Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

24/11/2021 21:12 Số lượt xem: 3907
Ngày 24-11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Dự hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí Ủy viên  Bộ Chính trị;

Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, lãnh đạo các Hội chuyên ngành thuộc Hội VHNT Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh  chủ trì tại điểm cầu Bắc Ninh.


Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Chuẩn mực văn hóa trong chính trị từng bước được hình thành, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả bề rộng lẫn chiều sâu, song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa...
Báo cáo cũng định hướng và chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời gian tới. Xác định mục tiêu chung là: Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hội nghị văn hóa toàn quốc có ý nghĩa về nhiều phương diện và nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ta luôn luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn”.
Theo Tổng Bí thư, văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.
Phân tích những tồn tại trong phát triển văn hóa và chỉ rõ thời cơ, thách thức trước bối cảnh mới, Tổng Bí thư đề nghị thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với các hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội. Cùng với đó, cần đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc cho người dân; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân.
Tổng Bí thư cũng đề nghị, tập trung xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức để Đảng ta thực là đạo đức, là văn minh; xây dựng văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, trong kinh doanh. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong phát triển văn hóa. Quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực phát triển văn hóa. Quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Xây dựng văn hóa số phù hợp với thời đại công nghệ số, xã hội số, công dân số nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; từ đó điều tiết sự phát triển đất nước phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tổng Bí thư tin tưởng: “Với một đất nước trọng văn hiến, trọng hiền tài; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ văn nghệ sỹ có trách nhiệm cao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm dày thêm văn hóa dân tộc. Từ đó, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc Anh hùng”.

 


* Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục diễn ra với nội dung quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì.
Phát biểu định hướng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Hội nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa; chuyển hóa nhận thức thành hành động; đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược xác định 5 quan điểm lớn, 4 mục tiêu chung, 8 mục tiêu cụ thể và chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một số gợi mở nhằm cụ thể hoá các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng tinh thần đổi mới, sáng tạo trong toàn Đảng, toàn dân, chống tụt hậu, tạo xung lực cho sự phát triển nhanh và bền vững; hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chống lai căng và mạnh dạn đổi mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, cổ vũ sự sáng tạo, tôn trọng cái khác biệt, phát huy tài năng con người. Đối với xây dựng con người Việt Nam cần chú ý đến công tác giáo dục và sự nêu gương. Phó Thủ tướng cũng đề nghị sau hội nghị phải triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đề ra những chương trình dài hơi, tiếp tục lan tỏa tinh thần dân tộc, đề cao truyền thống, đưa văn hoá, con người Việt Nam hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị. Trong thời gian tới đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về giữ gìn bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc; quan tâm, tạo cơ chế, chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa làng xã. Nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của tỉnh về văn hóa; tăng cường đấu tranh chống lại các hành vi phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi đi ngược lại với truyền thống văn hóa dân tộc, phá hoại các giá trị văn hóa của nhân dân, đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, văn hóa, con người Bắc Ninh nói riêng.

Thanh Lâm - Minh Quân