Giữ vững mục tiêu tăng trưởng

01/03/2020 17:39 Số lượt xem: 2921
Năm 2020, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và khu vực, nhất là dịch COVID-19 lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Tại Bắc Ninh, dự báo sẽ có nhiều khó khăn tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên với tinh thần “không thay đổi mục tiêu tăng trưởng-sớm chủ động giải pháp”, tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và giám sát các chỉ tiêu tăng trưởng; tiến hành rà soát và cụ thể hóa kịch bản tăng trưởng của từng ngành, đơn vị để có giải pháp tổ chức thực hiện, chỉ đạo điều hành phù hợp với tình hình. Tập trung giải ngân các dự án, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện đồng bộ các biện pháp để giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm... Tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, ổn định tâm lý xã hội, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về y tế, kinh tế, xã hội.
Với quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7% theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua, kịch bản tăng trưởng cụ thể năm 2020 được xây dựng như sau: Quý I dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm do chăn nuôi lợn vẫn chưa phục hồi sau dịch và dịch cúm gia cầm có dấu hiệu phát sinh trở lại. 
Khu vực Công nghiệp - Xây dựng, Samsung chính thức ra mắt các dòng điện thoại mới Galaxy S20 đầu tháng 2, với nhiều tính năng mới, sản lượng dự kiến đạt 71,5 triệu máy (trong đó có 30% được sản xuất ở Bắc Ninh, tăng 3,3%), như vậy kéo theo sản lượng màn hình của SDV cũng tăng. Cụ thể từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất của SDV tăng 36,98% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp trong quý I sẽ tăng 5,4%. 

 

SEV vừa ra mắt dòng điện thoại mới đầu tháng 2.


Khu vực Dịch vụ, do tác động của dịch COVID-19 nên một số ngành dịch vụ sẽ tăng thấp (bán lẻ hàng hóa, vận tải, lưu trú và ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí,…), tăng khoảng 7,7%. Song nhờ thu từ thuế sản phẩm và thu từ hải quan vẫn duy trì mức tăng trưởng khá (8%), tính chung tăng trưởng của khu vực dịch vụ ở mức 7,8%.
Đến quý II, khu vực Nông-Lâm -Thủy sản, sản xuất vụ xuân được mở rộng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ngành chăn nuôi lợn sau một thời gian nỗ lực đã phục hồi và quay trở lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả châu Phi sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số (hơn 15%). 
Khối Doanh nghiệp FDI, các dòng sản phẩm điện thoại mới được tiêu thụ nhiều hơn trong quý sẽ góp phần tăng doanh số của Samsung (bao gồm cả SDV, nhờ màn hình điện thoại sẽ chiếm lĩnh được thị phần do các doanh nghiệp của Trung Quốc gặp khó khăn trong xuất khẩu). Trong đó SEV được kỳ vọng bán ra từ 15-20 triệu chiếc điện thoại Galaxy S20, nên sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong quý này sẽ đạt mức tăng trưởng 10,1%. Khu vực dịch vụ, một số ngành sẽ gia tăng trở lại do nhu cầu sử dụng cho sản xuất lớn hơn, như vận tải kho bãi, tài chính - tín dụng, bất động sản, kinh doanh hàng hóa,… góp phần tăng thu cho ngân sách, nên thu từ thuế sản phẩm, thuế nhập khẩu tăng hơn, dự báo tăng trưởng của khu vực này đạt khoảng 9%.
Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dịch tả lợn châu Phi được khống chế, chăn nuôi lợn hồi phục sẽ khôi phục tổng đàn thì mức tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ tăng cao, đặc biệt trong quý III và quý IV (khoảng 30%). Hiệp định EVFTA sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì hầu hết các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU được hưởng ưu đãi thuế quan, sẽ khuyến khích, thúc đẩy sản xuất trong nước do tăng cầu từ thị trường, đặc biệt là sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ vốn là thế mạnh của Bắc Ninh sẽ tăng mạnh.
Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, theo chu kỳ sản xuất của Samsung sẽ ra mắt dòng sản phẩm mới lần thứ 2 trong năm vào quý III và sản xuất của khu vực dân doanh cũng tăng hơn nhờ các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, nên sản xuất công nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ. Các ngành hưởng lương từ ngân sách tăng cao hơn nhờ tăng lương cơ bản từ tháng 7, hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện cho sản xuất cũng gia tăng, nên khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khoảng 8,8%. Tính chung quý III, dự báo tăng trưởng 8%.
Đến quý IV, khu vực nông nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 9,8%, khu vực công nghiệp theo quy luật sản xuất của khối doanh nghiệp FDI sẽ giảm dần trong 3 tháng cuối năm, tuy nhiên ngành xây dựng sẽ tăng cao hơn trong quý IV. Việc khởi công KCN Yên Phong 2C hồi đầu năm sẽ tạo cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư vào tỉnh, sẽ nâng tổng nguồn vốn đầu tư toàn tỉnh, kéo theo tăng một số ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân trong những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh. Như vậy, quý IV khả năng mức tăng trưởng đạt khoảng 5%.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, nhận diện những thuận lợi và khó khăn, cùng với xây dựng kịch bản cụ thể làm cơ sở để các cấp, ngành tập trung thực hiện các giải pháp sát với thực tiễn, kết hợp với việc triển khai các gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… sẽ giúp Bắc Ninh giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 7%. 

Thái Uyên