Nông nghiệp công nghệ cao “khát” nhân lực chất lượng

07/10/2019 07:57 Số lượt xem: 4976
Một ngày trải nghiệm tại Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao, xã Việt Đoàn (Tiên Du), một trong những điểm thu hút đầu tư nông nghiệp hiện đại bậc nhất tỉnh, nơi đây đang sử dụng đến hàng trăm lao động thời vụ, nhưng lại rất hiếm kỹ sư có tay nghề. Khảo sát thực tế tại khu vực trồng các loại hoa lan của Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Sở Khoa học công nghệ đang vào độ kích ngồng ra hoa, rộng 2.000 m2, chúng tôi nhận thấy, nhiều lao động đang làm việc, nhưng chỉ là lao động thời vụ. Anh Bùi Hữu Thơ, Giám đốc Trung tâm lo ngại: Có đến hơn 80 lao động thời vụ trong khu vực này, nhưng chỉ có 5 kỹ sư có tay nghề. Lao động chủ yếu ở độ tuổi trung và lớn tuổi, vừa làm, vừa học các thao tác kỹ thuật đơn giản, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình trồng, chăm sóc hoa lan. Thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng không chỉ gây khó khăn tại cơ sở này mà còn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp khác, cản trở quá trình lan tỏa của xu hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Vừa thiếu vừa yếu
Anh Thơ chia sẻ thêm: Thực sự tìm được người có trình độ, làm việc lâu dài, gắn bó với nông nghiệp hiện nay rất khó. Mặc dù nằm kề cận vùng trồng rau truyền thống của xã Việt Đoàn, nhưng chúng tôi cũng chỉ thuê được các lao động trung và lớn tuổi, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao rất hạn chế. Một số lao động trẻ, được chúng tôi đào tạo qua thực tế, vừa học, vừa làm thì lại nhanh chán, đều tìm công việc mới, vừa nhàn, thu nhập lại cao hơn so sản xuất nông nghiệp. 
Với tổng diện tích khoảng 17 ha, Khu thực nghiệm được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại tiên tiến như nhà kính có hệ thống điều khiển tự động, nhà lưới, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô… để sản xuất các loại hoa cao cấp, rau an toàn và các loại nấm ăn, nấm dược liệu... Ngoài các doanh nghiệp vào đầu tư tự thuê lao động, Trung tâm có 2 khu nhà kính, mỗi năm sản xuất hàng chục vạn cây hoa lan cao cấp, ngoài sử dụng máy móc, các công việc như đưa cây con ra bầu sao cho không bị bầm dập, nén mùn để rễ cây không bị thối, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp để kích ngồng ra hoa đều đòi hỏi lao động có kỹ thuật. Hiện tại, Trung tâm không đủ kỹ sư, nên vừa làm vừa phải đào tạo các lao động thời vụ, mất thời gian và công sức, nhưng chưa chắc đã sử dụng được lâu dài. Gắn bó với công việc tại Trung tâm được 5 năm, bà Nguyễn Thị Cảnh, 55 tuổi, xã Việt Đoàn, (Tiên Du) cho biết: “Chúng tôi già rồi không làm được ở khu công nghiệp, đi làm  thời vụ ở đây, công lao động 170.000 đồng một ngày, công việc đơn giản là đặt bầu lan vào chậu trên giàn. Nhưng thú thật sức khỏe cũng hạn chế nên làm được ngày nào hay ngày đó”. Tại thời điểm thời vụ nông nhàn này cũng đang thuận lợi để thuê lao động, còn vào dịp cận Tết, thời kỳ cao điểm chăm sóc hoa giao cho các điểm bán trước Tết, việc tìm lao động thực sự khó khăn. Một số doanh nghiệp trong Khu thực nghiệm phải thuê lao động ở tận vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Lai Châu, mặc dù có sự gắn bó với cơ sở sản xuất hơn và cũng có kinh nghiệm trồng hoa nhưng phải bố trí chỗ ăn ở cho họ, chi phí tăng thêm nhiều lần, nhưng cũng tạm coi là giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm lao động tại đây.

 

Anh Bùi Hữu Thơ hướng dẫn kỹ thuật cho lao động thời vụ.

 


Thực trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vốn đang trở thành xu hướng trước thềm công nghiệp 4.0. Những năm gần đây, lực lượng lao động có sự chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình cho biết: “Mặc dù là huyện thuần nông nhưng nhìn nhận thực tế các mô hình công nghệ cao còn hạn chế. Một trong số nguyên nhân chủ yếu là do khó tìm được lao động chất lượng. Hầu hết lao động trẻ đi làm việc tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, mức lương cao bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng, còn sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sự đam mê, tỷ mỷ từng chi tiết kỹ thuật nhỏ, lương lại không cao nên khó thu hút lao động. Sản xuất nông nghiệp lại mang tính mùa vụ, tiềm ẩn không ít rủi ro về thời tiết, chân đất, sâu bệnh, thị trường bấp bênh... nên khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác.
Khó thuê lao động, thuê được lại khó giữ chân lao động khiến nhiều trang trại, cơ sở ứng dụng công nghệ cao rất đau đầu. PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang làm cố vấn khoa học cho các doanh nghiệp tại Khu thực nghiệm khẳng định: “Các sinh viên đào tạo mới chỉ có lý thuyết, nhưng nông nghiệp có rất nhiều yếu tố khách quan chi phối về thời tiết, nên cần kinh nghiệm thực tế. Quan trọng nhất vẫn là tâm huyết và đam mê. Vì có là phó giáo sư, tiến sĩ như chúng tôi cũng phải bắt tay vào làm trực tiếp mới trải nghiệm được từng mức độ chất lượng của sản phẩm. Mà sinh viên hiện nay học đại học xong đa phần lại muốn làm việc ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tức là làm bàn giấy mà không muốn chân lấm, tay bùn”. 


 Nỗi lòng kỹ sư trẻ
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều kỹ sư nông nghiệp cảm thấy so với các ngành nghề khác, nông nghiệp thực sự thiếu sự hấp dẫn và đòi hỏi phải kiên trì. Chúng tôi gặp vợ chồng anh Đỗ Trọng Duân và Lương Thị Kim Ngọc, xã Đông Cứu (Gia Bình), từng có thời gian 2 năm là cán bộ nghiên cứu tại Hà Nội, vợ chồng mạnh dạn rời phố về quê phát triển kinh tế: “Mới ra trường phải làm công việc nghiên cứu chưa được trải nghiệm thực tế nên ban đầu vợ chồng tôi rất bí bách. Đồng lương lại eo hẹp so với nhu cầu, nên sau khi sinh con xong, vợ chồng tôi quyết định mở cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm tại nhà. Với số tiền vay mượn được từ người thân và 20 triệu đồng từ nguồn vay tín chấp của Hội Phụ nữ xã, đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng 250 m2 nhà xưởng để trồng thử 600 bịch nấm. Chúng tôi cũng nghiên cứu thử nghiệm hệ thống làm nấm tự động với công suất hơn 4 tạ nấm mỗi tháng, đem lại thu nhập ổn định, vừa chủ động sáng tạo, còn tạo việc làm cho 4 lao động thời vụ”, vợ chồng Duân trải lòng. 

 

Mô hình trồng nấm của chị Ngọc phát huy hiệu quả


Còn đối với kỹ sư nông nghiệp Chu Thị Hân, sinh năm 1990 quê ở Bắc Giang hiện đang làm tại Công ty TNHH Công nghệ cao DABACO, việc gắn bó với công việc này đòi hỏi nhiều sự cố gắng: “Mình làm ở công ty được 7 năm, với mức lương hiện tại là hơn 10 triệu/tháng cũng gọi là đủ sống. Nhiều lúc vất vả nhưng làm nghề này phải thực sự đam mê và xác định phơi nắng phơi gió, đôi lúc không thể hết giờ hành chính được về, có khi còn phải làm đến tối muộn, thức đêm khi vào kỳ sinh trưởng của cây. Gắn bó với từng cây, con nên mình cũng cảm thấy yêu nó”. Những nỗi lòng, niềm đam mê ấy rất cần được khuyến khích, kích cầu, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, nhân rộng các mô hình để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự thu hút, giải quyết việc làm và tiến tới làm giàu cho nhiều lao động trẻ.


Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động
Thực tế, từ trước đến nay sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào sức người là chủ yếu, quá trình canh tác trồng trọt đều hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm. Trong khi, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… mới tạo được hiệu quả kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò then chốt và quyết định hiệu quả của chuỗi liên kết giữa Nhà khoa học - Nhà quản lý - Nhà sản xuất - Nhà kinh doanh đang được nhiều địa phương xây dựng. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25% đến 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, trong đó, xây dựng 35 vùng sản xuất trồng trọt, mở rộng 9 vùng chăn nuôi lợn, gia cầm; hình thành 23 vùng nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới.

 

Lao động thời vụ chỉ tham gia các khâu thủ công trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã, đang và tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả, trung bình mỗi năm có hơn 2000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề và đạt tỷ lệ 75% có việc làm sau học nghề, góp phần tạo thêm nguồn nhân lực có tay nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Một mặt vừa giải quyết việc làm tại chỗ phát triển nông nghiệp, mặt khác cung cấp một số lao động cho doanh nghiệp. Đối với nông nghiệp, lao động có tay nghề sẽ làm tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và xã hội nhận định: Thực tế, lao động nông thôn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật rất kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất. Chỉ có kinh nghiệm thì chưa đủ để bắt nhịp với xu thế hội nhập cũng như xu hướng sản xuất sạch, an toàn, tăng năng suất, chất lượng trên đơn vị diện tích canh tác hiện nay. Vì vậy, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự là cơ hội để người lao động bắt nhịp với các tiến bộ kỹ thuật và xu thế của thời đại.  Người lao động vừa được học miễn phí, vừa được tiếp cận với tiến bộ khoa học để ứng dụng vào sản xuất. Đây chính là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán thiếu lao động nông nghiệp chất lượng trong ứng dụng công nghệ cao hiện nay. 
Thiết nghĩ các đơn vị quản lý nhà nước, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác  tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, nhằm nâng cao tay nghề nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cả về kinh phí đào tạo và việc làm ổn định sau đào tạo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để bắt kịp xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại là cơ giới hóa toàn diện, sản xuất theo các quy trình đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã để có thể cạnh tranh với các thị trường khó tính, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. 

 

Phóng sự của Hoài Lan - Huyền Thương