Con dao của người cựu tù yêu nước

06/07/2018 09:03 Số lượt xem: 3754
Đến Bảo tàng tỉnh đúng dịp diễn ra cuộc triển lãm: “Sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày”, chúng tôi không khỏi nao lòng trước con dao của người cựu tù yêu nước Vũ Văn Kim (Vũ Kim) quê xã Bút Tháp, huyện Thuận Thành tự tạo trong nhà tù đế quốc dùng để đòi quyền sống cho đồng đội.

 

Tháng 2 năm 1973, các đồng đội của Vũ Kim không may bị sa vào tay giặc, được trao trả tự do. Một năm sau Vũ Kim vẫn bị nhà cầm quyền Sài Gòn giam giữ. Vũ Kim thuộc đối tượng “nhóm nhân viên quân sự” địch trù tính làm con bài trong ý đồ trao đổi chứ không trao trả như điều 8C và nội dung Nghị định thư của Hiệp định Pari 1973. Vốn là lính trinh sát đặc công, những năm tháng bị giam cầm ở Phú Quốc, Cần Thơ, ngoài việc trực tiếp tham gia các hoạt động của tổ chức Đảng và tập thể đồng hương Hà Bắc, ý nguyện vượt ngục luôn là tham vọng cháy bỏng của Vũ Kim. Lợi dụng lịch hàng ngày giám thị cho khênh rác trại giam đi đổ vào các buổi chiều, Vũ Kim và Nguyễn Văn Phụng (quê xã Đại Xuân, huyện Quế Võ) ém mình vào thùng rồi phủ rác lên đợi đồng đội khiêng ra bìa rừng đổ, đêm tối sẽ trốn, nhưng do địch đột ngột hoãn giờ đi đổ rác vào sáng hôm sau nên cả hai lại chui ra chờ dịp khác. Vẫn hình thức vượt ngục này tiếp tục bố trí cho hai đồng chí khác trong đó có Nguyễn Văn Trường (quê Tam Sơn, Từ Sơn) đã thành công.

Từ tháng 2-1971 chớp thời cơ cai ngục cho đào một hố rác to và sâu trong phân khu giam B5-Trại giam Phú Quốc, nhóm tù binh của Vũ Kim bí mật nửa đêm vận dụng chiến thuật đặc công tiền nhập xuống hố rác đào đường hầm qua 13 lớp hàng rào, sắp thành công thì bị mật vụ của địch (trong trại giam) chỉ điểm, địch phát hiện. Đêm 2-3-1971 anh đã bị chúng bắt khi đang trong đường hầm. Bị tra tấn nhốt chuồng cọp phân khu giam D5, A6 suốt cả tháng trời, khi hết hình phạt nằm chuồng cọp, vào lại trại B5 đúng dịp ban bảo mật cho biết đã phát hiện và quyết định trừng trị tên mật vụ M, Vũ Kim cùng hai đồng đội trong tổ nhận đào hầm đã có sổ đen của giám thị mặc dù không ra tay giết nhưng đã tự nguyện (bí mật báo cáo với tổ chức) công khai đứng ra nhận mọi trách nhiệm vụ án mạng trước giám thị. Sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình tra khảo, mục đích là để bảo vệ tổ chức, không để kẻ địch lấy cớ đàn áp, tạo điều kiện để các đồng chí chưa bị lộ tiếp tục nhiệm vụ. Những ngày bị giam cầm sau đó Vũ Kim còn  bí mật đào 3 chiếc hầm nữa nhưng do đối sách liên tục chuyển trại của cai ngục nên những chiếc hầm đào đều bị dang dở. Những chiến sỹ diệt ác (cụm từ chỉ bọn mật vụ-phản bội) ở Trại giam tù binh Phú Quốc lộ diện ngay sau đó đã bị Bộ Chỉ huy trại giam và nhà cầm quyền Sài Gòn tước quyền tù binh, truy tố về tội cố sát và đưa về xét xử tại tòa án quân sự vùng IV chiến thuật (Cần Thơ). Riêng vụ của Vũ Kim chúng phải xử tới 3 phiên tòa bởi các anh đã lấy tòa án quân sự của địch làm diễn đàn tố cáo tội ác và chế độ nhà tù vô nhân đạo. Ngày 24-1-1972 tại phiên tòa thứ 3 bất chấp công lý, kể cả lời biện hộ sắc bén của luật sư, tòa vẫn tuyên án Vũ Kim và cả nhóm mức án 7 năm lưu đày biệt xứ đưa về khám Chí Hòa sau đó đày ra Côn Đảo.

Ngày 11-7-1972 tại căng 12 trại 5 Côn Đảo, Vũ Kim cùng 53 đồng đội tay không đã quyết tử chống lại cuộc đàn áp đẫm máu của bọn cai ngục và khoảng 180 tên an ninh trật tự của nhà tù Côn Đảo trang bị đầy đủ dao gậy, mù cay. Kết quả 34/54 người tù bị thương rất nặng, song chúng phải di chuyển cả 54 người về căng 2 nơi trước kia thực dân Pháp từng giam giữ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cuộc đấu tranh tiếp diễn đến ngày 24-3-1973 thì cả 54 người được trả lại quyền là tù binh, được đưa về đất liền- trại giam Biên Hòa. Tại đây có số anh em tù binh mới bị giặc bắt sau hiệp định, bị ép vào trại chiêu hồi (tân sinh hoạt) để sẽ không thuộc diện trao trả cho phía cách mạng. Vũ Kim lại cùng đồng đội vạch trần âm mưu của chúng, cứu được hàng trăm chiến sĩ ra khỏi trại chiêu hồi.

Trên tinh thần tự nguyện, chi bộ thành lập đội quyết tử dưới sự chỉ đạo của Vũ  Kim, sẵn sàng hy sinh cho tập thể đấu tranh thắng lợi, đội bí mật chế được ba con dao nhỏ từ nắp camen. Cuộc tuyệt thực đòi trả tự do theo tinh thần của hiệp định Pari 1973 diễn ra qua 7 ngày, sức khỏe đại đa số giám sút trầm trọng, thùng nước tiểu đỏ máu, các cơ thể bất động, một vài người sinh mạng trong trạng thái báo động, không khí lo lắng nặng nề; sang ngày thứ 8 viên Thiếu tá Hoạt, Chỉ huy trưởng trại giam vẫn không đáp ứng yêu sách, còn cùng lính giả dạng bác sĩ vào trợ sức các tù nhân kiệt sức, xé lẻ, rồi định khiêng mỗi người đi mỗi nơi nhằm vô hiệu hóa mục tiêu tuyệt thực. Như kế hoạch đã vạch ra, hai tù binh là Trần Thư và Vũ  Kim cùng đứng lên hét to: “Các người hãy nhìn đây”. Lưỡi dao trong tay Trần Thư dài tới 15 cm vung lên khiến đối phương  nghĩ mình bị truy sát, tên nào tên nấy tháo chạy, rơi mũ, Thiếu tá Hoạt cũng bị bật khỏi túi chiếc bút máy kỷ vật. Vũ Kim dõng dạc nói: “Các người hãy nghe đây, cuộc đấu tranh tuyệt thực của chúng tôi sang ngày thứ 8 vẫn chưa được Bộ chỉ huy giải quyết, còn cố tình tìm cách giết dần, giết mòn. Chúng tôi cực lực tố cáo chế độ dã man của nhà cầm quyền Sài Gòn! Đả đảo nhà cầm quyền không nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Pari, không chịu trao trả hết tù binh...”. Nghe đến đó Trần Thư vung dao tự đâm thẳng vào bụng mình. Dứt lời, Vũ Kim cũng vạch bụng, rồi dùng lưỡi dao nhỏ dài hơn 10 cm, rạch lia lịa trên da thịt. Sự dũng cảm tố cáo, dũng cảm hy sinh cho yêu sách của cuộc đấu tranh tuyệt thực đã tạo nên khí thế quyết tử của cả phòng biệt giam, cả 70 tù binh trở thành bức thành lũy hừng hực căm hờn, sẵn sàng hy sinh bảo vệ không cho quân cảnh quay lại đòi đưa đi cấp cứu hai người đang bị trọng thương. Những người tù khẳng khái trả lời chúng: Chỉ có nghiêm chỉnh thực hiện hiệp định Pari trao trả hết tù binh mới chính là hành động cấp cứu thực sự. Phía quân cảnh giám thị buộc phải báo cáo tình hình về Sài Gòn. Sau một ngày căng thẳng, cuộc đấu tranh đã đạt mục đích, ngày 7-3-1974 Sài Gòn buộc phải trao trả toàn bộ số tù binh biệt giam về với phía cách mạng. Cuộc đấu tranh thắng lợi, vượt qua cái chết, ra tù Vũ Kim được tặng thưởng  Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Sau khi Nhà nước có Nghị định 28-CP/ngày 29-4-1995 về chế độ đãi ngộ với người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, từ làng Bút Tháp, độ tuổi 50 ông Vũ Kim đạp xe đi các huyện trong tỉnh Bắc Ninh gặp gỡ các cựu tù binh Phú Quốc bàn bạc việc thành lập Hội, mục đích chính là nhằm thiết thực có những hoạt động tích cực để đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng thời chia sẻ, động viên nhau vượt lên những khó khăn trong cuộc sống. Hai năm sau, UBND tỉnh cho phép thành lập Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tu đày tỉnh Bắc Ninh do ông Vũ  Kim là Chủ tịch. Ông Vũ  Kim chia sẻ: “Khi đối diện với những cảnh tra tấn thừa sống, thiếu chết như tra điện, đổ nước xà phòng, quất roi cá đuối, đi tàu thủy, tàu ngầm, tàu bay, giam chuồng cọp... có lúc trong đầu tôi thoáng nghĩ đến cái chết cho nhẹ nhàng. Nhưng chết như thế là vô nghĩa, là có lỗi với Tổ quốc. Chúng tôi quyết sống hiên ngang, hoạt động cách mạng ở ngay trong tù…”.

Ngày 30-3-2018 Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có Thông báo số 928/TB/TU về việc cho phép xây dựng đề án mô phỏng hình tượng chân thực những tấm gương tiêu biểu người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày. Trong đó, con dao của người cựu tù yêu nước Vũ Kim chính là một điểm nhấn để xã hội tôn vinh, lớp trẻ học tập. Lưỡi dao chứng tích lịch sử ấy quân thù không cho các tù binh đem về khi chúng buộc phải trao trả nhưng nó vẫn bất biến trường tồn trong lòng đồng đội, đồng chí, đồng bào. Nó đã được chính đôi bàn tay từng cầm súng nay cầm bút- kỹ sư cơ khí nông nghiệp Vũ  Kim phục chế. 

Mai Hoàng Hanh