Đón làn sóng đầu tư mới

26/11/2021 19:44 Số lượt xem: 2798
Từ thời điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu được công bố vào năm 2006, Bắc Ninh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, vị trí của Bắc Ninh trên bảng xếp hạng toàn quốc có sự trồi, sụt. Chính vì vậy, tỉnh đã đề ra một số giải pháp để cải thiện PCI trong năm 2021 và các năm tiếp theo, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư sau COVID-19.

Cải thiện các chỉ số thành phần
Năm 2020, dù bị tụt hạng song Bắc Ninh vẫn đứng trong Top10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước với 4 chỉ số thành phần tăng điểm và 3 chỉ số cải thiện thứ hạng. Một số chỉ số đã được cải thiện đáng kể so năm 2019 như “Chi phí thời gian” và “Chi phí không chính thức”. Trong đó, điểm số “Chi phí không chính thức” xếp thứ 4 toàn quốc và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính có xu hướng giảm. Cùng với đó, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” có nhiều tiến bộ, nhiều doanh nghiệp từng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trong năm qua có ý định tiếp tục dùng trong thời gian tới. Dù vậy, tỉnh vẫn còn tới 6 khía cạnh cần cải thiện là: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Tính năng động; Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý &ANTT cũng như việc Cạnh tranh bình đẳng.
Trước thực tế này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1964/KH-UBND về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều nhóm giải pháp, trọng tâm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính công; thực hiện mô hình 5 tại chỗ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm mới trong cải thiện môi trường kinh doanh năm nay là đồng bộ với Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp 3 nhất, với tiếp nhận, xử lý thông tin đa phương tiện. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, các cơ chế ưu đãi...; thường xuyên trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp; phối hợp xử lý và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, pháp luật để giải quyết nhanh các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ở mỗi chỉ số thấp điểm, giảm điểm hay tăng điểm nhưng vẫn tụt hạng, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành.

 

Cải thiện năng lực cạnh tranh giúp nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Ảnh: Sản xuất linh kiện kỹ thuật cao cho điện thoại di động tại Công ty CP Crucialtec Vina (KCN Yên Phong).


Cụ thể, đối với chỉ số “Gia nhập thị trường”, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh đăng ký kinh doanh trực tuyến và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đưa vào sử dụng hiệu quả Phần mềm quản lý, giám sát đầu tư; phát huy hiệu quả và tính chủ động của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với chỉ số “Tiếp cận đất đai”, Sở Tài nguyên và Môi trường cần công khai danh mục thu hồi đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư dự án. Đối với chỉ số “Tính minh bạch”, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tỉnh và đơn vị thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, trả lời cho công dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh công khai kế hoạch thanh kiểm tra và danh sách các đối tượng bị thanh kiểm tra theo kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cán bộ lợi dụng việc thanh kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp...
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế- Xã hội tỉnh, 2 yếu tố được nhiều doanh nghiệp quan tâm là “Tính minh bạch” và “Cạnh tranh bình đẳng”. Chỉ số “Tính minh bạch” vốn là thành phần thế mạnh của Bắc Ninh, song trong thời gian gần đây lại có sự sụt giảm về thứ hạng. Để cải thiện và lấy lại vị trí dẫn đầu, trong thời gian tới, tỉnh cần công khai và minh bạch hơn nữa các tài liệu liên quan đến ngân sách, các thông tin mời thầu... Bên cạnh đó, phản hồi kịp thời khi có những yêu cầu hoặc đề nghị từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Đối với chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, các doanh nghiệp cho rằng, cần cải thiện mạnh mẽ các vấn đề liên quan đến việc phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp dân doanh với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn..., đặc biệt là trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các khoản vay, tiếp nhận và giải quyết các khó khăn. Bên cạnh đó, cần tránh sự ưu ái, thiên vị đối với các loại hình doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn.


Sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư
Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động kinh tế - xã hội Bắc Ninh chịu nhiều thiệt hại từ COVID-19. Bên cạnh các giải pháp cải thiện PCI, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu Công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về tỉnh, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đặc biệt, ưu tiên thu hút vào các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ thông tin, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới... Song song, quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án mới, không cấp phép cho các dự án sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đẩy nhanh công tác chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất sạch. Sở Xây dựng tập trung hoàn chỉnh Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế tỉnh đến năm 2030...
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân, cùng với các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư sau COVID-19. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án quy mô lớn, chậm triển khai, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư và khởi công dự án. Đồng thời, chủ động, khẩn trương báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Nhờ vậy, các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng và chọn Bắc Ninh là “điểm đến an toàn” để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điển hình như: dự án AEON Mall Việt Nam đầu tư xây dựng dự án Trung tâm thương mại quy mô cấp vùng tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư dự kiến 190 triệu USD. Hay như mới đây Công ty Amkor Technology, Inc ký kết thoả thuận phát triển Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C trên diện tích khoảng 23 ha, với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đầu có vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Từ đó, tiếp thêm động lực trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn trên thế giới; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu đưa kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Yến Ngọc