Đánh giá, quản lý nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc

13/05/2019 07:54 Số lượt xem: 4526
Hôm nay (13-5), Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 chính thức được phát động trong toàn tỉnh với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Diễn ra trong suốt tháng 5, các hoạt động của tháng hành động hướng tới mục tiêu kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ.

Công nhân Công ty gạch Catalan (cụm công nghiệp Đông Thọ, huyện Yên Phong) sản xuất trong điều kiện bảo đảm ATVSLĐ.

 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 236 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 239 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó làm chết 21 người, 59 người bị thương nặng. Tuy số vụ, số người chết giảm so với cùng kỳ năm 2017, song số người bị thương nặng lại tăng mạnh. Điều này cho thấy TNLĐ vẫn tiếp tục là mối đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người lao động mà một phần nguyên nhân xuất phát từ nhận thức hạn chế hoặc sự chủ quan, cố tình vi phạm quy trình, quy định an toàn của người chủ sử dụng lao động, người lao động trong quá trình lao động, sản xuất.
Ông Trần Ngọc Đạo, Trưởng Phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Qua thực tiễn thanh, kiểm tra, có thể thấy việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay còn yếu. Người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và tổ chức công đoàn cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác ATVSLĐ. Một số chế độ về ATVSLĐ đối với người lao động còn bị vi phạm như: Cấp phát trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đầy đủ; chế độ phụ cấp và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại chưa đúng quy định; việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động mới chỉ tập trung vào việc phân loại sức khỏe, phát hiện bệnh thông thường, chưa chú trọng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp... Ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề,  kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe người lao động còn hạn hẹp. Đây là những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua”.
Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 hướng tới thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức thực hiện Luật ATVSLĐ.
 Trước và trong thời gian tổ chức Tháng hành động, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông tập trung đẩy mạnh thông tin về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ; tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đoàn thể ở các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATVSLĐ, việc chấp hành các quy định của pháp luật, xây dựng văn hoá phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động; tổ chức tập huấn về Luật ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn; huấn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; thăm hỏi, tặng quà một số gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động nghiêm trọng...
Sở thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ- phòng chống cháy nổ, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định của nhà nước về ATVSLĐ, tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra ATVSLĐ, đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ mất an toàn lao động và đề ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Hoài Phương