Kí ức không quên

23/07/2021 20:06 Số lượt xem: 2002
Gần 2 tháng Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tiên Du được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến số 1 điều trị cho các bệnh nhân COVID - 19. Cũng chừng đó thời gian các cán bộ y tế phải ở lại bệnh viện, ăn ngủ, sinh hoạt trong điều kiện dã chiến và hoàn toàn cách ly với cộng đồng bên ngoài. Bệnh viện Dã chiến số 1 có quyết định giải thể và chính thức chấm dứt hoạt động từ 18h ngày 6-7. Đây là thời khắc cảm động, là niềm hạnh phúc vỡ òa của các cán bộ y tế và những bệnh nhân COVID- 19 đang điều trị tại bệnh viện.

 

Ngay sau khi được công bố giải thể Bệnh viện dã chiến số 1 chiều ngày 6-7,16 bệnh nhân F0 cuối cùng đang điều trị tại đây được xe cứu thương chuyên dụng chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục theo dõi và điều trị. 20 bệnh nhân còn lại đều đã có 14 ngày điều trị với 1 đến 2 lần xét nghiệm âm tính, họ đang chờ kết quả xét nghiệm được gửi đi từ sáng, nếu âm tính sẽ được về với gia đình.
Chị V.T.B ở khu Thượng, phường Khắc Niệm chia sẻ: Nhà có 5 người thì cả 5 cùng bị COVID, bố và cháu bé 3 tuổi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mẹ và hai con lớn điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Từ lúc nhập viện chúng tôi được các y, bác sĩ chuẩn bị cho đầy đủ các đồ dùng, vật dụng cá nhân của từng người; lo lắng, hỏi han đến từng bữa ăn, giấc ngủ và may mắn là cả 3 mẹ con được ở cùng phòng để tiện chăm sóc nhau, hai cháu đã khỏi bệnh và được xuất viện trước. Bản thân tôi đang mong chờ lắm vào kết quả, vừa hồi hộp cũng vừa lo, mong sao mình không bị tái dương tính, không phải đi điều trị tiếp để được về nhà với các con.
Còn V.T.V là người dân tộc Tày, quê ở xã Đồng Văn, huyện Tân Kì, tỉnh Nghệ An. Hai vợ chồng đi làm xa quê, đến thuê trọ ở phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh và làm công nhân ở công ty Mitac trong khu công nghiệp Quế Võ. Chị V mang thai con đầu lòng được 5 tháng thì công ty có trường hợp bị dương tính với SARS-CoV-2 và chị là F1 phải đi cách ly tập trung. 20 ngày cách ly tập trung, “nhảy dương” và tiếp đến 14 ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến, em bé trong bụng đã cùng với mẹ đi qua những ngày cách ly đến hơn 6 tháng, may mắn là cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh. “Chuỗi ngày ròng rã ở các cơ sở cách ly, điều trị với tâm trạng hoang mang, lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi chắc có lẽ sẽ không thể nào quên đối với tôi và rất nhiều phụ nữ đang mang thai điều trị tại bệnh viện dã chiến số 1 song được các bác sĩ, điều dưỡng động viên, thăm khám thường xuyên và đồng hành cùng nên không chỉ riêng tôi mà tất cả bệnh nhân ở đây tất cả bệnh nhân đều vững tâm, tin tưởng vào ngày khỏi bệnh” - Chị V bày tỏ.

 

Những chuyến xe chở bệnh nhân xuất viện về với gia đình là niềm vui không chỉ của riêng người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của các y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến.

 

Nhận được quyết định thông báo giải thể bệnh viện dã chiến, hơn ai hết, các cán bộ y tế tại đây là những người vui nhất. Và niềm vui càng vỡ òa, trọn vẹn hơn khi tất cả 20 bệnh nhân đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện để xuất viện. Niềm vui của các y, bác sĩ còn hòa chung cả nước mắt - nước mắt của sự bồi hồi, xúc động và mong mỏi khôn xiết sau 2 tháng chiến đấu và đã khống chế được dịch COVID-19 trên địa bàn.
Con trai mới 3 tuổi, nhưng vợ làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1, chồng công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 4, cùng điều trị bệnh nhân dương tính nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Lương (điều dưỡng viên khoa nội nhi - TTYT Tiên Du) đành phải nhờ ông bà nội toàn bộ việc chăm sóc, dạy dỗ con trai. Bố mẹ cách ly hoàn toàn trong bệnh viện, 2 tháng ròng không được gặp con, người mẹ trẻ chỉ còn cách hàng ngày gọi video về cho ông bà để nói chuyện với con. Có những cuộc gọi chỉ chớp nhoáng được vài phút lúc tranh thủ giải quyết xong bệnh nhân bởi còn quay cuồng với công việc chăm sóc bệnh nhân liên tục không rời.
Chị Lương cho biết, mặc dù đã chuẩn bị trước tâm lí sẵn sàng nhưng khi nghe tin đơn vị triển khai thành bệnh viện dã chiến, chị và các đồng nghiệp vẫn không tránh được nỗi buồn bởi phải xa con nhỏ, lại không biết phải ở bệnh viện dã chiến đến ngày nào mới được về. Đến tối ngày trước khi được giải thể, nghe lãnh đạo thông báo bệnh viện sẽ được chấm dứt hoạt động, mọi người ai nấy đều vui đến mức không ngủ được.
Sau khi bệnh viện dã chiến chấm dứt hoạt động, Lương cùng các đồng nghiệp sẽ còn 14 ngày tiếp theo phải cách ly tập trung rồi mới được về nhà với gia đình, nhưng ai nấy cũng đều có những niềm vui riêng. Anh Ngô Khắc Mạnh, Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị bệnh nhân dương tính, Bệnh viện Dã chiến số 1 cho hay: Những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân, vừa không quen trong trang phục bảo hộ kín mít, lượng bệnh nhân lại đông liên tục cả ngày lẫn đêm nên ai nấy đều mệt lả. Nhưng nghĩ người bệnh họ còn khổ hơn mình nhiều, bởi cũng phải xa gia đình, lo cho sức khỏe của mình và cho cả người thân, gia đình cũng như những người đã tiếp xúc. Vì thế các cán bộ y tế lại tiếp tục cố gắng, nỗ lực. Thế nhưng việc mặc bảo hộ cấp 4 trong điều kiện nắng nóng lên tới 36 - 400C vẫn là điều không hề dễ dàng, kể cả với các cán bộ là nam giới. Vì vậy, có lẽ niềm vui nhỏ nhoi nhất là từ nay sẽ không phải “làm bạn” với bộ đồ bảo hộ nữa.
Bệnh viện Dã chiến số 1 là đơn vị dã chiến đầu tiên trong tỉnh được triển khai đưa vào hoạt động khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu tháng 5. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho 557 bệnh nhân F0, 27 bệnh nhân F1. 444 bệnh nhân F0 và 27 bệnh nhân F1 được Bệnh viện điều trị khỏi và xuất viện. Mỗi bệnh nhân có 1 hoàn cảnh nhưng đều chung một tâm trạng lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Văn Đưởng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 vui mừng tâm sự, gần 2 tháng cố gắng, nỗ lực hết mình của tất cả cán bộ đơn vị, từ vòng trong - trực tiếp điều trị F0, đến vòng ngoài - hậu cần, hỗ trợ đã có có kết quả “nở hoa - trái ngọt”. Vui mừng vì được “giải phóng”, vui vì đóng góp được một phần công sức vào công cuộc và thành quả chung trong cuộc chiến chống giặc COVID của huyện và của tỉnh.
Những ngày cao điểm, Bệnh viện Dã chiến số 1 tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân COVID-19. Từ ngày 28-6, bệnh viện dừng tiếp nhận bệnh nhân mới và đến ngày 7-7 bệnh viện chính thức dừng hoạt động. Mỗi một mốc thời gian, mỗi một ngày trong đơn vị dã chiến là những kỉ niệm, dấu ấn không thể nào quên trong sự nghiệp của mỗi y, bác sĩ nơi đây vì chưa từng có trong tiền lệ. Mong mỏi lớn nhất của họ lúc này là sớm được quay về làm công tác chuyên môn thường quy để cuộc sống sớm yên bình trở lại!

Nguyễn Oanh