Những điểm mới về Hội thi giáo viên giỏi từ năm 2020

14/01/2020 20:56 Số lượt xem: 2682
Sau một thời gian ban hành dự thảo nhằm lắng nghe góp ý của nhân dân về hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, vừa qua Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (sau này xin gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi).

Hội thi giáo viên giỏi các cấp cơ bản thực hiện theo Thông tư mới của Bộ GD-ĐT từ năm học 2020-2021. (Ảnh minh họa)

Thông tư trên có hiệu lực từ 12/02/2020. Theo Thông tư trên, Hội thi giáo viên giỏi sẽ có rất nhiều điểm mới.

Về nguyên tắc của Hội thi giáo viên giỏi
Tại khoản 2 - Điều 2: Mục đích và nguyên tắc của Hội thi giáo viên giỏi.
Nguyên tắc của Hội thi là dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực của giáo viên tham gia Hội thi.
Về chu kỳ Hội thi
Tại Điều 3: Các cấp tổ chức, chu kỳ và đối tượng tham dự kỳ thi.
1. Hội thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh:
a. Cấp trường: Được tổ chức theo chu kỳ 2 năm một lần, do trường tổ chức (hiện nay là mỗi năm một lần).
b. Cấp huyện: theo chu kỳ 2 năm một lần (giống như hiện nay) do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
c. Cấp Tỉnh: Theo chu kỳ 4 năm một lần (giống như hiện nay) do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Về công nhận giáo viên giỏi mầm non, phổ thông
Tại Điều 5: Công nhận giáo viên giỏi
Được công nhận giáo viên giỏi sau khi đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức Hội thi.
Sau khi được công nhận được bảo lưu như sau: cấp huyện, cấp trường bảo lưu 01 năm, cấp tỉnh bảo lưu trong thời gian 03 năm
Điều 6, 7: Nội dung, tiêu chuẩn của Hội thi giáo viên giỏi mầm non, phổ thông
1. Nội dung:

- Thực hành một hoạt động giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi tại nhóm, lớp đang giảng dạy và được báo trước tối đa 2 ngày.
- Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trong thời gian không quá 30 phút
2. Tiêu chuẩn: Đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Nếu dự thi cấp huyện phải đạt giáo viên giỏi cấp trường ở năm trước liền kề hoặc năm đang dự thi; nếu dự thi cấp tỉnh phải đạt giáo viên giỏi cấp huyện trong 2 năm trước liền kề hoặc đạt cấp huyện năm tham gia dự thi.
Đối với giáo viên trung học phổ thông: Nếu dự thi cấp tỉnh phải đạt cấp trường 2 năm trước liền kề hoặc đạt ở năm tham dự kỳ thi.
Về Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc phổ thông
Điều 8: Nội dung, tiêu chuẩn của Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi phổ thông
1. Nội dung:

-  Thực hành 1 tiết hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết trải nghiệm) tại lớp đang dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi.
- Trình bày biện pháp nâng cao chất lượng chủ nhiệm không quá 30 phút.
Về tiêu chuẩn giống như đối với hội thi giáo viên giỏi phổ thông.
Trên đây là một trong số những điểm mới Hội thi giáo viên giỏi, hy vọng khi thực hiện sẽ tránh áp lực cho giáo viên.

Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT Bắc Ninh tổ chức thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh như sau: Gồm 2 phần Kiểm tra năng lực (lý thuyết) và thực hành.
Phần lý thuyết thi vào ngày 3-12-2019 như sau: Các môn Tiếng Anh, Sinh học, thí sinh thi trắc nghiệm 90 phút, môn Tiếng Anh có thêm phần nghe; các môn còn lại, thí sinh làm bài thi tự luận và trắc nghiệm khách quan 120 phút. Thí sinh đạt 8/10 điểm thì đủ điều kiện dự thi vòng thực hành.
Tại vòng thực hành, sẽ diễn ra trong tháng 2-2020, để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thí sinh phải trực tiếp thực hiện 2 bài giảng trên lớp, trong đó có ít nhất 1 bài giảng đạt loại giỏi, 1 bài giảng đạt loại khá; để đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, thí sinh phải có 2 bài thi (thi ứng xử tình huống sư phạm và thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm) đạt 8 điểm trở lên.
Như vậy, năm học 2019-2020 là năm cuối Hội thi giáo viên giỏi các cấp được Sở GD-ĐT tổ chức thi theo phương thức cũ, Thông tư mới của Bộ GD-ĐT về thi giáo viên giỏi chính thức triển khai từ năm học 2020-2021.

 

T.K