Nâng công suất cấp nước sạch và đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải tại các huyện, thành phố

11/10/2022 14:43 Số lượt xem: 1503
Ngày 11 – 10, UBND tỉnh họp Ban chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh và bàn kế hoạch đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải kết luận cuộc họp.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 39 nhà máy nước, trạm cấp nước (NMN) sinh hoạt hoạt động (trong đó có 11 NMN đô thị, 28 NMN nông thôn) với tổng công suất theo thiết kế khoảng 240.000 m3/ngày, đêm; tổng công suất tiêu thụ thực tế khoảng 200.000 m3/ngày, đêm. Còn 4/126 xã chưa có nước sạch sử dụng: Thụy Hòa, Dũng Liệt (Yên Phong); Bằng An, Phù Lương (Quế Võ); trong đó xã Thụy Hòa, Dũng Liệt đã thi công hoàn thiện mạng đường ống cấp nước, chỉ còn chờ đấu nối vào mạng đường ống cấp nước của Công ty Cổ phần cấp nước số 2 là có thể cấp được nước cho nhân dân. UBND các huyện, thành phố ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ cấp nước với các đơn vị cấp nước. Các đơn vị cấp nước thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận đã ký, cơ bản đảm bảo việc cung cấp nước phục vụ nhu cầu của nhân dân. Để bảo đảm 100% số xã có nước sạch sử dụng, từ nay đến 2025 cần đầu tư, hoàn thiện mạng đường ống cấp nước 6 xã và nâng công suất các nhà máy nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục tham gia góp ý Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh để hoàn thiện, ban hành. Thống nhất chủ trương từ nay đến năm 2025 nâng công suất cấp nước sạch đạt 350.000 m3/ngày, đêm để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, giao các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư nhà máy nước: Tăng cường triển khai việc giới thiệu địa điểm xây dựng các nhà máy nước tập trung ; phối phối hợp để khoang vùng, bảo vệ khu vực nguồn nước thô; xử lý dứt điểm những vướng mắc của một số dự án xây dựng theo hình thức BOO, dự án chậm quyết toán; hỗ trợ các kỹ thuật cho những xã tự vận hành trạm cung cấp nước sạch; khắc phục những hạn chế của mạng lưới cấp nước; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch; rà soát quản lý tài sản, bảo đảm an ninh nguồn nước, định kỳ rà soát thỏa thuận cấp nước ; thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các nhà máy nước và hoạt động vận hành, kinh doanh nước sạch…

* Về thực trạng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động tại thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn với tổng công suất 50.500 m3/ngày, đêm. Ngoài ra, còn có các dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải có chủ trương đầu tư, đang lập dự án tại huyện Tiên Du, Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình với tổng công suất xử lý khoảng 20.700 m3/ngày, đêm.

Theo dự báo, đến 2025 tổng nhu cầu xử lý nước thải vùng nội thị của các đô thị loại IV trở lên khoảng 176.000 m3/ngày, đêm. Ngành chức năng đề xuất xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại huyện Quế Võ, Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh; hệ thống thu gom nước thải tại thành phố Từ Sơn và các huyện lân cận ; mở rộng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tạt thành phố Bắc Ninh để nâng công suất xử lý lên gần 129.000 m3/ngày, đêm (đáp ứng khoảng 73% nhu cầu so với dự báo)…

Trên cơ sở báo cáo của ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải yêu cầu các huyện, thành phố chủ động đề xuất đầu tư, xây dựng 1 hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, 1 hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Từ đó, UBND tỉnh xem xét và ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư. Giao Sở Kế hoạch – Đầu tư và các đơn vị liên quan soạn thảo những nội dung cốt lõi, báo cáo cấp thẩm quyền tại các cuộc họp gần nhất.

Đức Anh