đại hóa tranh Đông Hồ” được một nhóm họa sĩ trẻ sáng tạo rồi đặt hàng gia đình ông sản xuất theo đúng quy trình và nguyên liệu tranh truyền thống. 

 


Lấy cảm hứng từ các mẫu tranh rất đỗi quen thuộc của Đông Hồ như “Vinh hoa-cậu bé ôm gà” để đương đại hóa thành tác phẩm “Bắt trọn vinh hoa”. Vẫn giữ nguyên những nét đẹp ý nghĩa truyền thống từ nguyên tác với hình ảnh chú gà trống, cậu bé trai bụ bẫm và màu sắc đặc trưng của tranh làng Mái, bản đương đại hóa mang tên “Bắt trọn vinh hoa” trở nên đặc sắc hơn khi kết hợp những hoạt động gần gũi với giới trẻ ngày nay là hình ảnh “selfie smartphone”. Bức tranh thể hiện lời chúc phúc lạc quan, yêu đời, con cháu không chỉ khoẻ mạnh mà sẽ thành tài khi lớn lên và sở hữu đầy đủ 5 đức tính đáng quý Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. 

Một tác phẩm khác là “Thả tim xe duyên” được khơi nguồn cảm hứng từ tranh “Bà nguyệt xe duyên” với hình ảnh vị thần tình yêu- bà Nguyệt đang thả tim, thả like trên mạng xã hội và kết duyên cho đôi trai gái, thể hiện mong muốn tìm được người tình gắn kết hạnh phúc trăm năm. Hay như tác phẩm “Nhà nhà đấu vật” cũng là kết quả đương đại hóa từ bức tranh Đông Hồ kinh điển- “Đấu vật”. Bản đương đại hóa thể hiện hình ảnh các bạn trẻ vạm vỡ, tráng kiện đang tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa hiện đại vừa truyền thống như tập Gym, Yoga, Đấu vật, Bóng đá... mang hàm nghĩa chúc cho sức khỏe tràn đầy và gửi đi thông điệp về tình yêu thể thao của giới trẻ Việt Nam... 

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm đắc: “Tôi rất vui và hoan nghênh các bạn trẻ đã đưa mỹ thuật hiện đại và các hình tượng mới vào tranh Đông Hồ. Đây là sự sáng tạo cần thiết giúp tranh Đông Hồ tiếp tục phát triển”.
Tìm về truyền thống, khai thác biểu tượng của tranh dân gian Đông Hồ để sáng tạo. Mới đây, họa sĩ 9X ngành đồ họa Xuân Lam cũng cho ra mắt bức tranh “Gà trống và hoa hồng” bằng chì sau đó xử lý màu bằng đồ họa để mang đến cảm giác mới mẻ, hiện đại và uyển chuyển nhưng vẫn tôn trọng giữ nguyên phần tạo hình gốc của nghệ nhân Đông Hồ. Họa sĩ trẻ Xuân Lam còn đưa nhiều hình ảnh, họa tiết, biểu tượng của tranh Đông Hồ vào thiết kế túi vải, sổ, lịch, bao lì xì, bình phong, áo dài...  
Đáng chú ý, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2019 diễn ra vào trung tuần tháng 8 tại thành phố Bắc Ninh, công chúng thực sự bất ngờ và ấn tượng khi chiêm ngưỡng tác phẩm đương đại khỏe khoắn “Cưới chuột” thuộc loại hình điêu khắc sắp đặt gỗ của họa sĩ Kù Kao Khải (Ninh Bình). Chia sẻ với phóng viên, tác giả Kù Kao Khải xúc động: “Xuất phát từ tình yêu với vùng đất, con người Bắc Ninh và dòng tranh dân gian Đông Hồ, tôi chỉ muốn gửi đi một thông điệp là hãy gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa ông cha. Bởi truyền thống chính là yếu tố khiến cho chúng ta có bản sắc, trở nên độc đáo, khác biệt và mang giá trị vững bền”...
Trong số những người say mê vẻ đẹp tươi trong, mộc mạc của dòng tranh Đông Hồ và mong muốn tìm lại, hồi sinh sức sống làng nghề truyền thống không chỉ có các họa sĩ hay người trẻ mà còn có cả người cao tuổi ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Cách đây khoảng 10 năm, tôi từng đến gặp GS.TS Bùi Công Hiển-một chuyên gia nghiên cứu côn trùng học để được chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh Đông Hồ do hai vợ chồng Giáo sư tỉ mẩn “vẽ” lại bằng cánh bướm. Những bức tranh thấm đẫm hồn dân tộc ấy đã trở thành món quà lưu niệm độc đáo, đầy bản sắc, cuốn hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế...

Giới hạn nào cho sự sáng tạo? 
Bắt nguồn từ niềm tự hào, sự trân trọng giá trị truyền thống với mong muốn phục hồi làng nghề tranh dân gian Đông Hồ, những người tâm huyết với di sản ông cha đã và đang tạo ra những khúc biến tấu mới lạ, những nghệ phẩm hợp thời mà vẫn đậm tính dân tộc, giữ được “thần thái” dân gian đặc sắc. Ngày nay, các sản phẩm được sáng tạo từ dòng tranh Đông Hồ rất đa dạng và phong phú. Ngay tại các cơ sở sản xuất tranh của gia đình con cháu nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ở Đông Hồ cũng sản xuất khá nhiều sản phẩm mới được biến tấu từ chất liệu, màu sắc, biểu tượng của tranh dân gian Đông Hồ như: các loại lịch, bưu thiếp, sổ tay bằng giấy Dó, tranh Đông Hồ để bàn, tranh Đông Hồ lồng trong khung kính hoặc khung tre hun khói Xuân Lai (Gia Bình), hoặc như các bộ tranh dương bản khắc gỗ để mộc hay được sơn son thiếp vàng...

 


Nhận định về sức sống đương đại của tranh dân gian Đông Hồ, PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng di sản Quốc gia khẳng định: “Tranh dân gian Đông Hồ vẫn tiếp tục có sức sống trong đời sống đương đại. Nó thể hiện ở sự đa dạng sản phẩm. So với trước đây chỉ có những tờ tranh treo rất giản dị thì bây giờ tranh có thêm nhiều mẫu mã, được đóng khung đẹp, còn có cả những bộ tranh dương bản khắc gỗ khá ấn tượng như bộ tứ bình... Đặc biệt, bây giờ có nhiều bạn trẻ rất sáng tạo, họ lấy cảm hứng từ các hình tượng, mượn các mô-tip của tranh dân gian Đông Hồ để cho ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với công chúng hiện nay. Chính vì sự đa dạng sản phẩm như vậy mà di sản của quá khứ vẫn sống được, hồn di sản vẫn đi mãi theo dòng thời gian. Chỉ có điều sự sáng tạo cần có giới hạn, không nên sáng tạo thái quá làm hạ thấp giá trị tư tưởng nhân văn hay những giá trị nghệ thuật khác của di sản”. 

 

 

Trong nhịp sống hội nhập với hỗ trợ của công nghệ và đặc biệt là khả năng sáng tạo vô tận của con người đã, đang và sẽ còn tạo ra muôn vàn những biến tấu độc đáo, khác lạ dựa trên nền tảng, chất liệu của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Vì vậy, xung quanh câu chuyện đương đại hóa hay làm mới tranh dân gian Đông Hồ có rất nhiều ý kiến trái chiều cùng với những lo lắng đầy trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là: Giới hạn nào cho sự sáng tạo? Biến tấu đến đâu, làm mới ở mức độ như thế nào để hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, để không làm giảm vẻ đẹp trăm năm của di sản đang là điều quan tâm không chỉ riêng các nhà khoa học mà còn của cả cộng đồng xã hội. 

Nói về những sản phẩm đương đại lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, ông Nguyễn Hữu Hoa, con trai cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho rằng: Giới trẻ họ có góc nhìn của họ, thông minh và rất thú vị. Hãy cứ để cho họ được thỏa sức sáng tạo, phải cập nhật xu hướng, bắt kịp thời đại thì mới phản ánh được hơi thở cuộc sống. Việc của nghệ nhân là cứ giữ và làm nghề theo cách truyền thống. Còn người chơi cứ xem, cứ thưởng thức rồi đến một lúc nào đó sẽ tìm ra con đường chung kết nối hài hòa truyền thống với hiện đại...

-----------------------------


 (*) Selfie-Smartphone: Tự chụp ảnh bằng điện thoại thông minh
(**) Like: Nghĩa là “thích” trên trang mạng xã hội Facebook.

 

Thuận Cẩm