Làng nghề truyền thống hội nhập và phát triển

10/10/2019 07:58 Số lượt xem: 4442

Bài 2: Đối mặt với nguy cơ mai một

Rõ ràng, làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhưng hiện nay nhiều làng nghề gặp không ít khó khăn lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng... đang phải đối mặt với nguy cơ mai một.

Thiếu hụt lao động


Nguồn nhân lực tại nhiều làng nghề đang lâm vào tình trạng thiếu hụt, nhất là những nhân lực trẻ có tay nghề cao, điển hình như làng nghề dệt và làm mành truyền thống ở Hồi Quan, Tương Giang (thị xã Từ Sơn) từng là cứu cánh giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Giai đoạn cực thịnh, tạo việc làm mọi lứa tuổi lao động ở địa phương, trở thành niềm tự hào của không ít người dân Hồi Quan. Nhưng nay, hầu hết người dân nơi đây “quay lưng” với nghề, cả thôn chỉ còn 4 cơ sở làm mành tăm và 5 cơ sở làm dệt.
Bà Ngô Thị Huyền, thôn Hồi Quan chia sẻ: “Muốn duy trì, phát triển nghề làm mành tăm của cha ông mà khó quá. Vì lực lượng lao động địa phương chuyển hết sang làm nghề may gia công, còn lao động trẻ, có tay nghề vào làm trong các doanh nghiệp ở các KCN nên không tuyển dụng được. Xưởng sản xuất của gia đình chỉ còn hơn chục lao động tuổi đời trung bình từ 50-60 tuổi, mắt mờ, chân chậm, làm hiệu quả công việc thấp. Tình trạng này kéo dài chắc tôi phải đóng xưởng”
Theo Bí thư Chi bộ thôn Hồi Quan Ngô Minh Nam: “Cả 2 nghề truyền thống của địa phương đều có nguy cơ mai một do thiếu hụt nhân lực. Nguyên nhân khiến nhiều lao động, nhất là lao động trẻ không muốn gắn bó với nghề là do tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn và mất nhiều thời gian, thu nhập không cao. Trong khi đó, địa phương có lợi thế gần KCN và thương mại, dịch vụ cùng một số ngành nghề TTCN cũng phát triển, tạo cơ hội cho lao động địa phương có nhiều lựa chọn công việc phù hợp và có thu nhập cao”. 

 

Nghề dệt mành ở Tương Giang chỉ còn 4 cơ sở đang sản xuất.


Cùng chung với khó khăn về thiếu hụt lao động làng nghề mây tre đan Xuân Hội (Tiên Du) cũng đứng trước nguy cơ mai một. Trước kia ngoài làm nông nghiệp, thời gian còn lại người dân Xuân Hội đều tập trung vào làm nghề mây tre đan với sản phẩm chủ lực là: Quạt nan, giỏ đựng phích bằng nan tre, bình đựng ấm trà… Đáp ứng xu thế của thị trường làng nghề đã phát triển thêm các mặt hàng như lẵng hoa, làn hoa, ấm đựng tích nước, bình hoa, khay đựng chén trà… Sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật, Nga, Mỹ… mặc dù vậy số lao động làm nghề, gắn bó với nghề vẫn giảm mạnh. Ông Đặng Ngọc Phùng, Giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Phùng Hưng cho biết: “Kinh tế phát triển đa dạng, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với thu nhập cao hơn so với làm nghề truyền thống. Nên làng nghề hiện tại chỉ còn một số lao động ở tuổi trung niên và người già, con trẻ tranh thủ thời gian rảnh làm lúc nhát trong ngày, hiệu quả không cao. Lượng sản phẩm trong thôn làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu đơn hàng của đối tác. HTX phải mở rộng sang một số xã ở Thuận Thành, Quế Võ”. 
Còn theo ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ: Hiện tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Đồng kỵ cũng thiếu nhân lực trầm trọng. Do lao động trẻ chuyển đổi sang làm các ngành nghề khác hoặc làm trong KCN. Lao động ở các địa phương khác được đào tạo có tay nghề thuần thục thì trở về mở cơ sở sản xuất tại gia đình…
Làng nghề mây tre đan Lập Ái (Song Giang, Gia Bình) có 300 hộ làm nghề, thu nhập bình quân chỉ đạt 4 triệu đồng/người/tháng nên không thu hút lao động, cơ bản các hộ chỉ duy trì cầm chừng, vì thế cả làng có 600 lao động làm nghề (bình quân chỉ có 2 lao động/hộ). Ngoài ra, do thu nhập thấp lao động không mặn mà nên nhiều làng nghề có khả năng bị mai một  như: Sắt thép Đa Hội, giấy Phong Khê, tranh Đông Hồ,…


Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm

 

Cùng với vấn đề về nhân lực thì thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng đang là thách thức làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của làng nghề. Phần lớn các làng nghề chậm thay đổi về mô hình, chủ yếu là kinh doanh hộ, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) còn ít. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường. Chất lượng sản phẩm hạn chế, mẫu mã đơn điệu, chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, mặt khác đa số sản phẩm chưa có nhãn hiệu hàng hóa...dẫn đến khó mở rộng và phát triển, nhiều làng nghề chỉ còn một số ít hộ duy trì sản xuất cầm chừng.

 

Công nghệ sản xuất lạc hậu tại làng nghề Đa Hội.


Toàn tỉnh mới có 5 làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: Mây tre đan Xuân Hội, tre trúc Xuân Lai,  đúc đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Công tác xúc tiến thương mại còn mang tính tự phát “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên doanh, liên kết mang tính bài bản, chuyên nghiệp…Nên thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề eo hẹp, thiếu ổn định. Có những thời điểm, nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề phải tạm dừng sản xuất, thậm chí có cơ sở đứng bên bờ phá sản vì hàng rớt giá mà sản phẩm vẫn tồn kho quá nhiều.
Ví như làng nghề Đồng Kỵ mặc dù phát triển khá mạnh, sản phẩm làng nghề nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, song có những thời điểm làng nghề vẫn bị trầm lắng. Phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đều trong tình trạng làm ăn khó khăn. Không ít người thua lỗ, ít thì vài trăm triệu, nhiều có thể lên tới hàng tỷ đồng. Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cho biết: “Làng nghề gỗ mỹ nghệ tuy phát triển những thiếu tính bền vững bởi đầu ra bấp bênh, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc”. Còn bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Kim Long chia sẻ: “Những sản phẩm của Công ty chúng tôi như các loại bàn ghế, trường kỉ làm bằng các loại gỗ quý như trắc, hương xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc với số lượng rất lớn. Thị trường Trung Quốc thì bấp bênh, năm được, năm mất không thể đoán trước được. Vài năm gần đây Công ty chuyển hướng khai thác, mở rộng sang thị trường một số nước khác và hướng nhiều vào thị trường nội địa để hạn chế rủi ro khi thị trường Trung Quốc có biến động”.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, nhiều sản phẩm làng nghề không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hoặc bị các sản phẩm của các nhà máy công nghiệp thay thế nên sản phẩm khó tiêu thụ khiến cho làng nghề khó duy trì phát triển và có nguy cơ mai một như: làng nghề tơ tằm ở Nội Duệ (Tiên Du) và Tam Giang (Yên Phong); mây tre đan Xuân Hội (Lạc Vệ, Tiên Du); làm nón lá ở Lãng Ngâm (Gia Bình)… 

 

Ô nhiễm môi trường 


Nhiều làng nghề đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng sống của người dân. Số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy cho thấy nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hóa chất…) cao hơn mức cho phép. Nhiệt độ không khí trong làng cao hơn mức tự nhiên từ 2 - 50c. Tại xưởng đúc cán thép Đa Hội nhiệt độ khu vực làm việc cao hơn nhiệt độ tự nhiên từ 8 - 100c. Tại các khu dân cư, tiếng ồn thường xuyên ở mức 90-110 dBA. Nguồn nước tại làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm và bún, bánh Khắc Niệm… bị ô nhiễm nặng, một số điểm lấy mẫu lượng Amoni cao hơn 4 lần so với tiêu chuẩn. Làng nghề Đại Bái, chỉ số BOS5 cao hơn QCVN 18,6 lần, COD cao hơn 18 lần; làng nghề Văn Môn, hàm lượng Amoni cao hơn 51,4 lần… Nguyên nhân do nước thải của các cơ sở sản xuất không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường. Chất lượng đất tại một số làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm bởi kim loại nặng như kẽm, sắt. Theo kết quả điều tra 3/37 mẫu được lấy từ các xã có làng nghề đặc trưng như Đại Bái, Văn Môn… có hàm lượng kẽm trong bùn thải (lấy tại cống thoát nước) cao hơn QCCP 1,6 - 1,68 lần… 

 

Làng nghề tơ tằm Nội Duệ (Tiên Du) dần đi vào dĩ vãng.


Ngoài đối mặt với những khó khăn thách thức về nguồn nhân lực và tình trạng ô nhiễm môi trường, các làng nghề còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như: Sản xuất còn chưa ổn định, khả năng tổ chức quản lý, nguồn thiết bị, tài chính, kiến thức thị trường, kết cấu hạ tầng, công nghệ đều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm làm ra thấp, không cạnh tranh được thị trường trong và ngoài nước, ít có sản phẩm độc đáo mang tính văn hóa truyền thống, hoặc có phong cách hiện đại dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Cộng thêm, công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu yếu kém, vì vậy nhiều làng nghề rất bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm. 
Theo ông Tạ Đăng Đoan, Giám đốc Sở Công Thương: “Do quy mô sản xuất của các làng nghề nhỏ lẻ, mẫu mã, chất lượng hạn chế, giá thành cao, cả làng cùng sản xuất ra những sản phẩm giống nhau từ dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, cho nên không chỉ tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, mà thu nhập của người lao động trong làng nghề thấp và thiếu ổn định. Và một khi mức thu nhập không đủ sức hấp dẫn thì việc lao động trẻ “quay lưng” với nghề truyền thống là điều không khó để lý giải. Trong khi đó, các nhóm ngành nghề: Chế biến nông sản, lương thực-thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng và các nghề dịch vụ (vận tải, thương nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp...) được du nhập và phát triển khắp nơi tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập cao. Các doanh nghiệp trong các KCN phát triển mạnh, có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn càng thêm động lực để nhân lực trẻ từ bỏ nghề truyền thống. Khi nhân lực trẻ không còn thì khó khăn, hạn chế của làng nghề lại càng khó tháo gỡ, khiến làng nghề không duy trì, phát triển được thậm chí còn bị mai một là điều khó tránh”.

Bài 3: Thay đổi để phát triển

Thái Uyên-Thanh Ngân