Làm giàu từ mô hình trồng quất thế

17/01/2019 08:43 Số lượt xem: 1060
Được giới thiệu, chúng tôi về thôn Yên Nhuế, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành hỏi thăm trang trại trồng quất thế của anh Nguyễn Duy Thanh thì ai ai cũng biết và được chỉ đường tận tình vào tận nơi. Được biết, anh là người đầu tiên trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, khoai sang trồng các loại cây ăn quả như cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn,… và đặc biệt là cây quất thế bán trong dịp Tết năm nay.

Đang chỉ đạo công nhân bứng gốc, bó gốc để kịp chuyển lên ô tô để giao cho khách hàng buôn, anh Thanh vừa vui vẻ trò chuyện. Anh kể, trước đây gia đình thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm nông kết hợp với bán các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, mấy năm gần đây bà con chăn nuôi nhỏ lẻ cũng gặp nhiều rủi ro, thua lỗ nên mình cũng mất cả vốn lẫn lãi,… cái khó ló cái khôn, nhiều lần đi theo bạn tập học nghề tạo tán, tỉa cành cây cảnh ở Văn Giang nên đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm và bén duyên với cái nghề này.
Tết năm ngoái gia đình mới trồng thử gần 100 gốc quất thế và thành công ngoài mong đợi, nhiều cây có thế đẹp chiều được khách hàng khó tính. Sẵn đà, anh thuê của các hộ dân gần 4 mẫu ruộng để trồng nhiều loại cây, trong đó năm nay anh mạnh dạn trồng hơn 600 gốc quất thế với tổng diện tích hơn 5 sào. Đến nay, gia đình đã bán hết hơn 400 cây với giá từ 450-850 nghìn, về cơ bản đã thu đủ số vốn đầu tư, còn khoảng 200 cây có thế đẹp để bán cho các khách hàng quen, họ hàng đặt mua và nhân dân địa phương, ước thu nhập khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí và biếu tặng người thân…
Đặc biệt, để quất chín đều trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch, người trồng nên chuyển cây vừa đánh bầu vào nơi râm mát, tránh mưa lớn làm hỏng bầu, để trong vòng 10 - 20 ngày đến khi có 80-90% lá rụng, sau đó trồng lại và chăm sóc bình thường, quất sẽ ra hoa và đậu quả trong tháng 7-tháng 8, chín trong dịp Tết Âm lịch vào đầu tháng 2. Để cây quất cảnh vừa có quả chín, quả xanh vừa có hoa và lộc xuân, người trồng cần lưu ý là sau khi đảo quất chuyển bầu quất vào bóng mát từ 7 - 10 ngày chỉ để 1/2 số lá trên cây rụng rồi trồng lại và chăm sóc như bình thường. Sau khi ra lứa hoa thứ nhất đậu quả và tiếp tục ra lứa hoa thứ 2 nên ngắt bớt 1/2 lượng quả, cắt các ngọn non, ngắt 1/2 số lá cây bánh tẻ, tiếp tục bón thúc bằng phân bón phân chuyên dùng cho cây cảnh nuôi quả. Cây quất sẽ tiếp tục ra hoa, kết quả và tiếp tục ra lộc, cuối năm sẽ được cây quất trên tán vừa có trái chín, trái xanh, hoa và nụ, lộn non như mong muốn,…
Ông Tạ Huy Sợi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức đánh giá: “Mô hình chuyển đổi sản xuất của anh Thanh ở thôn Yên Nhuế từ đất trồng lúa sang đất trồng các loại cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB,… vận động, khuyến khích hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất; làm cầu nối giữa các tổ chức tín dụng với bà con nông dân để phát triển kinh tế địa phương”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn quất thế của gia đình anh Thanh có đủ các thế như thế hoành, dáng trực, thế tam đa, thế ngũ phúc, thế bon sai,… từ đơn giản đến phức tạp. Quả trên cây sai chĩu chịt và hầu như đều đã chín vàng, căng mọng. Đây chính là thành quả đáng ghi nhận cho tinh thần chịu khó học hỏi, cần cù và sáng tạo trong việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất.

Huy Sơn