“Bạn thong dong, thật bạn”

21/04/2014 16:37 Số lượt xem: 720
“Xuân thấp thoáng, càng xuân/Bạn thong dong, thật bạn”. Lời văn trong đôi câu đối treo bên bàn nước tiếp khách của nhà thơ Anh Vũ chợt hiện về khi tôi ngồi đối ẩm với bạn trong một không gian tĩnh lặng nơi thôn dã.

Nơi tiếp khách của nhà thơ Anh Vũ tại gia đình ông đơn sơ nhưng giao hòa với thiên nhiên với những dây leo, cành lá la đà bên bàn nước. Đôi câu đối được đục trên hai ván gỗ mít mộc mạc, nguyên bản không chút màu sơn bóng véc ni như chính tấm lòng hiếu khách của nhà thơ vậy. Bạn tôi không văn thơ, chỉ đơn giản làm công nhân kỹ thuật có học thêm về y học cổ truyền, nhưng nét tương đồng khiến tôi nhớ đến đôi câu đối của nhà thơ Anh Vũ đó là sự mộc mạc chân thành trong tình bạn.

Cái thời cùng học tại lớp Đông y cơ bản của Hội Đông y tỉnh, tôi ít để ý đến bạn, vì bạn nhiều tuổi nhất lớp, lúc nào cũng điềm đạm, mực thước. Còn chúng tôi dù ngoài đời đều đã làm cha mẹ, nhưng khi đến lớp vẫn “thứ ba học trò”, thường trêu chọc, đùa vui vào mỗi giờ giải lao. Sau khóa học, mọi người lại trở về với công việc của mình, mỗi người mỗi cách phát triển nghề tùy theo điều kiện của riêng mình. Riêng tôi và bạn có cùng tâm nguyện lấy việc giúp đỡ người đời làm vui nên dần dà trở nên thân thiết, quí mến. Mỗi khi tìm được thông tin, kiến thức gì mới bạn lại gọi điện chỉ dẫn cho tôi biết. Tôi có điều kiện thực hành, kiểm chứng kiến thức đã học hơn bạn, nên mỗi khi áp dụng thành công một phương huyệt tôi đều chia sẻ với bạn. Song hành cùng bạn, tôi cảm thấy mình trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều trong việc thực hành các kiến thức về y học cổ truyền.

Ngoài các kiến thức, kinh nghiệm về nghề đông y, điều lớn nhất tôi học từ bạn là đức hiếu sinh và tình thương yêu con người của bạn. Ai đó đã nói với tôi rằng, để đánh giá một con người hãy nhìn vào cách đối xử của họ với những người thân trong gia đình. Bố/mẹ, vợ/chồng, con/cháu họ, họ còn không đối xử tốt thì làm sao tốt được người ngoài. Càng ngẫm nghĩ về bạn càng thấy chí lý biết bao.

Nhà bạn ở trên thành phố, nhưng đã hai năm nay, mình bạn về quê để chăm sóc mẹ già. Cụ năm nay đã chín nhăm tuổi, còn khá minh mẫn và khỏe mạnh so với những người cùng tuổi. Nhưng người già vẫn là người già với biết bao rắc rối về sức khỏe, tâm lý… Thế mà bạn, một người đàn ông cũng bắt đầu bước vào ngưỡng tuổi già đã kiên nhẫn chăm mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ suốt hơn hai năm trời qua. Hàng ngày, dù có đi đâu bạn cũng phải lo đủ ba bữa ăn đảm bảo đúng giờ, nóng sốt cho mẹ. Đêm thì cùng ngủ, cùng thức để trò chuyện với mẹ… Giữa tháng 3 vừa qua, cụ bị trượt chân ngã ngoài ngõ, bạn đã kịp thời bế cụ vào nhà thuốc thang chăm sóc. Thế là suốt hai tuần bạn chập chờn giấc ngủ để sẵn sàng thức dậy xoa bóp, bấm huyệt mỗi đêm cho mẹ. Cụ đã khỏe trở lại, lại có thể chống gậy đi chơi quanh xóm mỗi ngày. Bạn bảo “Nếu ai cũng hiểu chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ thiêng liêng thì cuộc sống này tốt đẹp biết bao…”. Được biết, mẹ của bạn có tới 8 người con, ngoài một anh con trai đã mất còn tất cả đều có cuộc sống ổn định. Thế nhưng tại sao cụ chỉ hợp có mình bạn thì bạn không nói ra. Và tôi hiểu ai cũng có những nỗi niềm riêng không dễ gì chia sẻ được...

Và chính trong căn nhà đơn sơ ở lưng chừng núi vùng đất Tiên Du ấy, đã vài lần tôi và bạn ngồi bên nhau, an nhiên tự tại dõi mắt nhìn theo mẹ bạn chống gậy lộc cộc ngoài sân, quét vài ba chiếc lá rụng bên thềm, cảm nhận khí núi trong veo qua từng ngọn gió, nghe thời gian chầm chậm trôi qua từng ngụm trà thơm mát mãi cuối giọng. Cũng có khi leo lên mảnh vườn đồi sau nhà hái vài ba mớ thuốc nam, nắm rau tập tàng, vô tư nếm những lá cây, chùm quả vừa bứt trên cây… mà cảm nhận mình cũng là một phần của thiên nhiên nơi đây. Cái cảm giác thong dong, nhẹ nhõm ấy mãi mãi là kỷ niệm khó quên khi nhớ tới bạn.

Nguồn: An Khánh