Khắc phục xả thải làng nghề gây ô nhiễm lưu vực sông Cầu

13/11/2018 09:03 Số lượt xem: 1969
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề luôn là vấn đề bức xúc và khó giải quyết, trong đó ô nhiễm nguồn nước đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người dân. Vấn đề này được các cấp, ngành chức năng quan tâm xử lý từ nhiều năm nay, song kết quả chưa thực sự khả quan, do lượng nước thải phát sinh quá lớn, rất cần giải pháp khắc phục triệt để ngay từ các cơ sở sản xuất.

Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn góp phần xử lý nước thải đô thị và các làng nghề xung quanh.

 


Toàn tỉnh có 62 làng nghề, thì có tới 39 làng nghề có nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp trên lưu vực sông Cầu thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh... Một số làng nghề phát sinh nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), phát sinh khoảng 10.000m3/ngày, đêm; làng nghề làm bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), phát sinh khoảng 3.500m3/ngày, đêm; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Tiên Du), phát sinh khoảng 4.000m3/ngày, đêm; làng nghề nấu rượu Đại Lâm (Yên Phong), phát sinh khoảng 2.500m3/ngày, đêm... Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại cũng có nguồn thải lớn chủ yếu là nước làm mát và nước thải lẫn với chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường như làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn), làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (Yên Phong).
Báo cáo mạng quan trắc môi trường hàng năm về kiểm tra, giám sát môi trường tại các làng nghề cho thấy môi trường nước ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng, kết quả phân tích chất lượng nước vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép nhiều lần. Tại một số làng nghề ở thành phố Bắc Ninh, kết quả phân tích các mẫu nước thải có các chỉ tiêu phân tích (BOD5, COD, Amoni…) đều vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước thải. Đơn cử như làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hàm lượng BOD5 cao hơn QCVN từ 10 đến 20 lần, COD cao hơn QCVN từ 15 đến 24 lần; làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, hàm lượng COD cao hơn QCVN từ 9 đến 15 lần...
Trước thực trạng trên, tỉnh nỗ lực chỉ đạo ngành chức năng, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước giải quyết, ngăn chặn vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. UBND tỉnh thành lập Tổ phản ứng nhanh xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, áp dụng các biện pháp xử lý mạnh như đình chỉ sản xuất, thu hồi giấp phép hoạt động… Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì: Sở tham mưu với tỉnh ban hành một số văn bản, chính sách riêng cho từng địa phương liên quan đến bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể: Quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực nông thôn; Quy định chế độ hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn nhằm cải thiện chất lượng môi trường nông thôn do ô nhiễm rác thải sinh hoạt; Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước nói riêng tại các làng nghề hiện nay. Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường, công tác tập huấn về bảo vệ môi trường làng nghề được tổ chức thường xuyên... Nhất là việc thanh, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất thực hiện nghiêm ngặt. Ngay trong giai đoạn 2016 - 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN và lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra 518 cơ sở sản xuất, phát hiện, xử phạt 106 cơ sở, thu 3,771 tỷ đồng. UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra 403 cơ sở, phát hiện, xử phạt 50 cơ sở, thu gần 3 tỷ đồng. Đối với 2 làng nghề giấy Phong Khê và giấy Phú Lâm xả thải trực tiếp ra sông Cầu ở mức báo động thì tỉnh thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện 60 cơ sở sản xuất trong CCN Phong Khê 1 và 32 cơ sở sản xuất trong CCN Phú Lâm, lập biên bản xử phạt hơn 5 tỷ đồng đối với 28 cơ sở sản xuất. Các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra 372 lượt cơ sở, xử phạt 157 cơ sở, thu, nộp Kho bạc Nhà nước khoảng 7,2 tỷ đồng, đình chỉ có thời hạn 6 cơ sở, tiến hành cưỡng chế bằng hình thức ngừng cấp điện đối với 2 cơ sở cố tình không thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết về bảo vệ môi trường của một số chủ sản xuất, người dân làng nghề còn yếu, chưa lường hết được những tác hại do nguồn nước thải gây lên, dẫn đến tồn tại nhiều hạn chế khó khắc phục. Tỉnh đã, đang và sẽ thực hiện một số Đề án, Dự án hiệu quả như: Đề án đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường sông Ngũ Huyện Khê; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê; Dự án xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm bằng công nghệ yếm khí; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, công suất 400 m3/ngày, đêm; Dự án xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê, công suất giai đoạn I là 5.000 m3/ngày, đêm; Dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt để cung cấp cho các cơ sở trong làng nghề; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu tại một số làng nghề... Đây sẽ là giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng xả thải ra sông Cầu hiện nay ở một số làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Hoài Anh