Đổi mới chăm sóc giúp đỡ người khuyết tật

03/12/2018 09:00 Số lượt xem: 2470
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, hiện toàn quốc có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% số dân ở các dạng và mức độ khuyết tật khác nhau. Trong số đó trên 40% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tỉnh Bắc Ninh theo thống kê hiện có khoảng 35.200 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội là 15.385 người.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Công ty Samsung Electronic Việt Nam và Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh trao tặng xe lăn cho người khuyết tật.

Đa phần người khuyết tật đời sống rất khó khăn, không có việc làm, không có nguồn thu nhập phải sống dựa vào gia đình, người thân và cộng đồng. Người khuyết tật rất dễ bị tổn thương vì thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử, ít được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, do đó họ thường tự ti, không muốn và khó có thể hòa nhập cộng đồng.

Nhận rõ vấn đề khuyết tật và người khuyết tật là một bộ phận cư dân không thể tách rời cộng đồng xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật, đặc biệt là sau khi Luật Người khuyết tật có hiệu lực đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của xã hội và bản thân người khuyết tật. Chính vì vậy, vị thế xã hội của người khuyết tật phần nào được khẳng định. Các chính sách trợ giúp người khuyết tật cũng có sự đổi mới từ giúp đỡ mang tính từ thiện, nhân đạo sang tiếp cận về quyền của người khuyết tật. Trong những năm qua, người khuyết tật đã được hưởng nhiều chính sách xã hội cùng với sự giúp đỡ từ các chương trình nhân đạo.
Đối với Bắc Ninh đã có 15.385 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với kinh phí hàng năm là 86,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Cùng với các chương trình nhân đạo đã cung cấp hơn 2.000 xe lăn, hàng nghìn công cụ hỗ trợ khác như: nạng, máy trợ thính, phần mềm cho người mù sử dụng máy tính, điện thoại di động… hỗ trợ xây nhà, tặng xe đạp, học bổng cho con của người khuyết tật… Những sự trợ giúp đó đã phần nào giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, làm vơi đi những mặc cảm, giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, những sự trợ giúp này là chưa đủ bảo đảm một cách căn bản cho người khuyết tật thật sự bình đẳng trong đời sống xã hội mà cần phải có những giải pháp, những chương trình thật căn cơ thiết thực giúp người khuyết tật tự vươn lên, tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Để bảo đảm trợ giúp người khuyết tật một cách lâu dài, bền vững và thật sự nhân văn phải triệt để hạn chế và đi đến xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật bằng cách nâng cao hiểu biết pháp luật, đặc biệt là Luật Người khuyết tật cho mọi người, trước hết là người khuyết tật để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng xã hội. Giúp người khuyết tật nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật. Đối với các trạm y tế cấp xã cần lập hồ sơ sức khỏe cho tất cả người khuyết tật thuộc đơn vị mình quản lý theo đúng Luật Người khuyết tật, trên cơ sở đó thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh tật, sức khỏe của người khuyết tật để có hướng tư vấn, điều trị cho họ. Giúp người khuyết tật tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề, việc làm. Đây là những dịch vụ mà người khuyết tật cần phải được tiếp cận sớm và đầy đủ. Chính những dịch vụ này giúp người khuyết tật dễ hòa nhập cộng đồng, trên cơ sở đó bớt đi mặc cảm, tự vươn lên bằng chính năng lực của mình. Bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận một cách thuận lợi nhất các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, tham gia giao thông... Điều này đã được ghi rất rõ theo lộ trình thực hiện Luật Người khuyết tật cũng như trong Quyết định 250/QĐ-UBND ngày 8-7-2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án trợ giúp Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020.
Một xã hội văn minh, hiện đại là một xã hội mà ở đó mọi thành viên trong xã hội sống bình đẳng, sống văn hóa “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Người khuyết tật hơn ai hết rất cần được xã hội tôn trọng và thừa nhận vị thế của họ.

Đỗ Quang Quyển