Chuyện chưa kể về những người làm y tế dự phòng

27/09/2022 08:48 Số lượt xem: 1358
Dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát do sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm khác như: Tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm… có xu hướng gia tăng. Điều đó đồng nghĩa với việc cán bộ y tế dự phòng luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường đến ổ dịch điều tra, giám sát, khoanh vùng, triển khai các biện pháp khống chế, dập dịch. Không trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân nhưng góp phần quan trọng bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, công việc của họ vẫn luôn thầm lặng như thế.

 

Dự phòng “đi trước về sau” - câu nói này thật đúng với các cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn chống dịch COVID-19 đầy cam go suốt gần 3 năm qua. Lúc “sóng” dịch dữ dội nhất, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin còn thấp, việc điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm với yêu cầu thần tốc đã trở thành ký ức không quên đối với mỗi “chiến sỹ” trên tuyến đầu chống dịch. “Những ngày đó, ngày cũng như đêm, cứ sau khi có lệnh điều động, muộn nhất 30 phút phải có mặt để xuất phát. Với cán bộ, nhân viên y tế dự phòng, những đêm 2-3 giờ sáng vẫn ở ổ dịch là chuyện hết sức bình thường” - ông Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ.
Khi dịch COVID-19 tạm lắng, các dịch bệnh truyền nhiễm khác lại rải rác xuất hiện, có xu hướng gia tăng. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện nay, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Hà, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, côn trùng nhắc đến một ổ dịch có đến 14 ca sốt xuất huyết mới đây. Theo đó, sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn các biện pháp phòng dịch vì nguy cơ lây truyền rất cao, một số gia đình trong khu vực vẫn không thực hiện, điều này khiến ngành Y tế rất vất vả. Bác sĩ Hà nhấn mạnh “Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như: Vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng... là biện pháp chủ động phòng dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Yếu tố quan trọng nhất đối với công tác phòng dịch sốt xuất huyết là ý thức của người dân”.

 

Nhân viên y tế “truy tìm” loăng quăng, bọ gậy tại một ổ dịch sốt xuất huyết.

 


Y sỹ vệ sinh phòng dịch Phạm Văn Hạnh - người có 12 năm gắn bó với công tác y tế dự phòng, trải qua nhiều khoa, phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trước khi về khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, côn trùng, ở cùng đồng nghiệp khoa khác tham gia các chương trình khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp tại cộng đồng. Y sỹ Hạnh kể: “Cả tỉnh có 126 xã, phường, thị trấn, tôi đều đã đặt chân đến. Trong 3 năm liền 2014, 2015, 2016, khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, mỗi tuần 3-4 buổi, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, cứ đúng 5 giờ sáng là chúng tôi có mặt tại trạm y tế để làm test nhanh phát hiện sớm đái tháo đường cho người dân. Tại sao lại phải sớm như vậy? Vì đây là thời gian xét nghiệm đúng khoảng cách bữa ăn tối hôm trước và cho kết quả xét nghiệm chuẩn xác nhất. Không ít trường hợp được phát hiện sớm nhờ chương trình sàng lọc này”.
Vất vả là thế, song theo anh Hạnh, gần 3 năm chống dịch COVID-19 vừa qua mới thực sự là những năm tháng không quên. Sau những chuyến đi Đà Nẵng đón công dân trong chương trình giải cứu, lên cửa khẩu Hữu Nghị, sân bay Vân Đồn, Nội Bài đón chuyên gia nước ngoài đưa đến các khu cách ly tập trung… hay những ngày xuyên đêm cùng đồng nghiệp truy vết, lấy mẫu, anh không dám gần con vì biết có thể mình đã mang theo mầm bệnh về nhà.
Còn có một câu chuyện buồn liên quan đến y sỹ Hạnh mà nếu các đồng nghiệp không nói ra, anh tuyệt nhiên không nhắc tới. Một ngày cuối tháng 5-2021- thời điểm đợt dịch thứ 4 liên quan đến ổ dịch Mão Điền (Thuận Thành) đang căng thẳng nhất, khoảng 7 giờ tối, anh Hạnh cùng đồng nghiệp đang thực hiện các biện pháp truy vết các ca bệnh thì nhận được thông tin từ người nhà vợ bị ngã, chấn thương nặng. Anh vội vã về đưa vợ đi cấp cứu, bác sĩ nói vợ anh phải phẫu thuật ngay vì chấn thương nghiêm trọng ở cột sống, nguy cơ cao bị liệt. Khi ấy, đứa bé nhất mới được 6 tháng tuổi, mọi việc lớn bé trong nhà đều trông chờ vào ông bà ngoại. “Sau phẫu thuật, các bác sĩ nói phải chờ thời gian để đánh giá khả năng phục hồi của vợ tôi, vì nguy cơ liệt hai chân là rất cao. May mắn là sau 2 tháng, cô ấy đã có thể tập đi, chính các bác sỹ cũng bất ngờ về kỳ tích này” - anh Hạnh nhớ lại.
Cán bộ, nhân viên y tế dự phòng vất vả là thế, nhưng hiện thù lao của họ được cho là chưa tương xứng, khó khăn trong bảo đảm kinh tế đời sống. Một bác sĩ dự phòng vừa tốt nghiệp đại học tổng thu nhập từ lương, phụ cấp mỗi tháng được khoảng 5,6 triệu đồng; một y sỹ dự phòng sau 12 năm đi làm như anh Hạnh tổng số tiền được lĩnh hằng tháng chưa đầy 7 triệu đồng. Nhân viên y tế dự phòng cũng ít có cơ hội làm thêm ngoài giờ hơn bác sĩ điều trị. Thu nhập thấp, trong khi áp lực công việc lớn, không có thời gian chăm sóc gia đình - đây cũng được biết đến là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc trên cả nước trong thời gian qua.

Việt Hoa