Tối ưu hóa tiềm năng ngành công nghiệp điện, điện tử

20/07/2022 20:28 Số lượt xem: 2439
Năm 2022 kinh tế của Bắc Ninh được tiếp nối bởi những tác động có tính chất nền tảng dựa trên các yếu tố: Hệ thống quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị dần được hoàn thiện; Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho kiến thiết hạ tầng; Bắc Ninh tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn nguồn vốn FDI đầu tư vào các KCN và các khu đô thị lớn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các chương trình phục hồi kinh tế được triển khai…

Trong những yếu tố mang tính nền tảng đó, thì động lực thúc đẩy tăng trưởng chính được thể hiện rõ nét bởi yếu tố cơ cấu kinh tế hiện đại dựa trên cụm ngành điện tử và đang chuyển nấc cao hơn gắn với sản xuất thiết bị cảm biến, nhóm ngành này chiếm tỷ trọng lớn và có khả năng tăng trưởng cao.

Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng là một trong những doanh nghiệp đang thực hiện chương trình xây dựng nhà máy thông minh.


Nguồn lực từ các dự án FDI lớn đầu tư mở rộng và khởi động với những KCN rất đắc địa về vị trí không gian và cụm liên kết ngành, ngày càng mở rộng cho ngành sản xuất điện tử tăng tốc. Qua đó vừa khai thác được lợi thế sẵn có, vừa lan tỏa giá trị ngành công nghiệp, đặc biệt là phù hợp với xu thế của thời đại. Năm 2006, với sự xuất hiện của một số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử đã tạo ra bước chuyển mình cho sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến đã có sự chuyển dịch rõ nét, đồng thời xác lập thêm một số ngành mới là điện, điện tử (tuy mới xuất hiện nhưng đã chiếm 2,5%) và sau này đã tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp. Thực tế minh chứng, đến năm 2022 cơ cấu chuyển dịch trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có biến đổi căn bản, với ngành sản xuất sản phẩm điện tử đã chiếm tới 79,3%. Hiện Bắc Ninh- Bắc Giang -Vĩnh Phúc đã hình thành cụm ngành điện tử và Bắc Ninh sản xuất thiết bị cảm biến cho ngành công nghiệp toàn miền Bắc. Với tâm điểm Samsung và cơ hội mới Samsung đang tuyên bố về chiến lược phát triển ngành bán dẫn càng gia tăng động lực cho Bắc Ninh khai thác phát triển ngành công nghiệp điện, điện tử. Đến tháng 6-2022, Samsung Electronics đã sản xuất được 800 triệu sản phẩm điện thoại “Made in Vietnam”, với số lượng sản phẩm này nếu xếp vòng quanh trái đất có thể được 3 vòng. Sản phẩm điện thoại thứ 800 triệu của nhà máy SEV thuộc dòng sản phẩm Samsung Galaxy Z Fold 3, một dòng sản phẩm chiến lược của SEV nói riêng và của Samsung nói chung.
Cùng với sự nâng cao giá trị sản xuất, ngành công nghiệp điện, điện tử của Bắc Ninh ngày càng được nâng tầm về quản trị và công nghệ, tiệm cận và đạt chuẩn quốc tế. Thực tế, tại các KCN đã có mô hình quản trị doanh nghiệp thông minh, kết nối công nghiệp- dịch vụ theo thời gian thực. Với 7 mô hình Nhà máy thông minh được Samsung hỗ trợ bao gồm: Công ty Cổ phần Hanpo Vina;Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng; Công ty TNHH Trần Thành; Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp Chiến Thắng; Công ty TNHH Nhựa An Lập; Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện Postef. Các dự án hợp tác này có tính lan tỏa sâu rộng giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó thì Tập đoàn giải pháp công nghệ điện ABB cũng thông qua chiến lược phát triển nhà máy thông minh và vừa khánh thành nhà máy sản xuất thông minh tại Bắc Ninh, với tổng kinh phí đầu tư 6 triệu USD. ABB tập trung đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong quản lý và phân phối các mạng lưới sử dụng năng lượng tái tạo phức tạp. Nhà máy của hãng tại Bắc Ninh sẽ là trung tâm sản xuất hiện đại nhất Đông Nam Á, sử dụng các công nghệ tiên tiến tương tự như các nhà xưởng khác của ABB tại châu Âu, kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao giá trị ngành công nghiệp, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế mảng sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh có nhiều tiềm năng và tính hấp dẫn cao, được định giá 700 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến trong giai đoạn 2020-2025 tăng trưởng 7,9%. Chỉ riêng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh đã chiếm 80% thị trường và 90% mức độ tăng trưởng trong thị trường điện tử tiêu dùng. Trong giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép của điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh dự kiến đạt lần lượt là 8.3% và 13.5%, cao hơn mức 7.9%, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép trung bình của thị trường điện tử tiêu dùng toàn cầu.
Bắc Ninh đã có sẵn các lợi thế và yếu tố hỗ trợ cần thiết cho hoạt động sản xuất điện thoại và thiết bị đeo thông minh, bao gồm các cơ sở vật chất và quỹ đất tại các khu công nghiệp, lực lượng lao động với chuyên môn sẵn có và các cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng được hình thành theo các dự án FDI của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Canon, Foxconn. Bắc Ninh đã hình thành cụm sản xuất điện tử với các thế mạnh sẵn có về sản xuất các linh kiện và thiết bị điện tử, để định hướng trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối hàng đầu, việc dịch chuyển sản xuất sang các sản phẩm và hoạt động với giá trị cao là vấn đề tất yếu. Trong giai đoạn tới cần tập trung vào phân khúc sản phẩm giá trị cao như: sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh, màn hình, linh kiện điện tử. Nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị bằng việc tăng cường nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện tử, mở rộng chuỗi cung ứng. Do vậy, tối ưu hóa các nguồn lực, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, phát triển Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Thùy Dương