Kế tục văn hóa uống lành mạnh, chuẩn mực

16/01/2020 20:47 Số lượt xem: 3643
Dân gian thường nói, khách đến nhà không trà thì rượu. Nếu miếng trầu mở đầu câu chuyện thì chén rượu mở đầu cuộc vui. Thế nhưng rượu đang bị một bộ phận người dùng lạm dụng thái quá gây ra những hệ lụy xấu…

Người xưa coi uống rượu là một phương thức dưỡng thân, dưỡng tâm.

Văn hóa uống rượu có từ lâu đời ở đất nước ta. Rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung là sản phẩm không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hội hè, đình đám, cưới hỏi, liên hoan cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta vẫn thường nghe nói “bầu rượu, túi thơ”. Vì vậy, rượu không đơn thuần là một thức uống mà chứa đựng trong đó cả bề dày về văn hóa giao tiếp, lễ nghĩa trong cuộc sống.

Dẫn giải về lịch sử của rượu, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Khải cho rằng: Rượu có cách đây hàng ngàn năm và ban đầu được dùng để chữa bệnh chứ không phải là chất kích thích thần kinh. Về sau, khi con người biết chưng cất ra rượu thì rượu được sử dụng làm vật phẩm cúng tế thần linh. Có nhiều nghi thức, nghi lễ “Tiến tửu” khá độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc. Sau này, ở phương diện đối ngoại, trong những cuộc giao đãi, rượu cũng được sử dụng để tiếp khách. Các nhà vua khi ưu ái, thưởng phạt quần thần cũng ban rượu. Trong gia đình, rượu cũng được dâng lên cúng thổ thần, tổ tiên. Bạn bè gặp gỡ cũng mời nhau rượu...
Người Quan họ có câu hát “Tay tiên chuốc chén rượu đào/Sách ra thì tiếc, uống vào thì say”. Trong ca dao cũng không thiếu các câu nói về rượu mang hàm nghĩa khác nhau: “Chẳng chè chẳng chén sao say/Chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm” hoặc “Giúp em một thúng xôi vò/Một con lợn béo, một vò rượu tăm” rồi “Đố ai đánh võng không đưa/Ru em không hát anh chừa rượu tăm” hay là “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa/ Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”...
Rượu còn như một “tác nhân” gieo cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ, là một “tri âm tri kỉ” đồng hành cùng những bậc tao nhân mặc khách. Cụ Nguyễn Khuyến có câu thơ nổi tiếng “Rượu ngon không có bạn hiền/Không mua không phải không tiền không mua”. Trong tập “Xuân như ý”, thi sĩ Hàn Mặc Tử còn có cả một thi phẩm mang tựa đề “Say chết đêm nay”- “Đêm nay lại giống đêm nào/Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan... Nhớ thôi lòng những sầu bi/Lệ rơi vào rượu, hàng mi lờ đờ…”. Lại có người từng viết về rượu thế này: “Người sành rượu, trước hết cầm lấy chai, ngắm một lát, như say đắm, như vuốt ve chai rượu, thận trọng mà âu yếm nồng nàn như kiểu ngắm một cô gái đẹp... Ta rút cái nút chai cuộn bằng lá chuối khô ra, ngửi ngửi rồi rót rượu ra chén. Thế là rượu hiện ra, dịu dịu, trong suốt, sạch bong, tươi mát. Rượu có khuôn mặt sống động, xao xuyến, bao la như một bản tình ca”... Rượu và tình yêu có lẽ là hai thứ không bao giờ cạn ở văn nghệ sĩ. Họ thưởng rượu, độc ẩm, đa ẩm, giãi bày tâm tư tình cảm, thăng hoa cùng rượu là chuyện thường thấy mà từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây đều vậy.
Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào không dùng rượu. Rượu tồn tại, đồng hành cùng nhân loại. Mỗi dân tộc lại có phương pháp chưng cất rượu theo kiểu của mình. Ngay việc thưởng thức rượu cũng khác nhau tùy theo khẩu vị, cơ địa, sức khỏe và phong tục tập quán, thói quen mỗi người, mỗi nơi. Người ta bảo, khi uống rượu phải thưởng thức làm sao để “tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo và tri kỳ linh” - nghĩa là biết được vị, biết được hương thơm, biết sự huyền ảo và biết cái linh hồn của rượu. Uống như vậy thì tinh thần được phấn khởi, quên đi mọi mệt nhọc, muộn phiền để thấy cuộc sống thêm vui tươi, chan hòa. Uống như thế sẽ có được những ý tưởng xuất thần, yêu đời, yêu mọi người trong cộng đồng hơn và khi ấy niềm vui cũng được nhân lên, sự say sưa ấy sẽ giúp sáng tạo, thăng hoa để mang đến tinh túy cho đời. Cách uống đó được gọi là “Tiên tửu” hay “Phật tửu”, còn nếu uống cạn hết chén này đến chén khác là “Ngưu tửu” hoặc “Chư tửu” và nếu uống xong mà lời ra tiếng vào, không biết kiềm chế, cà khịa chửi bới hoặc gây gổ đánh nhau, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác được gọi là “Cuồng tửu”, “Tục tửu”, “Cẩu tửu”...
Đúng là trong chuyện uống rượu có cả sự cao quý, sang trọng, dung tục và thấp hèn. Đưa ra một góc nhìn về cách uống rượu, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải phân tích: “Xưa, các cụ rất tinh tế và có định lượng đúng đắn khi thưởng rượu. Họ nhâm nhi, thưởng thức cả buổi sáng mới hết vài ly rượu. Uống để cảm nhận hương vị cay nồng của rượu, mượn chén rượu để bình thơ, đánh cờ, xem tranh, thể hiện tư tưởng, tình cảm, trí tuệ chứ hoàn toàn không có chuyện thách đố hay ép nhau uống rượu như bây giờ... Người ta ép nhau, rồi nhắm mắt nhắm mũi cạn hết chén này đến chén khác như thế thì sao gọi là có văn hóa được!.
Bàn về rượu là một câu chuyện phức tạp và khá dài. Cũng khó để cấm việc sản xuất và uống rượu. Quan trọng là người uống làm sao cho đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ, đúng chừng mực và văn minh. Được biết, có những người trước khi tham gia một cuộc rượu thường đặt ra quy tắc với những câu hỏi như: Vì sao uống? Uống lúc nào? Uống ở đâu? Uống với ai? Sau khi trả lời được những câu hỏi ấy họ mới quyết định có tham gia không và nếu tham gia thì phải biết dừng lại đúng lúc. Uống rượu cũng cần phải có văn hóa mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá...
Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến gần, sử dụng đồ uống có cồn và kế tục văn hóa uống rượu một cách chuẩn mực, lành mạnh để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm