Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu

28/06/2020 13:46 Số lượt xem: 1918
Là một trong 2 xã điểm được huyện Gia Bình lựa chọn đi đầu trong suốt quá trình xây dựng Nông thôn mới, tới nay Bình Dương đang huy động sức mạnh tập thể thực hiện tiêu chí nâng cao, hướng tới hình thành mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu.

Đi trên những con đường bê tông phẳng phiu chạy thẳng tắp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương chia sẻ: “Mặc dù 2 lần được chọn thí điểm các chương trình xây dựng Nông thôn mới, song Đảng ủy, chính quyền và người dân Bình Dương không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên mà xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ triển khai trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Sau khi về đích Nông thôn mới vào năm 2015, xã Bình Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các thôn đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và phân việc cụ thể cho từng thành viên và các tổ chức đoàn thể. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên duy trì các đoạn đường tự quản, hoạt động các CLB và chăm sóc đường hoa. Hội Nông dân thành lập các CLB Nông dân văn hóa bảo đảm vệ sinh môi trường. Hội Cựu chiến binh dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, không dùng kích điện đánh bắt cá…
Chị Nguyễn Yến Phi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phấn khởi: “Chúng tôi suy nghĩ để chung tay xây dựng Nông thôn mới không nhất thiết phải đóng góp bằng tiền, mà có rất nhiều phần việc hưởng ứng phong trào, làm đẹp cho quê hương. Cụ thể, thời gian qua, hội viên phụ nữ đảm nhận cắt tỉa, dọn cỏ, chăm sóc 3.000m trục đường xã, thôn, tạo cảnh quan môi trường sáng xanh, sạch, đẹp. Nhiều chị em được tuyên truyền, vận động thực hiện rất tốt việc phân loại rác thải tại hộ và toàn xã nhân giống được 100 lít men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng phối hợp ra mắt được mô hình điểm làng kiểu mẫu thôn Bùng làm tiền đề để nhân rộng các thôn khác”.

 

Cảnh quan của xã Bình Dương được đầu tư hướng tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Tiếp tục phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn xã đã huy động được 22,81 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 6 tỷ đồng để có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, hệ thống kênh mương, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, làm đường giao thông nội đồng phục vụ cho phát triển. Đặc biệt, để nâng cao đời sống vật chất cho người dân, làm họ thêm tin vào Nông thôn mới, phong trào vận động phát triển kinh tế hộ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao được đẩy mạnh. Từ năm 2016, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, HTX tích tụ 59 ha để đầu tư sản xuất tập trung các loại cây màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với cấy lúa diện tích nhỏ. Ngoài ra, nông dân được khuyến khích mở rộng nhiều nghề phụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp như may gia công, chế biến nông sản, cơ khí với 395 hộ sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm cho gần 2.412 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Những bước chuyển căn bản về phát triển kinh tế đó đã đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2020 đạt 45 triệu đồng/năm.
Kết quả, đến nay, Bình Dương đạt 13/19 tiêu chí đạt theo chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Còn 6 tiêu chí cần phải phấn đấu hoàn thiện là Giao thông, Thu nhập, Hộ nghèo, Tổ chức sản xuất, Y tế, Môi trường và An toàn thực phẩm. Trong đó, theo ông Lê Thanh Tùng, tiêu chí về hạ tầng giao thông và môi trường được xem là khó khăn nhất. Nguyên nhân là do hệ thống đường giao thông của địa phương được xây dựng từ lâu nên việc mở rộng, quy hoạch các trục đường sao cho phù hợp với tiêu chí nâng cao vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, lượng rác thải tồn đọng trong khu dân cư vẫn còn nhiều do địa phương phụ thuộc vào bãi rác tập trung của huyện chưa thể giải quyết dứt điểm ngay.
Để tiến tới mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu, Bình Dương ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trước mắt là hệ thống giao thông trung tâm xã và các công trình dân sinh thiết yếu để hỗ trợ cho việc mở rộng và thu hút đầu tư vào ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, từng bước thay đổi cơ cấu lao động. Tiếp tục cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ; phát triển hình thức tổ chức sản xuất tập thể; liên kết; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và làm sạch môi trường. Quan trọng nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về ý nghĩa của các mục tiêu, phần việc, nâng cao nhận thức cùng Đảng ủy, Chính quyền xã chung tay trên chặng đường xây dựng Nông thôn mới “không ngừng nghỉ” phía trước.

Huyền Thương