Học tập và noi gương đồng chí Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ cách mạng trung kiên

02/12/2022 18:13 Số lượt xem: 2414
Đồng chí Ngô Gia Tự (bí danh Ngô Sỹ Quyết) sinh ngày 3-12-1908, tại làng quê Tam Sơn, nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra tại làng quê truyền thống khoa bảng, trong một gia đình giàu lòng yêu nước, đồng chí Ngô Gia Tự đã sớm được thừa hưởng truyền thống quý báu của quê hương và gia đình. Ngay từ thủa thiếu thời, đồng chí đã nổi tiếng là người học trò thông minh, xuất sắc. Khi học tại trường Bưởi (Hà Nội), được tiếp xúc với tư tưởng yêu nước, tiến bộ, người thanh niên Kinh Bắc đã tích cực tham gia phong trào yêu nước và cách mạng, đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ Phan Bội Châu và tham gia tổ chức truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Do chống lại Chính phủ “Bảo hộ”, đồng chí Ngô Gia Tự bị chính quyền phong kiến, thực dân đuổi học. Đồng chí đã về quê hương lao động, tự đọc sách báo yêu nước và tìm bạn cùng chí hướng để hoạt động cách mạng.

Ảnh đồng chí Ngô Gia Tự tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.

Năm 1926, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Ngô Gia Tự gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tín nhiệm cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp tập huấn do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo chương trình. Từ đây, người thanh niên yêu nước Ngô Gia Tự đã được tiếp thu tinh hoa lý luận của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tích cực trau dồi đạo đức cách mạng, học và nắm vững Đường Kách Mệnh. Ngay sau khi kết thúc khóa học, đồng chí trở về Bắc Ninh, tuyên truyền giác ngộ quần chúng và gây dựng cơ sở cách mạng. Những hoạt động giáo dục lý luận và tuyên truyền cách mạng của đồng chí là sự đóng góp quan trọng vào quá trình kết hợp Chủ nghĩa Mác- Lê nin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam và quá trình chuẩn bị thành lập Đảng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dày công gây dựng từ những năm 1925.
Năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh- Bắc Giang thành lập, đồng chí được bầu làm Ủy viên Tỉnh bộ. Vừa công tác, đồng chí vừa tranh thủ tự học và kỳ thi năm 1928, đồng chí đã đỗ Tú tài toàn phần thứ nhất. Đến giữa năm 1928, đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ.
Tháng 9-1928, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề xuất chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào các nhà máy, hầm mỏ lao động cùng công nhân, thợ thuyền để tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức đấu tranh chống chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Chính từ phong trào “Vô sản hóa” đã góp phần cho nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và các tầng lớp lao động bùng nổ rộng khắp ba miền: Bắc, Trung, Nam.
Nhận thức được vai trò to lớn của giai cấp công nhân và xu thế tất yếu của cách mạng nước ta, tháng 3 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự cùng 7 thành viên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước tại số nhà 5D, phố Hàm Long. Ngày 17- 6-1929, đồng chí Ngô Gia Tự và Chi bộ 5D, phố Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng, lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ Đảng với mục tiêu đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, giải phóng công nông.
Tháng 7-1929, đồng chí Ngô Gia Tự về Tam Sơn, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau đó, Đông Dương Cộng sản Bắc Ninh-Bắc Giang được thành lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đông Dương Cộng sản Đảng được tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cuối tháng 8 năm 1929, đồng chí được Trung ương cử vào Nam Kỳ hoạt động, đồng chí đã tiếp tục tắm mình vào phong trào “Vô sản hóa” ở Sài Gòn, thành lập Chi bộ Đảng ở Nhà máy đóng tầu Ba Son, Đồn điền Cao Su Phú Riềng, xã Phú Kim… Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào Cách mạng miền Nam đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, chuyển từ mục tiêu kinh tế sang mục tiêu chính trị, lực lượng công nhân dần trở thành lực lượng chính trị to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc.
Ngày 3- 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ. Trên cương vị này, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, bồi dưỡng nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng. Đồng chí khẳng định “Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hi sinh, đừng vì ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”.
Tháng 5-1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị sa vào tay địch trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở Đảng ở Sài Gòn. Từ dụ dỗ, mua chuộc tới cực hình, tra tấn, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng kẻ thù không khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí. Trong lao tù của thực dân Pháp, đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người “Chúng mình phải chịu hi sinh, phải hi sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”.
Sau nhiều lần xét xử, thực dân Pháp đã kết án tử hình đối với đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bí mật đưa đi đày tại Côn Đảo. Tại đây, đồng chí tiếp tục kiên cường đấu tranh “Biến nhà tù thực dân thành trường học Cộng sản”, đồng chí đã tham gia dịch nhiều tác phẩm về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm mọi cơ hội để truyền bá các chiến sỹ cộng sản và các bạn tù học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng, nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin thắng lợi vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam và được tín nhiệm cử vào Ban Chi ủy Chi bộ Nhà tù. Đầu năm 1935, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo bố trí để đồng chí vượt biển vào đất liền hoạt động nhưng tiếc thay, chiếc thuyền mong manh đã không chịu được sóng biển mùa gió chướng, đồng chí Ngô Gia Tự đã anh dũng hi sinh.
Đánh giá về đồng chí Ngô Gia Tự, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”.

 

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo nơi ghi dấu những ký ức hào hùng về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng chí Ngô Gia Tự và các Anh hùng, chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ảnh: L.T


Hiện nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta được tiến hành trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra vấn đề phức tạp đối với nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước ta; bên cạnh đó, tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng… đang đặt ra những thách thức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, học tập, noi gương đồng chí Ngô Gia Tự và để thực sự xứng đáng với công lao to lớn và tấm gương quên mình hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí, của các Anh hùng, Liệt sĩ,  toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh cùng với cả nước nguyện một lòng theo Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng, tiến công, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu vươn lên hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong tình hình mới. Từ đó, bảo đảm chắc chắn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đưa quê hương Bắc Ninh và cả nước tiếp tục đi lên, đạt được nhiều thành tựu ngày càng to lớn hơn trong tiến trình đổi mới, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyên Phương (th)