Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội

16/07/2019 09:22 Số lượt xem: 3304
Sau 17 năm NHCSXH tỉnh đi vào hoạt động phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay công tác cho vay và quản lý nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đã phát huy tối đa hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. 

Tiếp sức hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Một ngày đầu tuần, tại điểm giao dịch xã Việt Hùng (Quế Võ), các Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK &VV) cùng nhiều hộ dân tập trung tại hội trường UBND xã. Đây là điểm giao dịch định kỳ hàng tháng của NHCSXH thực hiện giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi và thu nợ, thu lãi đối với những món vay đến hạn. Bà Nguyễn Thị Chuyển, thôn Can Vũ phấn khởi: “Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Nhờ được vay 20 triệu đồng vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường và 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, đến nay gia đình đã thoát nghèo…”.
Không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Chuyển được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo mà xã Việt Hùng hiện có hơn 700 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế, trang trải học tập cho con em, xây dựng các công trình nước sạch tạo dựng cuộc sống ổn định. Ông Nguyễn Văn Tần, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: “Nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

 Cùng với nguồn vốn từ Trung ương cấp cho NHCSXH tỉnh, đơn vị khai thác, huy động các nguồn lực tài chính khác tại địa phương, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng đạt hơn 2.332 tỷ đồng, tăng 122,5 tỷ đồng so với ngày 31-12-2018, hơn 80.000 lượt hộ còn dư nợ.  Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, NHCSXH tỉnh giúp gần 129 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, nguồn vốn góp phần giúp hơn 18 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hơn 9 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần 8 nghìn lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 182 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng gần 189 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hơn 400 căn nhà cho hộ nghèo... Những con số biết nói này đã khẳng định vai trò nguồn vốn chính sách là lực đẩy lớn giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn.


Gắn kết giữa chính quyền và nhân dân.

 

Danh sách hộ vay vốn và quy trình thủ tục vay vốn đều được công khai tại các điểm giao dịch của NHCSXH.

 



Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới. Sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi mà cấp ủy, chính quyền các cấp dành cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội được cụ thể hóa, như: bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) cấp huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho vay; chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV. 
Đến nay, tổng số thành viên BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh là 217 thành viên, trong đó cấp tỉnh 12 thành viên, cấp huyện 205 thành viên (trong đó số thành viên là chủ tịch UBND cấp xã là 126 người). Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện giao dịch tại 116/126 điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã và có 10 phường, thị trấn giao dịch tại trụ sở NHCSXH với hơn 2.000 Tổ TK&VV hoạt động tại các địa phương góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị-xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn, thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cũng tăng lên đáng kể. 6 tháng đầu năm 2019 ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH hơn 51 tỷ đồng nâng tổng số lên 170 tỷ đồng Bắc Ninh là một trong những địa phương có số vốn từ ngân sách ủy thác cao nhất cả nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, NHCSXH cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hà Linh