Chăn nuôi an toàn sinh học- Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

28/11/2019 19:53 Số lượt xem: 3851
Những năm gần đây, chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ đóng góp quan trọng vào phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, chiếm gần 50% tổng giá trị thu nhập. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được triển khai, giúp đề phòng nguy cơ dịch bệnh, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp một cách bền vững. 

Từng nhiều năm “lăn lộn” với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, một trong những trăn trở lớn nhất của bà Vũ Thị Đông ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái (Thuận Thành) là vấn đề làm sao để vừa phát triển sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp bà Đông tìm được lời giải cho “bài toán” phát triển chăn nuôi bền vững. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, bà mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM vào nhiều công đoạn trong quy trình chăn nuôi, tự tạo nguồn thức ăn có chất lượng. Đồng thời, sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa và một số thành phần khác để tạo thành đệm lót sinh học cho khu chuồng chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường. Nhờ đó, khu trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 2 ha của gia đình bà Đông gồm ao cá; khu chuồng nuôi hơn 100 lợn thịt, lợn rừng và hàng nghìn con gà cùng khu giết mổ chế biến tập trung luôn bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, năm 2014, sản phẩm thịt lợn, thịt gà từ trang trại của gia đình bà đã được tổ chức EMRO Nhật Bản công nhận đạt chuẩn Thực phẩm Hữu cơ an toàn. Các sản phẩm sau khi chế biến đều được đóng gói, dán nhãn mác xuất xứ rõ ràng và được thị trường ưa chuộng, dù giá thành cao hơn giá thị trường, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường định kỳ tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Oai, xã Song Liễu (Thuận Thành).


Sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học do Trạm Thú y, nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Thành tổ chức, năm 2015, ông Nguyễn Văn Oai ở thôn Bến Long, xã Song Liễu (Thuận Thành) mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá kết hợp gà Ai Cập đẻ trứng với quy mô 2.000 con. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình chăn nuôi của ông Oai trở thành điển hình về chăn nuôi hiệu quả của xã Song Liễu với 1 mẫu ao nuôi cá, 300 m2 chuồng nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Ngoài việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học phục vụ quá trình chăn nuôi, hàng tuần ông đều sử dụng vôi bột, hóa chất vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường. Theo ông Oai, song song với việc tuyển lựa kỹ con giống có chất lượng, việc tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học là khâu then chốt để đạt được hiệu quả kinh tế. Gà từ khi đưa vào nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin; việc phun tiêu độc, khử độc vệ sinh chuồng trại được thực hiện định kỳ; nguồn thức ăn, nước uống của vật nuôi bảo đảm vệ sinh… Do đó, đàn gà của gia đình ông luôn có sức đề kháng tốt, sản phẩm xuất bán đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. 
Theo ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh: “Toàn tỉnh hiện có 90 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong đó 44 trang trại ứng dụng công nghệ cao (chuồng kín, máng ăn, uống tự động), 10 trang trại, gia trại được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh”. Tuy nhiên, thực tế chăn nuôi hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại về phương thức, vệ sinh, phòng dịch dẫn đến phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại, ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi. Để khắc phục những vấn đề này và dần đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh có chủ trương, biện pháp động viên, khuyến khích các địa phương thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo quy mô gia trại, trang trại tập trung, xa khu dân cư. Chủ trương này đã khẳng định rõ tính hiệu quả thông qua sự phát triển không ngừng của hệ thống trang trại, gia trại trong toàn tỉnh với đối tượng chăn nuôi chủ yếu là lợn thịt và gia cầm các loại. Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho đàn vật nuôi; chủ động phòng ngừa dịch bệnh và bảo đảm tốt vấn đề môi trường. 
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang dần trở thành định hướng sản xuất hiệu quả, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người chăn nuôi. Thời gian tới, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học cho người sản xuất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học một cách hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn