Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang Thiền sư thi sĩ

09/04/2020 20:00 Số lượt xem: 2084
Huyền Quang Thiền sư (1254-1334) tên thật là Lý Đạo Tái (người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang), nay là xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Theo “Tổ gia thực lục”, từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, tư chất thông minh, hiếu học, năm hai mươi tuổi, đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (1274); được bổ dụng vào Viện nội hàn, từng tiếp sứ Bắc, rất nổi tiếng về thơ văn. Nhưng không bao lâu ông một mực xin từ chức đi tu, được người đứng đầu dòng Thiền Trúc lâm lúc bấy giờ là Trần Nhân Tông rất quý mến, giao cho Thiền sư Pháp Loa hướng dẫn. Về sau ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm. Năm Giáp Tuất (1334) Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn, vua Trần Minh Tông đã ban xây tháp, cấp 150 mẫu ruộng để làm tư điền và ban duệ hiệu là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong pháp tự Huyền Quang tôn giả.
Huyền Quang vừa là một thiền sư vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ông đậm chất trữ tình. Các nhà phê bình đời trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông “ý tinh tế, cao siêu”, “lời bay bướm, phóng khoáng”. Trong ông, có lẽ con người thi nhân rõ nét hơn con người tôn giáo.
Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm của ông hiện chỉ còn 24 bài thơ, một bài phú Nôm, thư từ tiếp sứ và các tác phẩm “Chư phẩm kính”, “Công văn tập”, tập thơ “Ngọc tiên tập” nhưng nay đều đã thất truyền. Tuy sáng tác của Huyền Quang còn lại không  nhiều, nhưng những bài thơ của ông để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc. Đọc thơ Huyền Quang, ta thấy tâm hồn mình được thanh lọc bởi một tâm hồn trong trẻo, thuần khiết của nhà sư giác ngộ Phật tính. Ông không lý luận nhiều về những triết lý cao siêu, không luận bàn hay khuyến tu với bạn đạo; chỉ lẳng lặng miêu tả không gian và trải lòng mình trong không gian ấy bằng những tình cảm chân thành đôn hậu nhất. Từ không gian đó, ta nhận ra tư thế ung dung, an nhiên; tâm hồn sáng trong thanh thoát của một thiền sư ngộ đạo.
Vạn duyên bất nhiễu thành già tục, 
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan. 
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng, 
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.
(Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục, 
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan. 
Thấu hiểu thị phi đều thế cả, 
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn). 
                       (Diên Hựu tự - Huệ Chi dịch)
Nét nổi bật trong thơ Huyền Quang là ý tứ tinh tế, thầm kín. Có lẽ một phần cũng vì cuộc đời ông có nhiều trắc trở. Mặt khác, cũng chính nhờ vào những năm tu luyện với Phật giáo, ông có thể lý giải những gì trăn trở, day dứt nơi cõi lòng mà ông đã không thể tìm được bằng tư tưởng Nho giáo. Cũng vì thế mà khi đến tuổi 51, ông đã treo ấn từ quan để tìm đến chốn cửa Thiền với tâm trạng khá hăm hở. Xin trích một đoạn bài phú nôm ông làm khi mới lên trụ trì ở chùa Hoa Yên:                                        
Buông niềm trần tục 
Náu tới Hoa Yên 
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên 
Bầu đủng đỉnh giang hoà thế giới 
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên... 
                                   (Phú vịnh chùa Hoa Yên - Nguyễn Lang  dịch) 
Hay khi ông dạo gót đến những chốn thiền môn, những giây phút thanh tịnh trước cảnh vật của tạo hoá: 
Bên đình Đạm Thuỷ nhiều cỏ nội 
Núi quang, mây tạnh, bóng xế tà 
Nhân qua con đường vua đi mà vào thiền thất 
Giúp nhà chùa đánh chuông và nhặt hoa rơi.
                               (Đề chùa Đạm Thuỷ - Nguyễn Đăng Thục dịch) 
Hoa cây vấn vít nhau trên bộ 
Khói lồng trăng, hoa dầm sương lạnh 
Từ đây sự lo nghĩ sẽ thanh tao hết trần tục 
Do tìm được chỗ gió mát trong sạch gối đầu nghỉ yên. 
                                (Đề núi non bộ của người đàn việt -Nguyễn Đăng Thục dịch) 
“Giúp nhà chùa đánh chuông và nhặt hoa rơi”, “Tìm được chỗ gió mát trong sạch để nghỉ yên”. Những việc làm hay thú vui tưởng như nhỏ nhoi, bình dị ấy phải đến cái tuổi 51 ông mới tìm thấy được ở chốn cửa Thiền. Chính từ tâm trạng vui thích do không còn bị trói buộc, được sống thật với chính mình; Huyền Quang đã có cái nhìn rất thiền, rất thi sĩ đối với thiên nhiên, tạo vật:                        
Mênh nông theo gió con thuyền nhỏ
Thu sáng ngời xanh bóng nước, cây 
Tiếng sáo thôn chài, lau lách vọng 
Trăng lặn lòng sông, móc trăng đầy
                              (Chu Trung - Đi thuyền) 
Do muộn phiền quá đỗi bởi những gì đa đoan cứ bám đuổi, dù ông đã vào chốn thiền môn, cộng thêm ước muốn được tĩnh lặng thường thấy ở tuổi già. Từ Hoa Yên ông lui về Thanh Mai rồi chùa Tư Phúc ở Côn Sơn hẻo lánh, để thổn thức với trời cao và vui buồn cùng  mai, cúc:
Người ở trên lầu, hoa dưới sân 
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông 
Hồn nhiên người với hoa vô biệt, 
Một đoá hoa vừa mới nở tung 
                            (Cúc hoa - Bài 5. Nguyễn Lang  dịch) 
Năm 1330, vị Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa viên tịch. Ở tuổi 77, ông phải nhận danh vị Tổ kế nghiệp. Tự biết sức mình khó đảm đương trọng trách; ông giao việc điều hành giáo hội cho Quốc sư An Tâm, rồi một mình nhẹ bước thiền rời nơi đô hội về lại Côn Sơn, ẩn cư cho đến hết đời... Huyền Quang thổ lộ:
Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây 
Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày
Sư khểnh giường thiền, kinh trước án
Lò tàn, than lụi, sáng nào hay 
                               (Nhà đá - Huệ Chi dịch) 
Đọc thơ Huyền Quang, ta nhận thấy nhà thơ trải qua đời sống tu hành trong không gian êm đềm nhất, với những sinh hoạt hết sức bình thường. Thơ ông không nghiêng về lý luận, chỉ tả cảnh và kể việc giản dị, giọng thơ dí dỏm hồn nhiên nhưng ẩn chứa bên trong những triết lý Thiền sâu sắc:
Củi hết lò còn vương khói nhẹ 
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh 
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo 
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình... 
                               (Địa lô tức sự - Nguyễn Lang  dịch)
Chỉ ngần ấy câu thơ thôi có lẽ cũng đủ nói lên tư tưởng và quan niệm sống của ông. Đó tâm trạng của một người luôn mong muốn được sống hồn nhiên, hoà mình cùng tạo vật... Có thể vì vậy mà phần lớn thơ ông, ta dễ dàng bắt gặp nỗi khát khao, sầu tư thầm kín. Lạ hơn là ta chỉ thấy cái “tinh tế, phóng khoáng” của một Lão Trang mà không hề thấy cái triết lý tĩnh lặng, mơ hồ của nhà Phật mà ông đang là người tu hành. Càng không thấy cái thôi thúc muốn bỏ hết tham luyến, muốn “chặt hết sắn bìm” để dứt niệm, thành Phật như các thiền sư khác thời Lý Trần.
Vì vậy, Huyền Quang xứng là Thi sĩ  - Thiền sư chói sáng của dòng thiền Trúc Lâm và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.                                                                          

Nguyễn Đình Triển