Cùng người dân trong chăm sóc sức khỏe

18/09/2019 08:56 Số lượt xem: 3142
Là một trong những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nhằm làm tốt công tác an sinh xã hội, BHYT góp phần bảo đảm cho mọi người dân được thụ hưởng sự công bằng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Những năm qua, Bắc Ninh có nhiều cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân yếu thế, chính sách về BHYT đối với cộng đồng.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về BHYT.

 

Hướng tới đối tượng đặc thù

“Đã nghèo lại gặp cái eo… viện phí” là chia sẻ chung của không ít những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải điều trị dài ngày hoặc bằng các kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Ở những lần gặp gỡ, trao đổi với họ, tấm thẻ BHYT thật sự là cứu cánh bởi đã san sẻ phần lớn chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân và gia đình.
Bệnh nhân Nguyễn Tất Đạo ở Tân Hồng (Từ Sơn) bị suy thận phải lọc máu chu kỳ 3 năm nay chia sẻ: “Dù mức lương hưu 4 triệu/tháng, tôi cũng không thể đủ chi phí chạy thận định kỳ 3 lần/tuần nếu không có BHYT bởi chỉ riêng viện phí đã lên tới trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Chính BHYT duy trì sự sống cho chúng tôi”.
Bệnh nhân Trần Văn Quýnh ở Quế Tân (Quế Võ) bị bệnh nhược cơ nhiều năm nay và từng phải tiến hành thay huyết tương 2 lần vào các năm 2014 và 2017 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bà Đỗ Thị Vang, vợ bệnh nhân cho hay: “Năm 2014, khi BHYT chưa chi trả cho kỹ thuật này, một đợt thay huyết tương của ông nhà tôi tốn khoảng 50 triệu, khi đó gia đình xoay sở rất vất vả, vì thế khi được  quan tâm, cấp thẻ BHYT, chúng tôi rất mừng. Tính đến nay, 16, 17 năm bị bệnh, ông nhà tôi sống được là nhờ thuốc, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền, nếu không có BHYT cũng chẳng biết thế nào nữa. Đợt nhược cơ cấp phải thay huyết tương được thực hiện tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào giữa tháng 7 vừa qua, nhờ có BHYT, gia đình tôi đỡ được mấy trăm triệu đồng”.
Những trường hợp phải điều trị dài ngày và bằng các kỹ thuật cao ở khoa Hồi sức tích cực không phải là hiếm. Đó là lý do vì sao các bệnh nhân vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm “xương máu”: Khi đã vào khoa Hồi sức tích cực thì bệnh nhân giàu cũng thành người nghèo, bệnh nhân nghèo thì khánh kiệt, lại mang thêm nợ nần nếu không có thẻ BHYT.
Nhằm đưa Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn, Bắc Ninh xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể giao cho các ngành, các cấp. Bằng sự thấu hiểu, nhiều chính sách đặc thù của riêng Bắc Ninh được ban hành nhằm chăm lo, hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế tham gia BHYT như: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi trên địa bàn tỉnh (sớm hơn 15 tuổi so với quy định của Nhà nước), hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo (mức quy định của Nhà nước là 70%); hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đảng viên dưới 75 tuổi được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, hỗ trợ 85% mức đóng BHXH tự nguyện và BHYT cho đối tượng công an viên. Mới đây, BHXH tỉnh cũng đề xuất với tỉnh tiếp tục hỗ trợ một số đối tượng.
Sự hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của tỉnh góp phần giúp Bắc Ninh tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt hơn 91% dân số, cao hơn mức bình quân của cả nước. Việc nhiều người dân có thẻ BHYT đồng nghĩa với việc sẽ được quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

BHYT chi trả chi phí nhiều kỹ thuật cao, do đó chia sẻ với người bệnh phần lớn gánh nặng viện phí.
Ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Thị xã Từ Sơn.


Chưa hết khó khăn
Cũng như nhiều địa phương khác, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Mặc dù kết quả đạt được cao hơn mức bình quân của cả nước song không bền vững, do vậy làm thế nào để phát triển đối tượng tham gia BHYT đang là bài toán cần lời giải đối với các cấp, ngành và toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng BHXH tỉnh thì việc phát triển đối tượng tham gia BHYT ở những phần trăm còn lại chưa tham gia là rất khó khăn bởi hầu hết đây đều là những người không thuộc diện được hỗ trợ tham gia BHYT. Trong số đó, nhiều người còn gặp khó khăn về kinh tế hoặc mặc dù đã được tuyên truyền, vận động song hiểu chưa hết quyền lợi và trách nhiệm nên chưa tham gia. Trong thực hiện chính sách tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHYT vẫn còn xảy ra, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tạo ra sự bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, việc xử lý hình sự các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói chung, trong đó có BHYT còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đủ sức răn đe.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT được tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, do đó một bộ phận nhỏ người dân có điều kiện kinh tế không tham gia BHYT mà tham gia loại hình bảo hiểm thương mại mặc dù chi phí cao gấp nhiều lần với mong muốn được khám, chữa bệnh chất lượng cao… Đây là những khó khăn rất cần sớm khắc phục để việc thực hiện chính sách BHYT đạt hiệu quả hơn.
Chính sách BHYT thực sự có vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp và sự chủ động tham gia của mỗi người dân. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành hữu quan cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp và nhóm giải pháp như: Tập trung rà soát, nắm chắc số liệu các nhóm đối tượng tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu giao thực hiện vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm; xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHYT; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao trên 3 tiêu chí: Phát triển đối tượng, số tiền thu, giảm nợ đọng dưới mức quy định. Đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn để người dân hiểu được những lợi ích thiết thực và tin tưởng khi tham gia BHYT, phấn đấu thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện thủ tục tham gia và quản lý, thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh nhất là các trạm y tế tuyến xã; nâng cao năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh BHYT của nhân dân.

Lê Đại-Nguyễn Huệ