Kéo vị Tết tới gần

22/01/2020 10:32 Số lượt xem: 2158
Trong cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của nhiều loại bánh kẹo trong nước và ngoại nhập, đôi lúc những thức quà dân dã như kẹo lạc, chè lam chẳng còn được mấy ai lựa chọn. Thế nhưng ở thời khắc Tết đến rất gần, người ta vẫn mong về bữa sum họp gia đình được nhâm nhi chén trà nóng, chiếc kẹo quê cùng những câu chuyện đầm ấm. Và cũng bởi thế, không khí tại hộ làm kẹo lạc Trang Toàn ở khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn như hối hả hơn để kịp đem Tết về gần với mọi nhà. 

Bước vào không gian đậm chất cổ kính với ngôi nhà mái nhuốm màu cũ kỹ hơn 80 tuổi, ông Vũ Công Toàn rời tay khỏi mẻ lạc mới rang, hào hứng mời chúng tôi xơi ấm trà ướp hoa sói và thưởng thức kẹo lạc, chè lam nhà làm. Ông kể, là một vùng có sự giao thương phát triển, làng Sặt xưa nay là khu phố Trang Liệt vốn có nhiều nghề phụ. Người chú ruột của ông Toàn cũng như bao dân làng bôn ba khắp nơi buôn bán và tình cờ học được nghề làm kẹo. Sau khi thử nghiệm và tự điều chỉnh cho ra công thức khác biệt, các loại kẹo của chú ông Toàn như  kẹo lạc, gôm, dồi chó, vừng… chẳng mấy chốc đã nổi tiếng khắp vùng. Từ thuở bé, ngày ngày chơi đùa quanh những chảo gang nấu kẹo thơm lừng, như một lẽ tự nhiên, ông Toàn vừa xem, vừa nắm bắt được phần nào những công đoạn làm kẹo của gia đình.

 

Ông Vũ Công Toàn thực hiện đóng gói món kẹo lạc, chè lam truyền thống.


Nhưng phải sau khi xuất ngũ trở về và lập gia đình, ông Toàn mới chuyên tâm tìm hiểu để nối nghề làm kẹo lạc. Theo ông, công thức làm kẹo lạc có ở nhiều nơi, nhưng để làm nên hương vị đặc biệt của món kẹo lạc Trang Toàn, không bị mùi hôi, điều quan trọng là phải lựa chọn nguyên liệu hảo hạng. Khi nào ông cũng đặt riêng những mẻ lạc mẩy, chắc hạt, có vị bùi, rồi về nhặt bỏ hạt sâu, kẹ, mốc. Sau đó, lạc, vừng đều được rang thủ công, để hở, bốc hơi vừa tạo độ giòn vừa tạo hương thơm dậy mùi. Tiếp đến dùng đường kính, mạch nha đun nhỏ lửa, khuấy đều tay liên tục, rồi đổ lạc, vừng thêm chút va ni vào cùng trộn lẫn. Sau khi các nguyên liệu đã hòa quện sền sệt, người nấu sẽ đổ ra khay và dùng thanh gỗ cán mỏng cho nguội. Cuối cùng, để cho mẻ kẹo lạc không bị bết dính, ông Toàn chọn gạo nếp mùa rang kỹ, nghiền nhỏ thành bột áo rắc lên rồi cắt mẻ kẹo thành từng miếng vừa ăn. Vài năm trở lại đây, bên cạnh kẹo lạc, ông cũng tập trung làm món chè lam. Sau khi đầu tư máy móc như máy bóc vỏ, máy cắt, máy đóng gói, máy dán gói, sản lượng kẹo lạc, chè lam thành phẩm của gia đình ông Toàn cũng được nâng lên. Những ngày thường mỗi tháng ông xuất bán khoảng 1-2 tạ, nhưng cận Tết từ tháng 10 âm lịch trở đi gia đình có thể làm tới 7-8 tấn/tháng. Với giá bán 70.000 đồng/kg kẹo lạc, 60.000 đồng/kg chè lam, mỗi năm doanh thu của cơ sở được hơn 600 triệu đồng, cho lãi gần 200 triệu đồng. Đồng thời ông cũng đặt làm thêm nhãn, mác, vỏ hộp lịch sự theo nhu cầu khách hàng biếu, tặng hoặc bày trên ban thờ cúng nên lượng tiêu thụ ngày càng tăng. 
Tuy nhiên khó khăn của cơ sở hiện nay là mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, khó mở rộng được quy mô. Ngoài ra, lực lượng sản xuất còn ít với chỉ vợ chồng ông Toàn và người con trai cả nên khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng dịp lễ, Tết. Sản phẩm tuy được nhiều người biết tới, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa cung ứng được theo dạng hợp đồng ổn định vào các siêu thị lớn. Vì vậy, thời gian tới, đình ông Toàn muốn đầu tư thực hiện việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của nhiều khách hàng lớn; đào tạo, truyền nghề cho những người có tâm huyết. Ông cũng hy vọng, với việc được lựa chọn là một trong những sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCCP) của Bắc Ninh giai đoạn 2019-2020, kẹo lạc Trang Toàn sẽ được quan tâm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường và đưa món quà quê này tới nhiều gia đình hơn trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Song Giang