Lại chuyện… cổng làng

07/12/2018 08:36 Số lượt xem: 6455
Cổng làng như “con mắt” của đời sống, biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp riêng ở mỗi làng. Dù to dù nhỏ, cổ xưa hay hiện đại thì cổng làng vẫn là một thế giới văn hóa đặc trưng, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Vì thế, cổng làng được dùng như một qui ước không gian hơn là một giới hạn địa lý...

Trải qua tháng năm lịch sử, những chiếc cổng làng truyền thống in đậm dấu ấn thời gian, cõng trên mình lớp lang trầm tích văn hóa dường như không còn phù hợp với thời đại mới, con người mới và quang cảnh mới. Thế là một trào lưu xây mới cổng làng rộ lên. Người già đau đáu, người trẻ khấp khởi chờ đợi, làng xã thi nhau kiến thiết, phục dựng cổng làng…

KỲ I: CỔNG LÀNG… “PHIÊN BẢN 4.0”

Làng có lệ làng, nước có phép nước. Vậy mới có câu “Phép vua thua lệ làng”! Nhưng đó là xa xưa. Còn bây giờ, khi không gian làng đang biến đổi và thế giới giống như một “ngôi làng toàn cầu” thì câu chuyện xung quanh cái cổng vào làng của người Việt cũng lắm băn khoăn. Nhiều nơi cổng làng song hành với barie (được xem như cánh cổng) hoặc được thay thế bằng cọc bê tông, chốt barie, biển cấm… Mọi sự việc từ vi mô đến vĩ mô, từ bảo vệ đường làng, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy đến mở cửa giao thương, hội nhập thế giới… cuối cùng vẫn phải chạm đến cổng làng.

Một làng 7 chốt barie
Chúng tôi đến thôn Cao Thọ, xã Vạn Ninh (Gia Bình), ngay đầu giờ sáng mà xe công nông, ô tô trọng tải nhỏ ra vào tất bật bốc xếp gạch, xi măng từ ngoài tuyến đường chính để chuyên chở vào các ngõ xóm trong làng. Người dân nơi đây cho biết, việc lắp đặt barie là quy định của làng từ lâu rồi, xe trọng tải lớn không được lưu thông, muốn vào cần có sự thống nhất, đồng thuận của lãnh đạo thôn. Anh Lê Tiến Thúy, lái xe một cửa hàng buôn đồ gia dụng tại thị trấn Phố Mới (Quế Võ) chở hàng qua thôn Cao Thọ chia sẻ: “Chúng tôi cũng thường xuyên gặp phải tình huống như thế này, thời gian đầu cũng có bức xúc nhưng rồi nghĩ đó là tập quán, “đất lề quê thói” nên sau biết thôn, xóm nào có cọc bê tông, barie là chúng tôi chuyên chở bằng xe trọng tải nhỏ cho thuận tiện”.
Sau cổng làng xưa là cả một lối sống “đất lề quê thói”...
Trong ảnh: Cổng làng cổ ở làng Diềm, xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) được người dân nâng niu như báu vật.
 
Được biết, quanh thôn Cao Thọ có rất nhiều lối ra vào với cả thảy 7 barie tại đầu các đường lớn, ngõ rộng nhằm hạn chế xe tải trọng lớn. Đáng nói là một số barie còn có chốt khóa và giao người phụ trách giữ chìa khóa. Trao đổi vấn đề trên với Trưởng thôn Cao Thọ Nguyễn Văn Quân được biết: “Từ năm 2003, thôn Cao Thọ đã bê tông hóa đường thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cũng được sự đồng thuận trong nhân dân, thôn tiến hành đổ cột bê tông tại các tuyến chính vào làng để ngăn những xe trọng tải lớn, mục đích chính là bảo vệ đường. Cách đây gần chục năm, để thuận tiện hơn thôn bỏ cọc bê tông chuyển sang làm barie có chốt khóa. Khi người dân trong thôn hoặc nơi khác có công việc liên quan đến vận chuyển hàng hóa vào làng tùy theo trọng tải sẽ phải “nộp lệ phí” từ vài chục nghìn đến tối đa 300 nghìn đồng/lượt/xe”. 
Trước thực tế ở thôn Cao Thọ, ông Nguyễn Duy Văn, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh thẳng thắn: “Tất cả các tuyến đường do xã quản lý đều thông thoáng, không có cọc bê tông hay barie. Nhưng với thôn cũng có cái khó, là vấn đề tồn tại rất lâu như một quy định cứng. Chúng tôi ủng hộ việc bỏ barie nhưng quan trọng là ý kiến đồng thuận trong nhân dân. Hơn nữa, kết cấu nền đất ở Cao Thọ vốn thấp trũng, mưa là ngập, nền đường lại mỏng nên nếu để xe vượt quá trọng tải lưu thông sẽ rất dễ hư hại”.
Quan điểm của chính quyền là thế vậy ý kiến người dân địa phương ra sao? Ngược lại dòng thời gian, lịch sử thôn Cao Thọ trước còn có tên nôm là làng Chỗ với 5 cổng làng có cánh đóng mở, được xây bằng gạch. Qua biến thiên thời cuộc, chiến tranh nên các cổng làng đều bị phá bỏ. Ông Nguyễn Gia Phách, 78 tuổi, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó ở quê hương tâm sự: “Tôi cũng như nhiều người dân nơi đây đều chung tâm nguyện phục dựng lại cổng làng xưa, vừa bảo đảm cả yếu tố văn hóa vừa tạo thuận lợi giao thông cho nhân dân. Ngày xưa cổng làng nhằm bảo vệ dân làng khỏi trộm cướp, ngày nay việc đặt barie lại có… nhiệm vụ khác. Bản thân tôi và đại bộ phận bà con vẫn muốn giữ lại những chốt barie vì nếu bỏ đi thì không biết quản lý ra sao, đường làng hỏng lấy kinh phí đâu mà tu sửa”.
Không riêng gì ở Cao Thọ, qua khảo sát của chúng tôi tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhiều thôn, khu phố vẫn để cọc bê tông, chốt barie hoặc đồng thời tồn tại cổng làng với barie như: Huyện Thuận Thành có các thôn: Nghi An-xã Trạm Lộ (barie), Bút Tháp-xã Đình Tổ (cọc bê tông). Thị xã Từ Sơn có thôn Roi Sóc-xã Phù Chẩn (barie); khu phố Phù Lưu-phường Đông Ngàn có cổng làng cổ (trước đây có cánh cổng nay được thay bằng barie). Quế Võ có thôn Nghiêm Xá-xã Việt Hùng (cọc bê tông), khu 5-thị trấn Phố Mới (cọc bê tông), thôn Bất Phí-xã Nhân Hòa có cổng làng xây bằng gạch và gắn liền với đó là barie. Huyện Yên Phong có thôn Phú Mẫn-thị trấn Chờ (cọc bê tông). Thành phố Bắc Ninh có khu 1-phường Vạn An (cọc bê tông)… Theo người dân bản địa, mục đích chính của việc đặt cọc bê tông, làm barie là bảo vệ đường làng, ngõ xóm vì đây là những công trình do dân góp công, góp của nên nhất định phải gìn giữ.
“Lệ làng” hay “phép nước”
Đặt barie, cọc bê tông là thực tế ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua. Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, việc người dân các địa phương để barie, cọc bê tông có lý lẽ riêng. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông rồi cả những bất cập khó lường trong công tác phòng cháy chữa cháy với nhiều hệ lụy khác…
Ngay đầu thôn Nghiêm Xá, xã Việt Hùng (Quế Võ), có 2 cọc bê tông bọc ngoài to bằng thùng phi nằm chắn ngay ngã ba tuyến đường nối từ Quốc lộ 18 đi các xã Việt Hùng-Quế Tân-Phù Lương. Nhiều người dân quanh khu vực cho biết, từ khi có cọc bê tông nơi đây xảy ra tương đối nhiều vụ va quệt, nhất là buổi tối hoặc ban đêm nhiều lái xe ô tô khuất tầm quan sát nên va vào cọc bê tông gây vỡ mui, đèn xe, gẫy gương… Song, chị Ngọc Tới, nhà ngay đầu thôn, cạnh vị trí đặt hai cọc bê tông chia sẻ: “Có cọc bê tông còn đỡ tai nạn. Chỉ va quệt nhẹ thôi chứ chưa xảy ra vụ nào thương vong. Trước đây chưa làm đường, chưa có 2 cọc bê tông này, nhiều xe ra vào phóng như “bay” mà đường Quốc lộ xe công te nơ, xe tải trọng lớn chạy rầm rầm nên xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thương vong. Qua trao đổi với nhiều người dân quanh khu vực họ cũng chung quan điểm không muốn bỏ cọc bê tông vì nó giúp hạn chế tốc độ của các phương tiện ra vào, tránh hành vi “phóng nhanh vượt ẩu”. 

Sau khi tháo dỡ cọc bê tông, cán bộ và nhân dân thôn Roi Sóc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) trăn trở vì xe quá trọng tải cày nát đường nhưng không có chế tài (ảnh chụp ngày 23-9-2018).

 

Ở xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) chúng tôi lại gặp một… tình cảnh khác. Đó là thực hiện công tác vận động, tuyên truyền của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy về tháo dỡ barie, cọc bê tông để phòng tránh nguy cơ cháy nổ tại địa bàn gây cản trở cho xe chữa cháy. Nhưng sau khi tháo dỡ barie, việc quản lý phương tiện giao thông vô cùng khó khăn vì không có chế tài xử phạt khi các phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông. Đường làng hư hỏng khiến người dân bức xúc, thôn vẫn “bế tắc” chưa có hướng giải quyết.
Trưởng thôn Roi Sóc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) Nguyễn Đức Chúc trăn trở: “Từ đầu năm 2017, thực hiện chủ trương của Cảnh sát PCCC về việc tháo dỡ barie, cọc bê tông nên các điểm barie của thôn đã được tháo dỡ hoàn toàn. Nhân dân đi lại đúng là có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, địa bàn có khu công nghiệp VSIP nên xe trọng tải lớn nhiều nhưng vì không có chế tài xử lý dẫn đến xe quá khổ, quá tải cứ ngang nhiên hoạt động. Nhiều tuyến đường hư hỏng, dân kêu mà địa phương không có kinh phí sửa chữa cũng không tìm ra giải pháp nào khác”.
Đại úy Phạm Bá Thống, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) cho biết: “Thực tế nhiều vụ cháy xảy ra nhất là tại các khu dân cư. Việc có cọc bê tông đã gây khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ của chúng tôi như vụ cháy xưởng giấy tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) do vướng cọc bê tông, chúng tôi phải đi đường vòng mất hơn 10 phút; hay như tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ (Tiên Du) xảy ra vụ cháy lò bánh mì, do vướng cọc bê tông và cũng là đoạn đường gần khoảng trên dưới 50m nên lực lượng làm nhiệm vụ phải đỗ xe chữa cháy bên ngoài. Nhưng nếu như lò bánh bì cách xa hơn thì bắt buộc phải phá cọc bê tông và như thế rất mất thời gian, hậu quả chắc chắn cũng nghiêm trọng hơn…”
Theo Quy chuẩn 06:2010/BXD-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, đường cho xe chữa cháy phải đảm bảo các yêu cầu sau: Chiều rộng của mặt đường không nhỏ hơn 3,5 m cho mỗi làn xe; chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m. Tuy nhiên qua thực tế nhiều tuyến đường nông thôn, khu phố khó có thể đáp ứng được yêu cầu như trên, đây là vấn đề mang tính lịch sử. Cảnh sát PCCC thời gian qua thực hiện tích cực công tác phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương cơ sở, nhân dân trong việc chủ động tham gia tháo dỡ barie, cọc bê tông.
Vậy, những barie gắn liền với cổng làng (được xem như cánh cổng làng thời hiện đại) hoặc những cọc bê tông, barie nên hay không nên tồn tại? Thiết nghĩ các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần kịp thời vào cuộc, có giải pháp hợp tình, hợp lý, gỡ vướng mắc không chỉ về chế tài mà còn “gỡ” những phong tục “đất lề quê thói” không còn phù hợp, để làm sao giúp nhân dân địa phương đảm bảo giao thông thông thoáng, đi lại thuận tiện và đường giao thông trong xóm làng vẫn được gìn giữ, bảo vệ. Đặc biệt cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc mở cửa, hội nhập, thông thương với bên ngoài, đồng thời với đó là bảo đảm yếu tố chữa cháy khi xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó các cấp, ngành chức năng cũng cần kịp thời tham mưu ban hành quy định biển báo về trọng tải xe lưu thông trên các tuyến đường thôn, xóm vì hiện nay nhiều địa phương đã phá bỏ cọc bê tông, barie và đặt biển cấm xe trọng tải lớn nhưng đều do tự phát mà chưa có quy định chung; quan tâm, có hướng giải quyết hợp lý tại những thôn thực hiện việc “thu phí” khi xe trọng tại lớn vào ra.
Xử lý, giải quyết hài hoà vấn đề trên không chỉ liên quan đến vấn đề thông thương, mưu sinh, đó còn là nét văn hoá, cốt cách trọng chữ tình khi “khách đến chơi nhà” của mỗi làng quê, con người vùng đất Kinh Bắc đậm đà truyền thống.
Phóng sự của Thuận Cẩm-Xuân Me