Xây dựng nông thôn mới - Hành trình hiện thực hóa khát vọng

24/10/2019 21:57 Số lượt xem: 2095

Bài 2: Mỗi xã một sản phẩm - Sức bật Nông thôn mới

 

Trong lộ trình xây dựng NTM, việc hình thành  “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm quảng bá các sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020 được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu phát triển và tiêu chuẩn hóa 25 sản phẩm đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; 2 mô hình làng văn hóa du lịch... Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, tạo sức bật cho NTM.

 

Mỗi địa phương một cách làm hiệu quả
Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh chỉ đạo sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai đến từng xã, phường. Nội dung chính là tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên những sản phẩm bản địa, có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Căn cứ đặc trưng của sản phẩm, các địa phương xây dựng cách làm thiết thực, hiệu quả để nâng tầm sản phẩm hàng hóa, tạo dấu ấn trên thị trường. Là địa phương nổi bật trong thực hiện chương trình, huyện Quế Võ dự kiến thực hiện 4 sản phẩm trong năm 2019 là khoai tây (xã Việt Hùng, Quế Tân), gạo tẻ thơm (Đại Xuân, Chi Lăng); dưa leo (Bồng Lai) và gốm (Phù Lãng). Ông Hoàng Minh Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Quế Võ cho biết: “Huyện đang triển khai các bước xây dựng thương hiệu sản phẩm  đặc trưng ở mỗi địa phương, hy vọng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm dần được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo ở mỗi làng quê”. Để mỗi địa phương có ít nhất một  sản phẩm, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân để đưa các sản phẩm của mình tham gia chương trình. Theo lộ trình, đến năm 2020, Quế Võ bổ sung thêm các sản phẩm gồm dưa gang muối (Quế Tân, Việt Hùng); dưa lê siêu ngọt (Nhân Hòa); chuối (Hán Quảng); mỳ gạo, bánh đa (Đại Xuân)... 

 

Khoai tây là sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP của huyện Quế Võ.

 

Làng nghề sản xuất gốm Phù Lãng (Quế Võ) với những sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí được ưa dùng và tiêu thụ khắp các vùng, miền trong cả nước hiện có hơn 250 hộ làm nghề, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trong đó một số hộ có doanh thu 1-2 tỷ đồng/năm. Điển hình là cơ sở của ông Nguyễn Minh Ngọc với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Để mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm của mình, ông Ngọc mạnh dạn đăng ký và trở thành hộ đầu tiên ở Phù Lãng tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, các bước chuẩn bị hồ sơ hoàn thiện, đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Vũ Đình Ninh, Chủ tịch UBND xã Phù Lãng: “Thực hiện chủ trương OCOP, địa phương đã tuyên truyền đến người dân trực tiếp tham gia sản xuất gốm… Việc tham gia chương trình sẽ hứa hẹn tăng thêm tiềm lực cho làng gốm Phù Lãng, vừa bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, vừa đưa làng nghề trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của xã Phù Lãng nói riêng và huyện Quế Võ nói chung”. 

 

Sản phẩm Nem Bùi của cở sở Tuấn Liên đang hoàn thiện hồ sơ để được gắn sao theo Chương trình OCOP.

 

 

Cũng với mục tiêu nâng cao giá trị và quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm của địa phương, ngay sau khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, huyện Thuận Thành tích cực tuyên truyền đến từng cơ sở sản xuất để tham gia đăng ký; hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện; tổ chức tập huấn quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm. 
Làng nghề sản xuất Nem Bùi (Ninh Xá) hiện có 30 hộ sản xuất nem quả, nem chua, giò nghé được tiêu thụ khắp miền Bắc. Ông Lê Anh Tuấn, chủ cơ sở sản xuất Nem Bùi Tuấn Liên, thôn Bùi Xá  cho biết: “Gia đình làm nem từ năm 2000, bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 700-800 quả nem, tương ứng 70-80 kg thịt. Quy trình sản xuất nem bảo đảm và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; Sở Y tế xác nhận công bố phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm. Để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc và vươn xa hơn trên thị trường, theo hướng dẫn, gia đình đang tiến hành làm hồ sơ để tham gia Chương trình OCOP”. 
Làng nghề sản xuất Đậu phụ Trà Lâm (xã Trí Quả) có đến 80% số hộ (khoảng 300 hộ) làm nghề thường xuyên, nhiều hộ sử dụng lò hơi để làm đậu, tương lai nghề sẽ còn phát triển mạnh hơn. Một số hộ đã mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm. Từ việc phát triển nghề truyền thống, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đường được bê tông hoá, nhà cửa kiên cố, thiết chế văn hoá truyền thống được củng cố, phát huy. 
Theo ông Lê Văn Quảng, Trưởng Phòng Nông nghiệp& PTNT huyện Thuận Thành, hiện tại đã có 5 sản phẩm của huyện đang hướng tới tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đó là: Nem Bùi (Ninh Xá), Tương (Đình Tổ), Gà Hồ (thị trấn Hồ), Đậu phụ Trà Lâm (Trí Quả), Đồ gỗ Bình Cầu (Hoài Thượng).
 

Sức bật cho Nông thôn mới
Trong thời đại mới, nhu cầu, thị hiếu cũng như thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi, yêu cầu đối với các sản phẩm, đặc biệt sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp lại càng khắt khe hơn. Nắm bắt được điều này, Bắc Ninh không chỉ gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, mở mang nghề mới du nhập mà còn chú trọng đẩy mạnh việc thích ứng của các làng nghề với những tiêu chuẩn mới. Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh, đến nay, có 8/8 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP cấp huyện. Mặc dù,  số đơn vị cấp xã triển khai chưa nhiều nhưng có 28 sản phẩm dự kiến được “gắn sao” (các sản phẩm sẽ được gắn từ 1 đến 5 sao để phục vụ thị trường trong nước và tăng khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Đó chính là lợi thế để triển khai Chương trình OCOP, tạo sức bật cho hành trình xây dựng NTM ở các địa phương.
Mục tiêu đến năm 2020 sẽ  xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm lợi thế hiện có (tương ứng khoảng 35 sản phẩm); củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ với HTX và doanh nghiệp. Phát triển ít nhất 2 mô hình Làng văn hóa du lịch; hình thành 8 điểm bán hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ...

 

Toàn tỉnh có 69 làng nghề, làng nghề truyền thống với hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đáp ứng cho thị trường, trong đó có 70 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế để tham gia Chương trình OCOP.


Theo ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-Cơ quan Thường trực chương trình chương trình OCOP tỉnh, để thực hiện thành công các mục tiêu trên cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, trọng tâm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và người dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài. Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành các cấp; thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm. Cùng với đó, cần xây dựng và ban hành chính sách cho chương trình trên cơ sở rà soát các chính sách hiện có của tỉnh thuộc các lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất (gồm các khu vực sản xuất tập trung), công nghệ, vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, phân phối, tiếp thị, liên kết chuỗi. Xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với sản phẩm OCOP, hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình. Tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình OCOP.
Tuy mới triển khai nhưng Chương trình OCOP đang từng bước khẳng định hiệu quả, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo sức bật, xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất không phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn. Chương trình cũng giúp người dân nâng cao trình độ nhận thức, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường từ đó quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. 
Về lâu dài, khi thực hiện Chương trình OCOP các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác,) được kiện toàn và phát triển để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế  cạnh tranh. Hơn nữa, chương trình sẽ hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; góp phần tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh của theo hướng gia tăng giá trị, tạo môi trường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua việc phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp chủ lực góp phần tạo việc làm, hạn chế việc di chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị, giữ gìn ổn định xã hội nông thôn, từng bước đưa kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh phát triển theo chiều sâu và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị. Đó chính là mục tiêu quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM của Bắc Ninh.


Bài 3: Để nông thôn Bắc Ninh trở thành miền quê đáng sống

Hà-Anh-Tuấn