Chông chênh nhịp phách, tiếng đàn...

21/05/2020 20:21 Số lượt xem: 6364
Sau hơn 10 năm trở thành di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, nghệ thuật ca trù được phục hồi với sự ra đời của một số câu lạc bộ, đào kép các thế hệ hồ hởi luyện hơi, luyện ngón, thực hành truyền dạy, nối nhịp sênh phách. Từ chỗ bị quay lưng, ca trù dần tìm lại chỗ đứng trong đời sống xã hội.

Tưởng rằng như thế rồi ca trù sẽ “đổ hột” phách giòn, nhưng niềm phấn chấn rộn ràng gợn lên chưa bao lâu lại trầm lắng. Lời thơ, nhịp phách, tiếng đàn ca trù vốn man mác buồn, nay vẫn ngẩn ngơ ngậm “mối sầu tuôn” đầy hoang hoải chông chênh...

CLB Ca trù Thanh Tương (xã Thanh Khương, Thuận Thành) biểu diễn tại Liên hoan đàn hát dân ca tỉnh Bắc Ninh năm 2019.

 

Thiếu thầy, thiếu cả trò
Bắc Ninh hiện có ba địa phương còn lưu giữ và thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát ca trù là: CLB Ca trù thôn Thanh Tương (xã Thanh Khương, Thuận Thành); CLB Ca trù Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình); CLB Ca trù Thượng Thôn (xã Đông Tiến, Yên Phong) và mới đây xuất hiện thêm CLB Ca trù Bắc Ninh. Có gần 100 người tham gia sinh hoạt trong các CLB Ca trù, tuy nhiên độ tuổi trung bình đều ở ngưỡng trên 60 tuổi, hội viên trẻ rất ít, còn 3 nghệ nhân có khả năng truyền dạy nhưng đều tuổi cao, sức yếu.
Nhìn bề ngoài phong trào khá sôi động nhưng mỗi đào nương hay kép hát ngày nay không thể nói là một nghề mà chỉ có thể là những người trót yêu và cố gắng thực hành cho thỏa niềm yêu mà thôi. Hầu hết người hát ca trù ở các CLB trong tỉnh đều không được đào tạo theo đúng trình tự nghiêm ngặt như xưa mà chỉ dựa vào trí nhớ lõm bõm của một vài nghệ nhân cao tuổi rồi biết đến đâu truyền miệng đến đó. Thiếu người truyền dạy nên các thể cách, tư liệu, nghi lễ liên quan cũng mai một thất truyền và vì thế để tìm được một người có khả năng biểu diễn phục vụ khán giả đã khó, chưa nói đến chuyện sản sinh một thế hệ đào, kép có nghề.
Mới đây, dù hẹn trước nhưng khi về CLB Ca trù Tiểu Than, ngồi chờ cả buổi mà ông Nguyễn Thiết Khởi, Phó Chủ nhiệm CLB vẫn không thể giúp chúng tôi gặp được ca nương. Là bởi vì, trong CLB chỉ có 2 người hát được một vài thể cách nhưng họ đều phải tạm gác đam mê để lao động xa nhà. Sang Yên Phong vào đúng dịp sinh hoạt của CLB Ca trù Thượng Thôn, tuy có may mắn được gặp trò chuyện với 5-7 ca nương nhưng vì nghỉ dịch Covid-19, suốt mấy tháng liền đào kép không luyện hơi, luyện ngón nên CLB cũng chưa thể tổ chức canh hát.

Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng phân tích tinh tế về cách thức và vai trò của người cầm trống chầu Ca trù: Việc đánh trống chầu là hình thức chia sẻ phần đệm cho người nghe, thử cái tài tri âm của khán giả, cũng là ngón nghề riêng kén khách của ca trù. Người đánh trống chầu có kết nối được với ca nương đến mức độ nào, thì buổi trình diễn thành công đến mức độ đó, và hơn nữa không phải là đánh theo tai nghe mà đánh theo cái cảm thức thẩm âm của mình, giống như mình đang trình diễn với ca nương chứ không phải chỉ là người đệm cho họ. Thời này có lẽ không còn cả ca nương lẫn khán giả tri âm như vậy.


Chung cảnh sinh hoạt ca trù ảm đạm vì thiếu ca nương, liên hệ với CLB Ca trù Thanh Tương nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp ngoài 90 tuổi sức yếu không thể hát, người hát tốt nhất của CLB bây giờ là ca nương Trần Thị Tuyến, người ở xã Gia Đông vì yêu ca trù mà tham gia sinh hoạt tại Thanh Khương để học hỏi nghệ nhân song chị cũng bận công tác. Được biết, trước đây CLB Ca trù Thanh Tương còn có ca nương trẻ Thanh Tân đầy triển vọng, chất giọng đẹp, thanh sắc đều duyên dáng, được xem như một “hạt mầm quý hiếm”. Ấy thế mà ca trù vẫn không thể níu giữ để ca nương trẻ “chảy máu” sang nghệ thuật chèo. Quả nhiên, người đi, ừ nhỉ... người đi thật!
Là loại hình diễn xướng đạt đến trình độ cao về nghệ thuật thơ nhạc nên để trở thành một ca nương đòi hỏi phải có hành trình dài nhọc nhằn, chuyên tâm khổ luyện. Bởi học một câu hát có khi cả năm mới thuộc, lại còn rất nhiều kĩ năng “ém hơi, nhả chữ, buông câu”, gieo phách, tai còn phải biết nghe đàn... Vì vậy, cũng có nhiều người yêu thích nhưng sau một thời gian miệt mài theo học lại chọn “lối rẽ” khác. Ca nương Kim Tuyến ở Thuận Thành bộc bạch: Năm 2019, tôi động viên được hơn 20 người tham gia lớp học hát ca trù do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại Thuận Thành. Họ đều là những “nghệ sĩ nông dân” đam mê văn nghệ, yêu vốn cổ ông cha nhưng qua mấy buổi học thấy ca trù khó quá thế là nghỉ dần, còn lại chưa đến 10 người cố gắng theo được đến buổi cuối cùng!
Kén người nghe
Trong kho tàng âm nhạc và ca xướng truyền thống Việt Nam, ca trù có vị trí đặc biệt, là nghệ thuật nửa dân gian nửa bác học mà người thưởng ngoạn xưa phần nhiều ở trong cung vua, phủ chúa, nhà quan, những tài tử văn nhân, trí thức, phần nhỏ là tầng lớp bình dân... Người ta coi ca trù là cuộc trò chuyện của cảm xúc giữa người nghệ sĩ với người thưởng lãm cho nên ca trù trở thành “thứ âm nhạc không thể ký âm”. Việc học ca trù đã khó mà người nghe cũng kén. Phải am hiểu thơ văn, sành âm nhạc, yêu văn hóa ca trù lắm mới trở thành những khán giả tri âm tri kỉ của đào, kép.

“Bộ ba bất biến” tạo nên vẻ đẹp của Ca trù nay đang thiếu nhân vật trung tâm là đào nương.

Ông Nguyễn Thiết Khởi, Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Tiểu Than bộc bạch, mỗi năm có độ mươi suất diễn nhưng chúng tôi phục vụ nhiều đối tượng lắm. Ngồi nghe có đủ các tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai, nông dân, cán bộ... Sơ sơ vậy chứ khán giả thực sự, khán giả ruột thì không biết gồm những ai?!
Bây giờ, ai hát, ai nghe ca trù? Câu hỏi ấy cứ lẩn quẩn trong dòng suy tư về câu chuyện gìn giữ di sản ca trù. Nghệ thuật truyền thống muốn sống phải có đất để thực hành diễn xướng, mà nhiều khi có đất diễn nhưng thiếu khán giả. Đi tìm khán giả thực sự say mê ca trù hiện nay quá hiếm. Phong trào tuy có mở rộng nhưng về cơ bản là tự bảo nhau đàn hát thi thoảng vui hội, vui hè bằng kinh phí tự đóng góp. Họa lắm mới có người mời đến hát khao thọ hoặc khánh thành đình, đền, chùa...
Nhìn qua nhìn lại, sau hơn 10 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì ca trù vẫn là chuyện “trong nhà hát cho nhau nghe”. Nhiều lần ngồi dưới hàng ghế khán giả của các kỳ liên hoan, hội diễn đàn hát dân ca, chúng tôi hiểu rất rõ, khán giả của ca trù hầu hết đều là các nghệ sĩ vừa bước xuống từ sân khấu hoặc chờ đến lượt biểu biễn. Một vài canh hát phục vụ sự kiện, việc làng, việc xã thì phần nhiều là “khán giả bất đắc dĩ”, họ phải nghe vì trách nhiệm chứ mấy người vì yêu thích ca trù mà đến, lại càng hiếm ai sẵn sàng chi tiền “thả thẻ” thưởng cho đào kép giống người xưa!
Vẫn mãi... “ngậm hơi”?!
Sau những nô nức mong đợi liên hoan, hội diễn hoặc một vài canh hát phục vụ việc làng, việc xã, các ca nương, kép đàn lại trở về tất bật mưu sinh. Giờ đây, nắm giữ di sản ca trù còn lại toàn người tuổi cao trót say mê thì cố gắng gìn giữ song cũng chỉ là những cá nhân nhỏ nhoi, mong manh nên họ chẳng thể biết mình còn có thể yêu ca trù đến khi nào, dù biết rằng vốn cha ông đang cần phải bảo vệ khẩn cấp. Mặc dù các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương cũng luôn quan tâm, tạo đất diễn cho nghệ thuật ca trù. Song những ca nương, đào kép của các CLB Ca trù ở Bắc Ninh vẫn cảm thấy như bị bỏ rơi và chạnh lòng khi so sánh với Dân ca Quan họ. Hỏi rằng, tại sao cùng là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh trong một đợt, chỉ cách nhau mấy tiếng đồng hồ thế mà việc đầu tư bảo tồn hai di sản này lại khác nhau một trời một vực. Trong khi Dân ca Quan họ được chăm sóc toàn diện, thì Ca trù vẫn cứ ngậm ngùi “vò võ phòng hương” chẳng khác nào “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”!?

Tại sao vô để cầm - đàn không đáy lại gọi là đàn đáy?
Đàn đáy, còn gọi vô để cầm là nhạc cụ độc đáo dành riêng cho nghệ thuật ca trù. Khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu được biết, thời Lê, Đinh Lễ chế ra một cái đàn không có đáy để gẩy theo điệu hát ả đào, khúc hát cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không có đáy. Sau này, người ta bỏ chữ không chỉ còn chữ đáy, lâu ngày gọi tắt là đàn đáy. Song theo một số nhà nghiên cứu, vô để-không đáy, không phải là để chỉ nhạc cụ không có đáy mà là lối đàn ca bất tận, xuống được các thanh âm trầm vô hạn, đó chính là kỹ thuật hát giữ hơi, giữ lời bên trong họng trước khi câu hát đã nhả ra nên cổ họng ca nương mới phát ra những âm thanh ứ hự... Do đó, khái niệm đáy ở đây để chỉ thanh âm không có vực kết thúc và lúc đó cây đàn đáy, cũng lựa theo âm vang tự động do kỹ thuật giữ hơi mà đệm ngân theo. Đây chính là ưu điểm của cây đàn đáy.


Thực tế, không phải Bắc Ninh thiếu quan tâm ca trù, tỉnh đã có Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020. Đề án gồm 5 tiểu dự án, trong đó có 2 tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Ca trù với tổng kinh phí là 5 tỷ đồng. Hai tiểu dự án gồm: Sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Ca trù tại Bắc Ninh và truyền dạy hát ca trù tại cộng đồng, kinh phí 2 tỷ đồng; đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan đến Ca trù, kinh phí 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các tiểu dự án này đạt mức độ nào thì đến nay chưa có đánh giá cụ thể.
Mong mỏi tha thiết của ca nương, kép đàn, quan viên vẫn đang nặng lòng gìn giữ di sản ca trù là hàng năm có một nguồn kinh phí hỗ trợ ổn định để sinh hoạt, từ đó mới hy vọng khuyến khích và nuôi giữ thế hệ kế cận. Thực tế là ai cũng cần phải sống. Gìn giữ nghệ thuật truyền thống nếu chỉ trông chờ vào tấm lòng nghệ nhân thôi thì rất khó! Bên cạnh đó, muốn phát huy giá trị di sản, quan trọng nhất là phải tìm khán giả, tạo khán giả cho ca trù bằng nguồn kinh phí ổn định, có thể đầu tư trực tiếp xuống các câu lạc bộ hoặc qua hệ thống giáo dục để đào tạo lớp người nghe ca trù mới. Bởi chỉ khi hiểu thế nào là nhịp phách, thế nào là cách “đổ hột” của đào nương thì mới mong người ta nghe rồi sau đó sẽ yêu thích, say mê ca trù...

Ghi chép của Thuận Cẩm