Người “vác tù và hàng tổng”...

12/12/2018 08:56 Số lượt xem: 4455
Buổi ra quân chiến dịch làm thủy lợi cải tạo đất tại thôn Đại Lộc (xã Xuân Lai, Gia Bình) kết thúc, người dân ai đã về nhà nấy nhưng Trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hiền vẫn nán lại kiểm tra từng phần việc. Dõi mắt về con đường bê tông thẳng tắp chạy dọc bờ mương được nạo vét hanh thông, hai bên là những khóm hoa vừa trồng, ông thầm nghĩ chỉ vài tháng nữa thôi, đường làng sẽ rực rỡ sắc tím của hoa và sắc xanh mơn mởn rau màu; thật đúng như lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cán bộ uy tín, nói dân nghe
Ông Hiền đã có gần 30 năm làm Trưởng thôn và tham gia công tác trong các ban, hội, đoàn thể thôn. Cái “quyền rơm, vạ đá” ấy người dân quàng lên vai - vì ông sống trách nhiệm, có uy tín và luôn hết mình vì mọi người. Trong làng, nhà ai có việc vui, ông đến chung vui, nhà ai có việc không may, ông đến chia sẻ, động viên. Có người nói ông “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông bảo: Thế mới là tình làng nghĩa xóm, “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hiền chỉ đạo chiến dịch làm thủy lợi cải tạo đất.

Chạy xe một vòng quanh thôn Đại Lộc, toàn bộ đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, các công trình đình làng, nhà văn hóa xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp… Ông Nguyễn Sỹ Tuấn, Bí thư chi bộ thôn Đại Lộc bộc bạch: “Một thôn thuần nông như Đại Lộc phát triển như vậy một phần nhờ công rất lớn của ông Hiền, từ việc xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm, tình làng xóm bền chặt... Trưởng thôn có uy tín nói dân nghe, được dân ủng hộ, đồng lòng nên làm việc gì cũng thuận lợi”.

Còn nhớ cách đây 26 năm, khi vừa xuất ngũ trở về quê hương ít lâu, ông Hiền được bà con tin tưởng bầu chọn làm Trưởng thôn. Thời điểm đó, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, đảm nhận chức vụ này lại chẳng hề có phụ cấp nhưng ông nhận công việc với quyết tâm “làm tới nơi tới chốn”, không phụ sự tin tưởng của chính quyền và nhân dân. Những năm đầu thập niên 90, đất nước vừa xóa bỏ chế độ bao cấp, điện đường trường trạm đều thiếu thốn. Những lần có dịp đến các địa phương khác, thấy đường điện kéo đến, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của nhân dân đều đổi thay vượt bậc, ông Hiền trăn trở phải làm sao để thôn mình sớm có điện.
Sau khi xin ý kiến Chi bộ thôn, ông tổ chức họp dân vận động đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống điện. Ban đầu vấp phải không ít ý kiến phản đối. Tưởng chừng việc không thành nhưng ông Hiền vẫn kiên trì đến từng hộ thuyết phục. Không chỉ bằng lời nói, ông dùng uy tín một cựu binh từng vào sinh ra tử, bảo đảm số tiền đóng góp sẽ được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch... Qua bao lần bưng đèn dầu hỏa ở nhà đến nơi họp dân, cuối cùng, ông cũng nhận được sự đồng thuận. Hơn 100 triệu đồng được người dân tự nguyện đóng góp vào thời điểm năm 1992 là con số không hề nhỏ, cùng với đó là hàng chục ngày công lao động kéo điện về với thôn làng. Chỉ sau 3 tháng, thôn Đại Lộc chính thức sáng đèn.
Từ khi có điện, đời sống của nhân dân trong thôn đổi thay toàn diện, việc đi lại, học tập, sản xuất đều thuận lợi hơn trước. Mọi hồ nghi về quyết định xây dựng hệ thống điện đều được xóa tan, thay vào đó là sự thán phục khả năng “nhìn xa trông rộng” của Trưởng thôn. Cũng từ đó, các công việc ông Hiền đề xuất đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Không chỉ đưa ra những quyết định hợp lòng dân, phong cách nói đi đôi với làm, công khai, dân chủ chính là yếu tố khiến ông tạo lập được uy tín với bà con. Cách làm này vẫn được ông Hiền duy trì đến ngày nay, coi đó là nguyên tắc hàng đầu trong vận động quần chúng. Ông Hiền tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác “lời nói đi đôi với việc làm”, khi bắt tay vào làm việc gì, người dân đều giám sát xem mình có gương mẫu, làm được đúng như lời đã cam kết không, làm được thì những lần sau bà con mới tin tưởng và nghe theo”.
Làn gió nông thôn mới
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như làn gió mang theo hy vọng cùng nỗi trăn trở đến với ông Hiền. Phấn khởi bởi Đảng, Nhà nước có chủ trương đúng đắn giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, song ông cũng lường trước hoàn thành mục tiêu không hề đơn giản bởi những khoản đóng góp xây dựng công trình khá lớn so thu nhập của nhiều hộ dân nơi vùng quê thuần nông Đại Lộc.

Ông Hiền họp bàn chương trình với đội văn nghệ thôn Đại Lộc.

Mọi kế hoạch được thảo luận kỹ trước khi đưa ra họp bàn cùng nhân dân. Nhiều ý kiến e ngại nhưng rồi dân làng cũng đồng tình với phương án vận động đóng góp theo nhiều đợt. Theo gợi ý của ông Hiền, dân làng bầu ra Ban giám sát để theo dõi việc thu - chi mọi khoản đóng góp và công khai rộng rãi trong dân. Trong quá trình triển khai, bất kể bắt tay làm việc gì, ông đều tổ chức họp dân để thông báo và lấy phiếu ý kiến của tất cả các gia đình. Mọi đóng góp đều được ông ghi nhận, giải đáp và điều chỉnh phù hợp. Nhờ đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng tiền của, công sức nhân dân, toàn bộ đường giao thông của thôn đã được bê tông hóa, trong đó người dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Riêng trục đường chính qua đình làng, ông vận động người dân trồng 100 cây cau vua tạo cảnh quan, góp phần hiện thực hóa con đường mơ ước của bao thế hệ người dân Đại Lộc. Cũng vẫn với cách làm công khai, dân chủ, từ năm 2015 đến nay, ông đã vận động nhân dân đóng góp tổng cộng 3,5 tỷ đồng để xây dựng đình làng, đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh…

Bên cạnh cơ sở vật chất, để xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí về văn hóa, an sinh xã hội cũng được ông Hiền quan tâm, tích cực vận động người dân thực hiện. Đại Lộc là thôn đi đầu xã Xuân Lai về thực hiện nếp sống văn minh. Trong việc tang, thôn thực hiện triệt để việc yêu cầu các hộ dân ký cam kết không làm cỗ mời khách, không dùng thực phẩm đắt tiền, không khóc mướn… đến nay đã trở thành nền nếp, được nhân dân tự giác thực hiện. Toàn thôn có 240 hộ, hơn 900 khẩu chủ yếu làm nông nghiệp nhưng chỉ có 2 hộ nghèo neo đơn, chiếm tỷ lệ thấp nhất trong toàn xã... Đó là cơ sở để 13 năm liên tiếp Đại Lộc giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Với những đóng góp và cống hiến của mình, bản thân ông Hiền nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, ngành trong tỉnh.
Ngày cuối năm, dạo bước trên con đường bê tông phẳng phiu tại thôn Đại Lộc mới thấy bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay. Những lúc chuyện trò, nhiều người lại nhắc đến công sức của ông Hiền đối với xóm làng và bày tỏ sự yêu quý, tin tưởng như người trong gia đình. “Trải qua bom đạn chiến tranh may mắn còn sống trở về quê hương, học theo lời dạy của Bác “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng gắng sức làm”, giờ còn làm được việc gì giúp ích cho xóm làng thì tôi vẫn sẽ làm hết mình. Mong rằng nhân dân luôn tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ tôi hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hiền tâm sự.
Như viên ngọc giữa đời thường, cứ lặng lẽ tỏa sáng bằng hành động bình dị. Có lẽ ông Hiền sẽ còn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn thêm nhiều năm nữa. Bởi mỗi ngày khi mặt trời ló rạng, ông lại tận tụy đi lo “việc thiên hạ”...

Thương Huyền-Việt Anh