Lương Tài phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản

11/10/2019 15:17 Số lượt xem: 3304
Hội Nông dân huyện Lương Tài không chỉ là nơi tập hợp, sinh hoạt của hơn 20 nghìn hội viên trên địa bàn mà còn thể hiện vai trò định hướng, tạo động lực giúp nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn làm giàu ngay trên vùng đất quê hương. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, HTX, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị canh tác, tạo việc làm, bao tiêu nông sản cho nông dân.

Sơ chế lá tía tô xanh xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm-Bắc Ninh (xã Lâm Thao-Lương Tài)

 

Là một hội viên nông dân trẻ của xã Minh Tân, chị Nguyễn Thị Trâm, từng tốt nghiệp Đại học GTVT. Từ bỏ nhiều công việc tốt chị Trâm trở về quê khởi nghiệp với mô hình trồng măng tây xanh. Khi tạo dựng được uy tín, chị thành lập Công ty XNK nông sản Hải Phong hoạt động trong lĩnh vực nông sản với diện tích sản xuất là 5 ha tại địa phương. Đồng thời mạnh dạn liên kết với các chủ trang trại, HTX để tạo thành vùng chuyên canh rau cung cấp cho 2 siêu thị lớn là Fivimart, Vinmart Hà Nội, Hải Dương. Gần đây, công ty đầu tư xưởng sơ chế, kho lạnh làm nơi tập kết, sơ chế đóng gói sản phẩm và đặc biệt lắp đặt hệ thống quản lý cho toàn bộ trang trại, tạo việc làm thường xuyên cho 30-40 lao động. Với doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng/năm, công ty tiếp tục triển khai dự án nông nghiệp ứng dụng CNC với 5 nghìn m2 nhà kính và xây dựng khu xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Trên diện tích 11 nghìn m2 ruộng trũng được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, anh Vũ Đình Đôn, thôn Bùi, Thị trấn Thứa dành 7.200 nghìn m2 đào ao thả cá kết hợp lấy mặt nước nuôi 5 nghìn vịt đẻ siêu trứng với tổng vốn đầu tư ban đầu là 1 tỉ đồng. Hiện mỗi ngày, gia đình bán hơn 1 nghìn quả trứng thương phẩm và khoảng 2 nghìn quả trứng vịt lộn cho các đầu mối. Hạch toán thu chi của trang trại mỗi năm đạt doanh thu xấp xỉ 3 tỉ đồng, trừ mọi chi phí cho lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng. Chỉ sau 2 năm triển khai mô hình, gia đình anh đã lấy lại vốn đầu tư ban đầu và có vốn để phát triển mở rộng mô hình.

Bám sát chủ trương, chính sách của tỉnh, những năm qua huyện Lương Tài tích cực hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp như hỗ trợ một phần kinh phí khi người dân chuyển đổi ruộng trũng. Trên cơ sở này, Hội nông dân huyện đã vận động cán bộ, hội viên chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh. Toàn huyện đã chuyển đổi được 183 ha trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả. Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh với 705 lồng nuôi cá trên sông Thái Bình, hình thành 19 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ biogas phủ bạt, chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường. Quan trọng hơn, các mô hình nông dân làm kinh tế khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương góp phần đưa giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác của huyện đạt bình quân 171 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Đăng Hệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài thì hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao ở Lương Tài tuy đã hình thành nhưng khả năng nhân rộng còn nhiều khó khăn. Bởi trình độ kỹ thuật của người dân ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nông dân thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị cũng như mở rộng quy mô, thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm quảng bá sản phẩm.

 Hướng đi của Lương Tài hiện nay cần khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vì vậy huyện chú trọng thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực. Điều quan trọng là phải cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nhằm cho ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Hoàng Mai