Người Đội trưởng kiên trung bốn lần được gặp Bác Hồ

17/10/2019 08:52 Số lượt xem: 2137
Khi đọc câu chuyện “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng” của tác giả Xuân Sách, tôi rất thích tính cách của nhân vật Hoan, tình cảm nhưng đầy rắn rỏi, bộc trực nhưng khéo léo... 

May mắn, tôi được gặp “cậu bé Hoan” ngày nào, chính là cựu Đội trưởng Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (TNDKĐB) Nguyễn Thạc Hoàn, sinh năm 1936. Ông bộc bạch: “Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ vẫn còn in đậm trong trái tim, là động lực, là lời động viên, cổ vũ tôi trong suốt cuộc đời”.

Ông Nguyễn Thạc Hoàn (bên trái) cùng em trai là Nguyễn Thạc Tam lật giở từng trang sách ôn lại kỷ niệm hào hùng của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng.

 

Người Đội trưởng mưu trí
Trong ngôi nhà nằm cuối con ngõ nhỏ ở phố Bà La, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, khi nhắc đến những ngày tháng tham gia hoạt động, ánh mắt ông Hoàn sáng bừng lên niềm tự hào, xen lẫn xúc động.
Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn, ông xung phong tham gia vào đội du kích xã từ năm 14 tuổi. Những ngày đầu hoạt động, ông cùng em trai là Nguyễn Thạc Tam (khi đó mới 10 tuổi) đến giặt quần áo cho một tên quan hai người Pháp, rình những lúc tên này sơ hở, hai anh em lẻn vào phòng làm việc, lục tìm những tài liệu có giá trị.
Ngày 7-11-1949, đội “Quân báo thiếu niên” chính thức được thành lập tại lăng Lòng Chảo, gồm 15 thiếu niên. Năm 1950, ông được tín nhiệm trở thành đội trưởng đội Quân báo, với nhiệm vụ quan trọng là giữ liên lạc giữa các tổ Quân báo, thu thập, xác định thông tin một cách chính xác sau đó chuyển về vùng du kích. Lúc này, ông mở cửa hiệu cắt tóc ngay cạnh bốt địch. Hàng ngày, vừa cắt tóc vừa nghe ngóng thông tin từ binh lính và sỹ quan địch, báo cáo lại cho cách mạng. Hồi ức lại những năm tháng gian khổ mà hào hùng, ông kể: “Cắt tóc vừa làm nhiệm vụ lại kiếm được tiền, tôi để dành cho Đội du kích thiếu niên mua sắm những thứ cần thiết để hoạt động. Có lần thấy địch nhập về kho mấy xe hòm thuốc súng, chúng tôi bàn nhau lấy trộm về cho bộ đội. Chúng tôi lấy tiền để dành mời bọn lính coi kho đi uống bia say mèm, sau đó đột nhập vào kho lấy được hơn 10 thùng thuốc súng mà chúng không hề hay biết gì”.
Năm 1952, để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, lãnh đạo xã quyết định đổi tên đội Quân báo thiếu niên thành Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng. Ông vẫn nhớ như in một lần thoát chết: “Cuối năm 1952, tôi đang mang các tài liệu quan trọng về vùng du kích thì địch phát hiện. Chúng ráo riết đuổi theo. Tôi cắm đầu chạy trong làn đạn chúng bắn đuổi sát sạt bên người. Trước tình thế quá nguy hiểm, bên sườn còn quả lựu đạn, tôi bèn giật nụ xòe thả ngay dưới chân, rồi gắng sức chạy thêm một đoạn, lao đến nằm sau một mô đất. Lúc bọn giặc đuổi đến chỗ lựu đạn thì nó phát nổ, thằng chết, thằng bị thương, kêu gào ầm ĩ. Nhân cơ hội đó, tôi bèn lẩn vào các bụi rậm và trốn thoát”.
Năm 1953, ông Nguyễn Thạc Hoàn tham gia đấu tranh giảm tô để lấy lương thực chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1954, ông được dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Điện Biên Phủ. Một năm sau, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ông Hoàn được cử đi học lớp chỉnh quân Chính trị ở Việt Bắc tham gia cuộc phát động giảm tô ở Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ lấy lương thực chi viện cho chiến trường. Hòa bình lập lại, ông làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự địa phương và tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Nông Lâm của tỉnh. Dù ở lĩnh vực công tác nào ông cũng đem hết nhiệt huyết và kiến thức của mình để truyền cho thế hệ trẻ, phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Bốn lần vinh dự gặp Bác Hồ
Lần giở cho tôi xem những tấm ảnh kỷ niệm, huy hiệu mà Đảng và Nhà nước trao tặng, cầm trên tay chiếc Huy hiệu Bác Hồ đã nhuốm màu thời gian, ông tâm sự: “Được gặp Bác Hồ một lần đã là vinh dự lắm, nhưng tôi có tới bốn lần được gặp Bác, hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là vinh dự, niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời”.
Hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Bác Hồ, ông Hoàn mỉm cười hạnh phúc, chậm rãi kể: “Tháng 5-1952, tôi được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức tại chiến khu Việt Bắc trên cương vị là Đội trưởng Đội TNDKĐB. Dự Đại hội khi đó chỉ có 8 thiếu niên, nhi đồng cả nước. Tôi vinh dự được trực tiếp báo cáo với Bác và Đại hội về thành tích chống Pháp của Đội TNDKĐB. Bác khen Đội chúng tôi còn nhỏ tuổi mà chí lớn, gan dạ, đóng góp nhiều công sức cho kháng chiến”.
Ngày 12-11-1954, ông được gặp Bác ở Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô. Ông Hoàn nhớ lại: Bác đến gần chỉnh sửa ve áo, quân phục cho chúng tôi rồi ân cần hỏi thăm. Bác căn dặn: “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp các cháu đã chiến đấu dũng cảm, là con em của Đình Bảng có truyền thống cách mạng, giờ hòa bình các cháu vẫn phải ra sức rèn luyện, học tập để bảo vệ Tổ quốc, làm giàu cho quê hương, Bác tin tưởng ở các cháu”.
Lần thứ ba gặp Bác để lại những kỷ niệm sâu sắc nhất. Đó là vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1955, khi ông trực tiếp dẫn 14 thiếu niên xuất sắc của Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ cùng Bác Tôn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sung sướng khoe: “Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ vui như thế. Bác phát kẹo cho chúng tôi, rồi Bác tự tay bóc kẹo cho từng cháu dưới con mắt ngạc nhiên của tất cả mọi người. Sau đó, Bác cầm tay chúng tôi thành vòng tròn nhảy múa rất vui. Khi về, Bác còn gửi 3 cân kẹo để chúng tôi làm quà cho các bạn ở nhà”.
Lần thứ tư, ngày 2-9-1955 ông vinh dự được đứng bên Bác trên kỳ đài tại Quảng trường Ba Đình lịch sử nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh của dân tộc.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trí óc người Cựu Đội trưởng Đội thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa vẫn còn khá minh mẫn. Ông bảo, những năm tháng hoạt động cách mạng để lại nhiều ký ức đẹp, nhưng điều ông tự hào nhất là bốn lần được gặp Bác Hồ. Ông luôn dạy con cháu, ở hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng công tác, phấn đấu phục vụ cách mạng, xây dựng quê hương.

Trần Thư