Nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt

24/11/2021 20:11 Số lượt xem: 725
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tiến hành đợt giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Sở Tài nguyên & Môi trường và một số huyện, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, Ban có nhiều đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới.

Qua giám sát cho thấy, từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao 14.376 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 13.000 thùng chứa phân loại rác cho các địa phương. Hằng năm, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, triển khai xây dựng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng đồng”, “Làng 3 sạch”... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân. Hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.000 tấn/ngày đêm. Toàn tỉnh có 11 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với tổng số hơn 30 xe chuyên dụng được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải sinh hoạt, tỉnh thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 3 khu xử lý tập trung, 8 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ và trung bình, cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng. Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng (Quế Võ) có công suất 300 tấn/ngày đêm đang xử lý lượng rác thải sinh hoạt cho thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ; khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành) có công suất 275 tấn/ngày đêm đang xử lý lượng rác thải sinh hoạt cho huyện Thuận Thành; khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức (Gia Bình) đang vận hành xử lý cho huyện Gia Bình với công suất 20 tấn/ngày đêm. Toàn tỉnh có 8 lò đốt rác thải rắn sinh hoạt, gồm 5 lò tại thành phố Từ Sơn với tổng công suất 264 tấn/ngày đêm; 2 lò tại huyện Yên Phong với công suất 60 tấn/ngày đêm đang xử lý rác thải cho thị trấn Chờ, xã Long Châu và Trung Nghĩa; 1 lò đốt tại huyện Tiên Du có công suất 36 tấn/ngày đêm đang xử lý lượng rác thải cho thị trấn Lim và xã Tri Phương. Hiện lượng rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lương Tài, 12 xã còn lại của huyện Tiên Du và 11 xã còn lại của huyện Yên Phong được thu gom, lưu giữ, xử lý tạm thời tại các điểm tập kết của các khu dân cư.

 

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực tế tại Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành.


Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường đạt hiệu quả chưa cao; các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng còn chậm so với kế hoạch;  lượng rác tồn đọng tại các điểm tập kết khoảng 300 tấn/ngày đêm chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường; công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn triển khai còn nhiều hạn chế;…
Tại các đơn vị được giám sát, Đoàn giám sát trao đổi chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có nhiều đề xuất cụ thể để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Đồng thời, qua đợt giám sát Ban có nhiều kiến nghị đối với UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới. Cụ thể, chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; rà soát, đánh giá việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí lựa chọn công nghệ xử rác thải sinh hoạt, ban hành, cập nhật, công khai danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.  Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường; tập huấn kỹ thuật sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ cho người dân; đẩy mạnh triển khai nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO tại hộ gia đình; tăng cường công tác tham mưu, huy động xã hội hóa về bảo vệ môi trường;… Đối với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức, triển khai thực hiện đúng Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND, ngày 31-12-2020 của UBND tỉnh về quy định mức giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường…

Phương Mai