Đón thời cơ mới, hút dòng vốn ngoại

31/05/2020 20:59 Số lượt xem: 2339
Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho nước ta có cơ hội là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi mà các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là thời cơ mới để hút dòng vốn ngoại dịch chuyển từ các nước dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh. Cùng chung lợi thế này, Bắc Ninh là một trong 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước sẽ có nhiều cơ hội để đón làn sóng đầu tư mới trong giai đoạn tới.

 

Được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự  nỗ lực của chính quyền các cấp và những giải pháp sáng tạo, linh hoạt của tỉnh đã kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tạo môi trường cởi mở, thông thoáng cho doanh nghiệp khởi sự và phát triển. Vì thế, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song Bắc Ninh vẫn bảo đảm mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội. Tỉnh thực hiện thành công 4 đợt đón hơn 1.300 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại các KCN tập trung. Điều này giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh được duy trì, đồng thời tăng cường lòng tin của doanh nghiệp. Nhờ vậy, 5 tháng đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng 2,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ; thu ngân sách đã đạt hơn 42% dự toán, trong đó thu nội địa đã đạt con số trên 10.000 tỷ đồng...

Cùng với kết quả sản xuất, dòng vốn đầu tư vào tỉnh vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 395,077 triệu USD, trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 87 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 169,535 triệu USD; cấp điều chỉnh cho 42 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 180,342 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 153 lượt, với giá trị là 45,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp đăng ký đầu tư cho 1580 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt hơn 19,243 tỷ USD (đã bao gồm dự án hạ tầng trong KCN).

 

Samsung đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực để tham gia chuỗi giá trị của tập đoàn.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam là: CNTT và công nghệ cao; thiết bị điện tử; thương mại điện tử và logistics; hàng tiêu dùng và bán lẻ. Những ngành, lĩnh vực này hiện là lợi thế của Bắc Ninh với sự hiện diện của nhiều thương hiệu toàn cầu như: Canon, Samsung, Suntory PepsiCo, Hanwha, Foxconn… Điều này mở ra cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh những cơ hội thu hút đầu tư mới. Hiện Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng các nhà sản xuất chuyên về lĩnh vực âm thanh tránh cảnh phụ thuộc vào duy nhất Trung Quốc, với khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được Apple sản xuất tại Việt Nam vào quý này. Đây là dấu hiệu cho thấy hãng này đang dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Còn trước đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đơn cử Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc, một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã xây dựng nhà máy tại KCN Quế Võ sản xuất trong lĩnh vực chế tạo quang học và kỹ thuật xử lý hình ảnh hiện đại nhất thế giới và đã khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Hà Nội. Samsung cũng có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam…
Dịch COVID-19 được kiểm soát, việc giãn cách xã hội được gỡ bỏ, đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, ngay từ đầu tháng 5 số lượng nhà đầu tư tìm hiểu tại Bắc Ninh tăng lên, trung bình mỗi ngày có khoảng 3 nhà đầu tư đến tìm hiểu khảo sát tại các KCN. Đặc biệt là KCN Yên Phong 2C có khoảng 40 nhà đầu tư lớn đang quan tâm. Nhiều nhà đầu tư đã có thỏa thuận sơ bộ với các công ty hạ tầng, trong đó có những tập đoàn lớn như OPPO.

 

Samsung ra mắt 3 dòng sản phẩm mới trong quý I.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định: “Nhận thức rõ tình hình, Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón nhận làn sóng đầu tư hậu COVID-19. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tận dụng cơ hội, hấp thụ hiệu quả làn sóng đầu tư vào Việt Nam, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn bị mặt bằng cho các doanh nghiệp, điển hình là 3 phân khu của KCN Yên Phong 2C với diện tích khoảng 600ha. Đây là KCN có vị trí rất đắc địa, có nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, để ngành công nghiệp hỗ trợ đón bắt được thời cơ đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, tỉnh còn có 26 CCN, tổng diện tích 898,27 ha. Trong đó, quy hoạch phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có: CCN hỗ trợ Tân Chi 2 diện tích 50 ha, CCN hỗ trợ Cách Bi, diện tích 72 ha đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ trong và ngoài KCN, CCN, tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thu hút các dự án lớn, có sức lan tỏa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
Về định hướng thu hút đầu tư gắn với kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “3 cao 2 ít” (công nghệ cao, suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao, sử dụng ít đất, ít lao động). Tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành cụm ngành điện tử, công nghệ cao, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố sáng tạo, năng động trong tương lai. Nâng cao năng lực quản trị và công nghệ của khu vực doanh nghiệp trong nước để thích ứng với khu vực FDI, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nhập cảnh đối với lao động nước ngoài, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất…
Đón làn sóng đầu tư mới tạo đà cho Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Hơn nữa các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA chính thức có hiệu lực tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới thiết bị, công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, đồng thời  xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, ngoài thể chế đẩy nhanh chính sách thông thoáng thu hút FDI, cần các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương chăm chút cho doanh nghiệp nội địa, thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tránh sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nước ngoài và gặp trở ngại khi đứt một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.

Thái Uyên