Gìn giữ Quan họ truyền thống

01/03/2020 15:57 Số lượt xem: 3657
Quan họ Bắc Ninh-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được nhiều người ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ biết đến bởi không chỉ có lời ca “vang, rền, nền, nảy” làm đắm say lòng người mà còn bởi chứa đựng biết bao nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người Bắc Ninh-Kinh Bắc. Dẫu trong thời kỳ công nghiệp 4.0 hay phát triển hơn nữa thì có lẽ những nét văn hóa ấy cũng sẽ mãi được người dân gìn giữ, phát huy.

Chẳng thể kể hết những nét đặc sắc của Quan họ trong một bài viết nhỏ, ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề gìn giữ Quan họ truyền thống. Tôi có anh bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, cứ nhắc đến Quan họ là muốn về Bắc Ninh-Kinh Bắc. Trong một lần du xuân anh được mời dự canh hát Quan họ cổ ở Viêm Xá (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Từ trước anh chỉ nghe Quan họ trên tivi, internet, trên sân khấu mà chưa được thưởng thức hát đối đáp Quan họ không nhạc đệm loa máy. Sau lần dự canh hát truyền thống anh càng mê mẩn với Quan họ, về nhà tự học hát qua băng, đĩa, trên mạng. Sau này có CLB Quan họ được thành lập trong thành phố Hồ Chí Minh anh liền tham gia để thỏa mãn niềm đam mê, yêu thích và cũng để được học hỏi về Quan họ.
Thực tế, trước kia hát Quan họ truyền thống chỉ có ở các làng Quan họ gốc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Ngày nay hát Quan họ truyền thống đã lan rộng ra các làng Quan họ thực hành, thậm chí sang các tỉnh bạn, tiêu biểu như CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà (Hà Nội). Tình cờ gặp gỡ trong các canh hát Quan họ cổ khi về Bắc Ninh vào các dịp lễ hội, họ đã tập hợp và thành lập CLB Quan họ Nhị Hà với 30 thành viên. Hàng tháng CLB tổ chức hát Quan họ đối đáp tại gia đình các thành viên và thường xuyên đi giao lưu với các CLB Quan họ ở các làng Quan họ cổ như: Hoài Thị (Liên Bão, Tiên Du); Đương Xá (Vạn An, thành phố Bắc Ninh); Ngang Nội (Hiên Vân, Tiên Du)... Là cán bộ trong ngành Y tế nhưng đam mê Quan họ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng đã từng chia sẻ khi chúng tôi gặp anh cùng CLB đến giao lưu tại CLB Quan họ Đương Xá: Quan họ cổ thực sự lời ca sâu sắc, tình tứ, phải tìm hiểu và hát đi hát lại có khi mới hiểu hết được ý nghĩa của câu hát. Quan điểm của các thành viên trong CLB là chỉ hát Quan họ truyền thống và học lối chơi của các nghệ nhân xưa để lại.

 

Hát Quan họ đối đáp tại chương trình hát Quan họ trên thuyền nhằm gìn giữ, phát huy lối hát cổ truyền thống.


Tại các canh hát đối đáp, các liền anh, liền chị trong các CLB Quan họ hiện nay vẫn duy trì hát đủ 5 chặng lề lối cơ bản: La rằng, tình tang, cây gạo, bạn kim lan, cái ả... Đây được coi là sự thành công trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị dân ca Quan họ cổ Bắc Ninh. Có lẽ yếu tố để thu hút sự đam mê học hỏi của các liền anh, liền chị hiện nay là bởi Quan họ cổ thường được hát ở nhịp độ chậm với kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, cách buông câu, nhả chữ sao cho mềm mại, uyển chuyển, vì vậy, không cần nhạc đệm, tăng âm nhưng lời ca Quan họ vẫn vang xa, bay bổng.
Nét đặc trưng riêng có của Quan họ mà không loại hình dân ca nào có đó là tục kết chạ giữa các làng Quan họ cổ. Các bọn Quan họ kết chạ với nhau được truyền từ đời này sang đời khác, gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt. Lối chơi Quan họ được thể hiện rõ nét nhất của các bọn Quan họ kết chạ là khi có hội hè, đình đám, gia đình có việc mời nhau sang chơi. Những năm qua, nhiều làng Quan họ khôi phục lại tục kết chạ. Trước khi vào ngày hội, Quan họ kết chạ sẽ có lời mời nhau sang chơi. Vào ngày chính hội Quan họ chủ đón tiếp Quan họ bạn tại đình làng, sau khi Quan họ bạn làm lễ thánh, hai bên sẽ tổ chức canh hát thờ thần. Hát xong Quan họ chủ mời Quan họ bạn về nhà dự cơm Quan họ, dù nói là đạm bạc nhưng cỗ Quan họ bao giờ cũng là cỗ ba tầng có mâm đan bát đàn. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, Viêm Xá (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Cơm Quan họ dù nhiều món nhưng trong bữa ăn các liền anh, liền chị rất tế nhị, mời nhau bằng lời ca Quan họ sâu đậm nghĩa tình: “Tay tiên nâng chén rượu đào/Sánh ra thời tiếc, uống vào thời say/Tay nâng đĩa muối đĩa gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Trong bữa cơm Quan họ cũng thể hiện sự giao tiếp ứng xử thanh tao lịch lãm của các liền anh, liền chị.
Vào các dịp lễ hội làng, các bọn Quan họ thường hát thâu đêm suốt sáng “ca cho tàn canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày”. Qua lời ca, liền anh, liền chị có dịp giãi bày tâm sự, gửi gắm bao nhớ thương, ước hẹn, đợi chờ. Bọn Quan họ kết bạn với nhau luôn thủy chung son sắt trải từ đời này sang đời khác, dù có yêu quý nhau nhưng tuyệt đối không bao giờ đi quá giới hạn để chạm đến tình yêu đôi lứa và kết hôn. Có lẽ vì thế nên lời ca Quan họ luôn mặn nồng, da diết.
Theo thời gian, cùng với việc gìn giữ những giá trị đặc sắc, độc đáo của Quan họ xưa, Quan họ ngày nay đã lĩnh hội được những cái hay, cái đẹp và biết chắt lọc để phù hợp với thực tiễn, nhưng vẫn giữ được hồn cốt, nét truyền thống riêng có của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đấy cũng là việc làm đáng trân trọng của người Quan họ.

Minh Hường