Bảo đảm năng suất lúa mùa

19/09/2018 09:23 Số lượt xem: 924
Thời điểm này, hầu hết diện tích lúa mùa đang ở vào giai đoạn trỗ bông, đông sữa, chắc xanh đến chín. Tuy nhiên, trên đồng ruộng, nhiều loại sâu, bệnh phát sinh, phát triển có khả năng gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất nếu không được phòng, trừ kịp thời.

Nông dân xã Phú Hòa (Lương Tài) phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Những ngày này, cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT,  Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiên Du  thường xuyên có mặt tại đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ) để kiểm tra, phát hiện tình hình sâu, bệnh gây hại trên lúa để thông báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ. Bà Bùi Thị Vân, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: “Hiện nay, trên toàn huyện có hơn 300ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông, đen lép hạt, rầy nâu, rầy lưng trắng, ngoài ra một số diện tích đang phát sinh sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu đục thân 2 chấm lứa 5. Để nông dân phòng, trừ kịp thời diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp & PTNT thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn thông báo kịp thời diễn biến của sâu bệnh, khuyến cáo nông dân phòng, trừ hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”. 

Theo hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiên Du, hiện nay nông dân đang tập trung phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa. Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Vĩnh Phục, xã Phú Lâm cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 8 sào lúa gồm các giống: TBR225, Nếp 9603, C70. Được cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn, tôi thực hiện các biện pháp phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, hiện nay gia đình đang tiếp tục phòng, trừ rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6 và chủ động phòng bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân 2 chấm lứa 5”.
Tại những cánh đồng lúa của huyện Quế Võ, thoạt nhìn cây lúa phát triển khá tốt, đồng đều. Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Khiết, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, dù lúa có thể đang phát triển rất tốt, nhưng nếu chủ quan đối với những diễn biến phát sinh phức tạp, khó lường của thời tiết, sâu bệnh bùng phát mạnh dẫn đến giảm năng suất, có thể là mất trắng trên diện rộng. Thực tế, khi lội xuống ruộng chúng tôi mới phát hiện ra nhiều loại sâu, bệnh với những biểu hiện đặc trưng. 
Qua kết quả thăm đồng kiểm tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, đến ngày 25-9, toàn huyện có gần 1.000 ha lúa mùa bị nhiễm sâu, bệnh, trong đó chủ yếu nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm... Được sự hướng dẫn kịp thời của trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, đến nay nông dân các xã, thị trấn tiến hành phòng, trừ các loại sâu, bệnh trên được hơn 2.000 ha bằng những loại thuốc đặc hiệu. Khuyến cáo của ngành Bảo vệ thực vật, từ nay đến cuối vụ, nông dân cần lưu ý phòng, trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu đục thân 2 chấm lứa 5 đối với những diện tích lúa trỗ muộn chú ý phòng trừ rầy nâu - rầy lưng trắng.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới, trên lúa mùa, rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 7, rầy cám tiếp tục nở rộ và sẽ gia tăng mật độ gây hại trên các trà lúa, đặc biệt trên giống lúa như nếp các loại, Bắc thơm số 7... khả năng gây cháy cục bộ chòm ổ trên lúa giai đoạn chắc xanh đến chín. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 khả năng xuất hiện gây hại trên diện tích lúa làm đòng - trỗ, cục bộ có diện tích bị trắng lá. Sâu đục thân hai chấm lứa 5 trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng trên lúa muộn giai đoạn đòng già - thấp tho trỗ. Bệnh bạc lá tiếp tục gây hại trên các giống nhiễm như: lúa lai, TBR225, tẻ thơm, bắc thơm số 7. Bệnh đạo ôn cổ bông khả năng sẽ phát sinh gây hại trên các giống BC15, Nếp cái hoa trắng, hoa vàng, Xi23… khi gặp điều kiện thời tiết dịu mát, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để có vụ lúa mùa bội thu, từ nay đến cuối vụ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng (kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật), theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cây trồng và sự phát sinh của các loại sâu bệnh chính. Đặc biệt là rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn và các sâu, bệnh khác để tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo nông dân không lạm dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí và tăng khả năng bùng phát rầy cuối vụ; lưu ý giữ đủ nước trên ruộng để phòng, trừ rầy đạt hiệu quả cao.  

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn