Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV

20/10/2021 20:54 Số lượt xem: 2436
Sáng 20-10, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội khóa XV trọng thể khai mạc kỳ họp thứ Hai theo hình thức trực tuyến với 62 điểm cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đào Hồng Lan điều hành thảo luận Tổ.


Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh dự họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh. Cùng tham dự phiên khai mạc có các đồng chí đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn…Trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội...

 


Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19); công tác phòng, chống COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội khóa XIV.
Về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế trong nước được duy trì khá tốt (đạt 5,64%). Tuy nhiên, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, số ca lây nhiễm, tử vong tăng cao, tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, sức khỏe của người dân, làm quá tải hệ thống y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống dịch được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng hành, quyết liệt, xử lý kịp thời.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6% đến 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%... Chính phủ đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Chiều 20-10, Quốc hội nghe các Báo cáo, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về: Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về 2 Dự án Luật trên.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cơ bản nhất trí với nội dung của 2 dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý làm rõ thêm một số nội dung và đề nghị: Bổ sung vào khoản 1, Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự trường hợp thẩm phán chủ tọa phiên tòa được ra quyết định tạm đình chỉ vụ án “Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để xét xử vụ án (trực tiếp hoặc trực tuyến) vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử”; quy định rõ mức độ thiên tai, dịch bệnh được xét làm căn cứ tạm đình chỉ điều tra, xét xử…; đưa thêm chỉ số tỷ lệ trẻ em bị xâm hại vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia để có căn cứ làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ một số  từ ngữ; cân nhắc một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất giữa 2 luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Vân Giang