Khắc ghi lời Bác dạy

16/07/2020 19:28 Số lượt xem: 1247
Gần 20 năm qua, cựu chiến binh (CCB) Ngô Thượng Hoạch, sinh năm 1954 ở khu 7, phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ những câu chuyện lịch sử vẻ vang của dân tộc, CCB Ngô Thượng Hoạch “truyền lửa” tinh thần cách mạng cho các thế hệ trẻ.   

Năm 1972, thanh niên Ngô Thượng Hoạch lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 470 (Đoàn 559) tham gia nhiệm vụ mở đường và vận chuyển hàng hóa, vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại Trường sơ cấp Kỹ thuật Công binh (Hà Nội). Năm 1984, ông được cử đi học Trường Học viện Lục quân (Đà Lạt-Lâm Đồng). Sau đó, ông về công tác tại Học viện Quốc phòng. Năm 2012, Đại tá Ngô Thượng Hoạch nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Từ đó đến nay, ông tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, nhất là chăm lo giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
CCB Ngô Thượng Hoạch cho biết: “Trong Di chúc, Bác từng căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Khắc ghi lời Bác dạy, tôi thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, để tuyên truyền cho thế hệ trẻ học tập, noi theo”. Trong căn phòng nhỏ, ông Hoạch sưu tầm rất nhiều cuốn sách, tư liệu về các cuộc chiến tranh vệ quốc như: Đại tướng Võ Nguyên Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đường Trường Sơn-Con đường huyền thoại; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Rất nhiều câu chuyện ông sưu tầm về Bác có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Chiếc áo ấm”, “Quả táo Bác Hồ”, “Bác có phải Vua đâu”, “Bài học về giản dị và tiết kiệm”, “Thời gian quý báu lắm”, “Chiếc đồng hồ”, “Nước nóng, nước nguội”, “Ba chiếc ba lô”… Ông Hoạch tâm sự: “Mỗi câu chuyện về Bác đều thể hiện sâu sắc đức tính khiêm nhường, giản dị, giàu lòng yêu thương, quý trọng mọi người và hết lòng, hết sức vì quê hương, đất nước, nhân dân. Đây là kho tư liệu, là những bài học kinh nghiệm quý báu, để tôi truyền cảm hứng cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến thế hệ trẻ”. Trong suốt quá trình công tác hay trở về cuộc sống đời thường, ông Hoạch không nhớ mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách và kể bao nhiêu câu chuyện về Bác, nhưng mỗi khi nhắc về Bác, trái tim ông lại xúc động, bồi hồi.
Hằng năm, vào những ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng (3-2), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12..., CCB Ngô Thượng Hoạch được Hội CCB thành phố Bắc Ninh phân công nhiệm vụ đến các trường học giao lưu, nói chuyện truyền thống cách mạng cho các em học sinh. Từ năm 2013 đến nay, CCB Ngô Thượng Hoạch nói chuyện truyền thống gần 200 buổi cho hơn 80.000 lượt học sinh ở các trường học trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Mỗi lần nói chuyện truyền thống, ông kết hợp hài hòa giữa lịch sử và tương lai. Trong đó luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào giải phóng dân tộc, nhất là công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một ngày đầu tháng 4-2019, CCB Ngô Thượng Hoạch giao lưu với thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh). Tại đây, ông kể cho các em học sinh về những ký ức một thời hoa lửa. Trong suốt quá trình đấu tranh vệ quốc, từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng. Lấy phương châm “Chiến tranh nhân dân” làm sức mạnh nội sinh, khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác... Thầy giáo Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt chia sẻ: “Những câu chuyện lịch sử chân thực; những tấm gương hy sinh anh dũng qua lời kể của các CCB sẽ giúp thầy cô giáo và các em học sinh tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong phong trào “Dạy tốt-Học tốt”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Hội CCB thành phố Bắc Ninh đánh giá: “Thời gian qua, CCB Ngô Thượng Hoạch luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, có nhiều sáng tạo trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những việc làm thiết thực của ông tác động tích cực đến nhận thức và hành động của thanh thiếu niên, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.

Văn Phong