Phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

24/11/2019 17:56 Số lượt xem: 2485
60 năm hình thành và phát triển, Lâm nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành quả, mốc son đáng nhớ. Từ một ngành Lâm nghiệp lấy khai thác gỗ làm mục tiêu chính, đến nay Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hộị.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh tuần tra, kiểm soát rừng phòng hộ.

Ngay khi hòa bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm dặn dò Bộ Nông Lâm (cũ) về việc vận động nhân dân trồng cây lấy gỗ để làm chất đốt và lấy gỗ làm nhà, tạo bóng mát, cảnh quan cho quê hương. Sự quan tâm của Bác là nhân tố quan trọng để động viên nhân dân tham gia phong trào trồng cây, gây rừng. Trong không khí khắp nơi thi đua sôi nổi để lập thành tích chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân số 2082, ngày 28-11-1959. Bắt đầu từ năm 1995, ngày 28-11 được lấy làm “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” nhằm giáo dục, động viên, vận động các cấp, ngành chung tay bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Hòa chung với khí thế và phong trào Tết trồng cây của cả nước, Bắc Ninh đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây theo lời Bác, từ những năm 1960, là một trong các địa phương có thành tích tốt về trồng cây, gây rừng và được đón Bác về thăm, trồng cây tại xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) vào dịp Tết Đinh Mùi 1967. Từ đó đến nay, phong trào trồng cây ở Bắc Ninh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh duy trì và phát triển, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội ở các địa phương. Ngay những ngày đầu tái lập tỉnh, mặc dù trong bộn bề công việc, nhưng Tết trồng cây Xuân Đinh Sửu 1997, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tổ chức trang trọng tại khu Văn Miếu (phường Đại Phúc). Hàng năm cứ vào dịp Tết đến, Xuân về, các địa phương, đơn vị tổ chức Tết trồng cây và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và pháp triển rừng, trồng cây phân tán trong nhân dân góp phần vào sự thành công của việc xã hội hóa trồng cây xanh, xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển toàn diện, bền vững, đảm bảo môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp.
Với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phát triển lâm nghiệp mang lại màu xanh cho quê hương, làm trong sạch bầu không khí. Không chỉ tổ chức trồng cây xanh trong dịp Tết, các địa phương còn thực hiện trồng cây phân tán, cây ăn quả tạo cảnh quan môi trường và mang lại nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời triển khai các chương trình, dự án trồng rừng của Trung ương chỉ đạo.
Sau 22 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã trồng được 21 triệu cây phân tán, trồng mới (bước 1) được 600 ha rừng, trồng nâng cấp rừng (bước 2) hơn 773 ha, đến năm 2010 đất đồi núi trọc của tỉnh đã căn bản được phủ xanh, độ tán che của rừng (trên đất lâm nghiệp) hơn 95%. Để nâng cao giá trị rừng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời làm đẹp cảnh quan môi trường, từ năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 và dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp rừng theo mô hình phát triển rừng bền vững giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu cải tạo rừng thông xen keo hiện có bằng các loài cây bản địa có giá trị như lim, lát, long não, de, dổi, sấu, muồng… Đến nay trồng được gần 158 ha, góp phần khai thác tối đa lợi thế của rừng, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, tạo lập môi trường bền vững, góp phần thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đi đôi với công tác phát triển rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR đã được triển khai có hiệu quả. Rừng và cây xanh được chăm sóc, bảo vệ tốt, ngày càng phát triển theo hướng bền vững đã có tác dụng tích cực đối với môi trường và đời sống nhân dân, góp phần vào tiêu chí đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố xanh, sạch đẹp luôn cuốn hút du khách và bạn bè bốn phương. Đến bất cứ nơi nào trong tỉnh, dù vùng nông thôn hay thành thị, ven đê hay trên đồi, trên cánh đồng hay các KCN, khu đô thị... đều bắt gặp những hàng cây, rừng cây xanh vươn cao, minh chứng cho mục tiêu là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương năm 2020 và những năm tiếp theo, Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là Luật Lâm nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững. Quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đầu tư cải tạo, nâng cấp rừng phòng hộ tỉnh Bắc Ninh theo mô hình phát triển rừng bền vững giai đoạn 2015 - 2020,  làm cơ sở tiếp tục cải tạo, nâng cấp toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh trong thời gian tiếp theo. Thực hiện tốt chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường và phát triển đô thị và huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới rừng và đất lâm nghiệp. Sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, thu hút mọi nguồn lực xã hội và sự tham gia của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, nâng cao mức sống của người dân vùng đồi rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Thái Uyên